Tìm lại vó câu trường đua

Đoàn ngựa đang băng băng trên đường đua, người đàn ông ngồi bên dải băng ngăn cách nhấp nhổm hồi hộp theo dõi từng bước chạy của ngựa.

Tìm lại vó câu trường đua - 1

Cú nước rút về đích ngoạn mục

Rồi ông nhảy cẫng lên sung sướng vì con ngựa của mình về đích đầu tiên, dù đây chỉ là cuộc đua phong trào, diễn ra tại một bãi đất ở huyện Đức Hòa, Long An.  

Sau hơn hai năm đóng cửa trường đua Phú Thọ (TPHCM), nhiều người nuôi ngựa đua vẫn đau đáu với những kí ức về một thời vàng son. Bỏ qua những vất vả, khó khăn của cuộc sống hiện tại, gương mặt các chủ ngựa trở nên sáng hẳn khi được hỏi về chuỗi ngày ăn ngủ cùng ngựa.

Muốn nghèo, nuôi ngựa

“Ngày còn trường đua Phú Thọ, tôi được đài truyền hình Nhật Bản qua quay phim vì nuôi được loại ngựa cao lớn mà chỉ nước ngoài mới nuôi được. Nhiều năm ngựa đua của tôi luôn đoạt được giải cao. Thời đó ngựa của tôi là số một đấy…” , ông Lê Văn Nhiệm (69 tuổi, TPHCM), nói.

Ông Nhiệm bảo, để nuôi được một con ngựa đua tốt, người ta phải tốn nhiều công sức và chỉ những người thực sự đam mê mới bám trụ được với cái nghề này. Ngựa 3-4 tuổi là có thể đưa đi đua, mỗi con có thể đua tới 15 năm. Ngựa sung sức nhất là từ 6 đến 8 tuổi. Sau khi hết tuổi đua, những con ngựa tốt sẽ được dùng để phối giống, tuổi đời ngựa có thể kéo dài tới 30 năm. “Để ngựa đua được khỏe và bền, hằng ngày phải cho ngựa tập chạy, lội bùn… Mỗi con ngựa trưởng thành mỗi ngày ăn ít nhất cũng 10kg lúa, ngoài ra còn phải tiêm thuốc tăng lực, tắm rửa vệ sinh đề phòng bệnh tật”.

Tìm lại vó câu trường đua - 2

 Chuẩn bị cho cuộc đua.

Những gia đình nuôi ngựa ở huyện Đức Hòa, Long An đều có truyền thống lâu đời, có những người cả đời tìm kiếm các “bí kíp” để con ngựa của mình được to, cao. Thông thường, ngựa Việt Nam nhỏ và thấp hơn ngựa nước ngoài nên khi đưa ra đua thì thường yếu thế. Vì vậy, những người có tâm huyết đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm cách nâng cao chất lượng ngựa Việt Nam.

 “Gia đình tôi có truyền thống năm đời nuôi ngựa đua, lúc trường đua Phú Thọ còn hoạt động tôi có 29 con, bầy ngựa đua của tôi có tiếng ở Việt Nam. Từ khi trường đua đóng cửa, tôi cố giữ ngựa nhưng không được, kinh tế gia đình quá khó khăn. Bây giờ cả đàn ngựa chỉ còn một con, đau xót lắm…”, ông Nhiệm nói.

“Ở Việt Nam, bầy ngựa của tôi là lớn nhất và con ngựa cho vai diễn Quang Trung là con ngựa lớn nhất Việt Nam mà tôi có vào thời điểm đó. Mà vua thì phải cưỡi con ngựa lớn nhất, mạnh nhất”

Ông Lê Văn Nhiệm

Cũng như ông Nhiệm, ông Nguyễn Bửu Trí (72 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) đã bỏ ra gần như cả cuộc đời để nuôi ngựa. Hiện tại ông đang nuôi 11 con. Trong buổi đua ngày 22/12/2013 ông cho 6 con ngựa đua ở hai nhóm 6 và nhóm 7 - 8 (hai nhóm ngựa lớn nhất).

Ông Trí cho biết, ngựa đua được chia làm nhiều nhóm từ nhỏ đến lớn. Các loại ngựa nhỏ nhất được xếp vào nhóm 1, 2, 3; ngựa lớn hơn thuộc nhóm 4, 5; tiếp theo là nhóm 6; ngựa lớn nhất được xếp vào nhóm 7, 8. Nhóm ngựa lớn thường cao hơn nhóm nhỏ khoảng 3 - 4 cm. “Ở Việt Nam thì chia ra nhóm nhỏ vậy cho nó công bằng, tạo cơ hội cho những con ngựa nhỏ hơn chứ nước ngoài thì chỉ có một nhóm, ngựa ai nhỏ thì phải chịu”, ông Trí nói. 

Từ khi trường đua đóng cửa, dân nuôi ngựa ở TPHCM cũng như ở Long An rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Những con ngựa đua có giá cả trăm triệu đồng bỗng nhiên trở thành ngựa thịt chỉ bán được chục triệu. Bán thì không nỡ mà nuôi thì không có vốn vì không đua thì những con ngựa này không thể làm gì được ngoài bán thịt. “Người nuôi ngựa đau khổ nhất là phải đem ngựa ra giết thịt hay bán”, ông Nhiệm nói. 

Huyện Đức Hòa thời còn trường đua có đến 4.000 con ngựa. Nhà nhà nuôi ngựa đua nhưng từ khi đóng cửa đến nay, số lượng ngựa giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 300 con. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản vì món nợ ngân hàng lên hàng trăm triệu đồng. Từ đó người dân truyền nhau câu vè: “Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi tôm, muốn nghèo thì nuôi ngựa”. 

Ngựa đua vào phim 

Bầy ngựa gần 30 con của ông Nhiệm từ ngựa đua đã từng trở thành những chú chiến mã hùng dũng trong bộ phim Tây Sơn hào kiệt. Lúc trường đua Phú Thọ còn mở cửa, hằng ngày đích thân ông đưa ngựa ra bãi cỏ cho nó ăn và quan sát kĩ lưỡng.

Tìm lại vó câu trường đua - 3

 Sửa móng cho ngựa trước cuộc đua.

“Tôi thấy những bãi cỏ xanh rờn, non mơn mởn nhưng ngựa không ăn mà lại ăn những bãi cỏ khô cằn, héo úa. Ngay lập tức những câu hỏi ấy hiện lên trong đầu và tôi đánh dấu những bãi cỏ đó. Đến tối, khi mọi người đi ngủ hết, tôi mới đem đèn pin ra nằm xuống mà quan sát, tìm hiểu tại sao. Cuối cùng tôi rút ra rằng đám cỏ khô kia có những loài kí sinh bám vào và nó là nguồn năng lượng cho ngựa. Từ đó tôi bỏ công nghiên cứu và nuôi được con ngựa lớn nhất Việt Nam”, ông Nhiệm kể. 

Trường đua đóng cửa, bầy ngựa của ông Nhiệm được đưa về Củ Chi (TPHCM) và Long An nuôi dưỡng. Khi đoàn làm phim Tây Sơn hào kiệt về tìm ngựa đóng phim, ông sẵn sàng ngay. “Một bộ phim về lịch sử Việt Nam mà đặc biệt là phim về vua Quang Trung thì không thể để những con ngựa nhỏ, ngựa yếu tham gia được”. 

Dù biết cho ngựa của mình tham gia làm phim sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chúng nhưng ông Nhiệm vẫn đồng ý cho mượn vì ngoài ông ra không ai có đàn ngựa đẹp như thế. “Ở Việt Nam, bầy ngựa của tôi là lớn nhất và con ngựa cho vai diễn Quang Trung là con ngựa lớn nhất Việt Nam mà tôi có vào thời điểm đó. Mà vua thì phải cưỡi con ngựa lớn nhất, mạnh nhất”, ông Nhiệm nói. 

Khi cho đoàn làm phim mượn bầy ngựa, ông Nhiệm đã cất công đi theo từ khi bắt đầu bấm máy đến khi kết thúc phim để chăm lo từng miếng ăn, ngụm nước của ngựa. 

Sau khi bộ phim hoàn tất, bầy ngựa của ông bắt đầu đổ bệnh, chết dần, kể cả con ngựa lớn nhất Việt Nam. “Nhìn bầy ngựa của mình lần lượt lâm bệnh chết mà tôi như người mất hồn, cắt từng khúc ruột. Con ngựa yêu quý nhất cũng chết, đến giờ này tôi chỉ còn con duy nhất nhưng tôi sẽ nhân giống và tìm lại bầy ngựa hùng dũng ngày xưa”. Tìm lại vó câu 

Sau hơn 2 năm đóng cửa trường đua Phú Thọ, những người tâm huyết với nghề đua ngựa đã họp lại với nhau tìm cách phục hồi lại nghề đua ngựa. 

Họ bỏ công sức làm hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng, tìm đến các chủ ngựa vận động tham gia ủng hộ. Trong đó, ông Baudron (tự ông Sáu, Việt kiều Pháp) là người trực tiếp đến từng gia đình nuôi ngựa để vận động.

“Nghề đua ngựa đã có ở Việt Nam hàng chục năm, đem lại không ít lợi ích về mặt kinh tế cho người dân thì tại sao không tìm cách phục hồi lại”, ông nói. Cuộc đua thử ngày 22/12/2013 tại một bãi đất ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An dự kiến xây trường đua ngựa đã gieo hi vọng vào lòng những người tâm huyết với nghề. 

Ông Sáu bảo, “tuy giải không lớn nhưng khi nghe nói có tổ chức đua ngựa, nhiều người vui lắm. Ai cũng muốn tham gia cho dù đường xa cỡ nào đi nữa. Có người thanh niên mới hơn 20 tuổi cũng dắt con ngựa từ TPHCM đi từ 4 giờ sáng đến đây để tham gia”. 

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Đức Hòa kiêm trưởng ban tổ chức cuộc đua ngựa thử cho biết: “Hiện nay đang đề nghị thành lập ban vận động đua ngựa huyện để đưa sân chơi mới đến với người nuôi ngựa. Nghĩ lại, huyện Đức Hòa từ 4.000 con ngựa đua giờ đây chỉ còn 377 con, số ngựa đua trên chủ yếu bị người dân bán làm thịt vì không nuôi nổi mà xót. Để nghề đua ngựa được tổ chức một cách quy củ, hiện nay những người đua ngựa đang thành lập hội ngựa đua huyện Đức Hòa”.

Ông Lý Thanh Thuận, giám đốc công ty Đức Thuận (Long An), người cho mượn đất để tổ chức cuộc đua cho biết, để có trường đua cho ngựa, ông đang xin phép để xây dựng trường đua tại đây. Ông Thuận nói thêm, ông thuê nhà thiết kế chuyên nghiệp của Pháp thiết kế kiến trúc trường đua, chỉ cần đợi Chính phủ cho phép là xây dựng ngay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Bình (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN