TQ nổi giận trước bình luận “nô lệ tình dục”

Trung Quốc hôm qua bày tỏ cảm giác sốc và phẫn nộ trước bình luận của chính trị gia Nhật Bản, rằng hệ thống nô lệ tình dục phục vụ quân đội Nhật Bản hồi Thế chiến II là “cần thiết”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng việc ép buộc các nô lệ tình dục, còn được gọi là “phụ nữ giải khuây”, là tội ác nghiêm trọng của quân đội Nhật Bản, là hành vi vi phạm nhân quyền làm ảnh hưởng tới nhân phẩm của các nạn nhân.

Bình luận của Thị trưởng TP. Osaka Toru Hashimoto trắng trợn thách thức công lý lịch sử và lương tâm nhân loại, ông Hồng Lỗi nói trong phiên họp báo thường kỳ.

“Cách Nhật Bản đối diện với quá khứ sẽ quyết định tương lai”, người phát ngôn nói, và thêm rằng các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế sẽ phải chờ xem Nhật Bản lựa chọn như thế nào.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng phát ngôn của nhiều chính trị gia nổi tiếng ở Nhật gần đây về lịch sử là kết quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang lên ở Nhật Bản và tình hình kinh tế nhiều vấn đề của nước này.

“Trong tình huống đạn bắn ra như mưa, người lính luôn đứng trước nguy cơ mất đi mạng sống. Nếu muốn họ thư giãn trong những lúc như thế thì hệ thống phụ nữ giải trí là cần thiết. Ai cũng hiểu điều đó”, Thị trưởng Toru Hashimoto bình luận trước đó.

Chính trị gia trẻ tuổi này cũng nói rằng chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy quân đội Nhật Bản ép phụ nữ trở thành nô lệ tình dục.

TQ nổi giận trước bình luận “nô lệ tình dục” - 1

Thị trưởng TP. Osaka khiến Trung Quốc và Hàn Quốc nổi giận trước bình luận về hệ thống nô lệ tình dục thời chiến tranh

Theo Zhou Yongsheng, chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản tại ĐH Ngoại giao Trung Quốc, sự thật lịch sử không thể chối cãi là quân đội Nhật Bản ép rất nhiều phụ nữ, trong đó có không ít người Trung Quốc, làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong thời Thế chiến II. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố không liên quan gì đến phát ngôn của ông Hashimoto.

“Quan điểm của chính phủ Nhật Bản về vấn đề phụ nữ giải khuây là, như tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi hiểu nỗi đau của những người phải trải qua thời kỳ khó khăn không thể tả hết, và chính phủ chia sẽ quan điểm với các chính quyền trước đó”.

Một quan chức Hàn Quốc bày tỏ thất vọng rằng một chính trị gia cao cấp của Nhật Bản “lại đưa ra bình luận ủng hộ tội ác chống lại loài người, thể hiện sự thiếu hiểu biết lịch sử nghiêm trọng và coi thường quyền phụ nữ như vậy”, hãng tin AP cho biết.

Trong khi đó, bà Sane Takaichi, lãnh đạo đạo phụ trách hội đồng chính sách của đảng Đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền tại Nhật Bản, gần đây nói rằng sẽ đến thăm đền Yasukuni thờ các tướng lính chiến tranh, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Wang Xinsheng, giáo sư nghiên cứu Nhật Bản ở ĐH Bắc Kinh, cho rằng những hành động được cho là viết lại lịch sử của Nhật Bản là biểu hiện của sự đối đầu của Nhật Bản với các nước châu Á.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo China Daily) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN