Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng biển Đông

Nhật Bản đang xúc tiến xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang các nước Đông Nam Á.

Chính phủ Philippines hôm 18/8 phản đối những hành động “tuần tra chủ quyền” của Trung Quốc trên biển Đông. Theo Manila, động thái đơn phương này nằm trong ý đồ thiết lập “sự hiện diện thường xuyên và áp đảo để thay đổi hiện trạng ở biển Đông” của Bắc Kinh.

“Chúng tôi phản đối việc tàu Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra quanh bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Sự xuất hiện thường xuyên của tàu Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong là một phần của những cuộc tuần tra chủ quyền trái phép…” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định tại một cuộc họp báo ở Manila.

Theo ông Jose, các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở biển Đông đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc hành động như vậy. Ông Jose đã nhắc lại vụ 4-5 tàu Trung Quốc tuần tra quanh bãi Cỏ Mây trước đây.

Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng biển Đông - 1

Tổng thống Philippines Benigno Aquino lo ngại về 2 tàu Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong (Ảnh: AP)

Phản ứng trên được đưa ra sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino báo động về sự xâm nhập của 2 tàu Trung Quốc vào khu vực bãi Cỏ Rong. Dẫn thông tin nhận được từ quân đội, ông Aquino cho biết 2 tàu nghiên cứu thủy văn Trung Quốc đang hiện diện gần bãi Cỏ Rong bất chấp việc Philippines đã đề xuất đóng băng các hoạt động leo thang căng thẳng trên biển Đông.

Ông đặt nghi vấn trong cuộc phỏng vấn phát trên đài TV5 hôm 17/8: “Họ đang làm gì ở đó? Họ đang thực hiện những nghiên cứu gì? Tôi hy vọng (sự hiện diện của tàu Trung Quốc) sẽ không dẫn đến căng thẳng”. Theo nhà lãnh đạo Philippines, Trung Quốc vẫn không ngừng xâm nhập lãnh hải nước này bất chấp nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình của Manila.

Hiện chưa rõ 2 tàu Trung Quốc đến gần bãi Cỏ Rong khi nào nhưng sự hiện diện của chúng là hành động khiêu khích đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh bác bỏ đề xuất “đóng băng” mà Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cố gắng đưa ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hôm 10-8. Hành động này đe dọa gây thêm căng thẳng ở biển Đông và thúc đẩy các nước trong khu vực tăng cường sức mạnh quân sự để đương đầu với Trung Quốc.

Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản hôm 17/8 cho hãng Kyodo biết Tokyo đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo vào cuối tháng 9 để xúc tiến xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang các nước Đông Nam Á. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa Nhật Bản và các nước ASEAN để bàn về vấn đề xuất khẩu thiết bị quốc phòng kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe nới lỏng hạn chế về xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4 vừa qua.

Dự kiến trong cuộc hội thảo có chủ đề chính là “an ninh hàng hải” nói trên, Tokyo sẽ trình bày về việc thiết bị và công nghệ quân sự Nhật Bản - như tàu tuần tra và máy bay - có thể giúp cải thiện năng lực quốc phòng của các nước ASEAN như thế nào. Tokyo cũng tin là môi trường an ninh của Nhật Bản sẽ được cải thiện nếu các nước ASEAN tăng cường được sức mạnh phòng thủ trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông.

Sau hội thảo, Tokyo dự định thảo luận ngay về việc ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng với các nước ASEAN nào có quan tâm. Nhật Bản cho đến giờ đã ký thỏa thuận chuyển giao thiết bị quốc phòng với Mỹ, Anh và Úc.

Philippines tập trận hải quân đa quốc gia

Quân đội Philippines hôm 17/8 thông báo khoảng 180 binh sĩ và một chiến hạm lớp Hamilton đã rời vịnh Subic để tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia “Kakadu 2014” ở vùng biển phía Bắc Úc từ ngày 25/8 đến 12/9. Đây là lần thứ hai Philippines cử tàu chiến tham gia cuộc tập trận này.

Kakadu do Hải quân Úc tổ chức 2 năm một lần từ năm 1993 với mục đích thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước có tham gia tập trận. Cuộc tập trận năm nay có sự góp mặt của hải quân 12 nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN