Tội phạm dẫn độ trên máy bay được áp giải như thế nào?

Một tội phạm được dẫn độ từ HN vào TP HCM ngày 5/1 tri hô có bom trên máy bay để tìm cách bỏ trốn.

Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không dân dụng được phép vận chuyển hành khách là bị can, bị cáo, phạm nhân, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã, trừ chuyến bay chuyên cơ thuê khoang.

Các đối tượng này phải được kiểm tra và giám sát an ninh đặc biệt. Cụ thể là phải có người của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp giải. Trên một chuyến bay chỉ được vận chuyển không quá 5 người thuộc đối tượng này. Khi làm thủ tục bay, người áp giải đối tượng phải cung cấp lệnh hoặc quyết định áp giải của cơ quan có thẩm quyền cho nhà chức trách hàng không ở sân bay, lực lượng an ninh hàng không và hãng vận chuyển để các bên trao đổi thống nhất về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình áp giải.

Tội phạm dẫn độ trên máy bay được áp giải như thế nào? - 1

Một tội phạm 31 tuổi được dẫn độ bằng đường hàng không từ Hà Nội vào TP HCM ngày 5-1 đã tri hô có bom hòng tìm cách bỏ trốn. Ảnh minh họa

Đối tượng cùng với người áp giải có thể được bố trí kiểm tra an ninh hàng không tại khu vực riêng, hành lý được kiểm tra trực quan. Trong quá trình đưa đối tượng lên/xuống máy bay cũng phải có sự giám sát của tất cả các lực lượng liên quan. Trước khi cất cánh, hãng hàng không phải thông báo cho cơ trưởng vị trí ngồi của tội phạm và những người áp giải cùng với công cụ hỗ trợ họ mang theo. Trong suốt hành trình, cơ trưởng là người thông báo với mặt đất về các yêu cầu trợ giúp cần thiết nếu có.

Trên máy bay, tội phạm dẫn độ được chỉ định ngồi ở các hàng ghế cuối cùng, xa cửa thoát hiểm. Nhân viên áp giải ngồi ghế cạnh lối đi, tội phạm ngồi ghế trong, trường hợp số nhân viên áp giải gấp hai lần số người bị áp giải thì người bị áp giải ngồi ghế giữa hai nhân viên áp giải.

Để đảm bảo an ninh cho chuyến bay, cả người áp giải và người bị áp giải đều phải được bố trí rời khỏi máy bay sau cùng so với các hành khách khác.

Trong suốt hành trình, tội phạm phải được người áp giải giám sát chặt chẽ, kể cả khi vào phòng vệ sinh. Cũng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, tội phạm dẫn độ có thể được mời ăn trên máy bay với sự đồng ý của người áp giải nhưng không được uống các loại nước có cồn. Mặc dù được giám sát chặt chẽ nhưng cán bộ áp giải không được khóa tay hoặc chân tội phạm vào bất cứ bộ phận nào của máy bay.

Trong tình huống xảy ra đối với chuyến bay VN253 ngày 5-1, Đ.B.Đ là tội phạm được 2 cán bộ công an áp giải dẫn độ từ Hà Nội vào TP HCM. Đối tượng này bị còng tay, được bố trí ghế ngồi số 57J. Tuy nhiên, khi máy bay vừa được đẩy ra khỏi vị trí bãi đỗ để ra đường băng, Đ.B.Đ đã xin đi vệ sinh và lợi dụng tình huống này để hoang tin có bom, gây náo loạn trên máy bay hòng bỏ chạy. Cán bộ áp giải và tổ tiếp viên đã kịp thời khống chế đối tượng, cơ trưởng xin hỗ trợ của mặt đất để áp giải đối tượng xuống máy bay. Toàn bộ 246 hành khách còn lại của chuyến bay VN253 cũng lập tức phải rời khỏi máy bay để tái kiếm tra an ninh đối với cả khách và máy bay. Chỉ khi thủ tục tái kiểm tra hoàn tất, chuyến bay V253 mới được cất cánh, chậm 2 giờ so với hành trình dự kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN