Thực hư thông tin “người cận thị bị cấm lái xe máy”

Theo Thông tư, những người có thị lực dưới 4/10 có dùng kính điều chỉnh nhưng mắt vẫn dưới 4/10 sẽ không được lái xe máy.

Gần đây, báo chí phản ánh: “Theo quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe tài xế, nhiều người cận thị sẽ bị cấm lái xe. Theo đó, những người có thị lực dưới 4/10 không được lái xe máy”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tuấn Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo Thông tư quy định sức khỏe người lái xe, cho rằng thông tin “người cận thị bị cấm lái xe máy” mà báo chí phản ánh là không đúng, sai bản chất.

“Đây là thông tin hoàn toàn sai. Họ đọc nội dung Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe nhưng không hiểu. Họ tự suy luận, gây hoang mang trong dư luận”, ông Đống bức xúc nói.

Thực hư thông tin “người cận thị bị cấm lái xe máy” - 1

Ông Đống cho rằng thông tin “người cận thị bị cấm lái xe máy” mà báo chí phản ánh là không đúng, sai bản chất (Ảnh minh họa)

Ông Đống lý giải, tháng 12.2014, Bộ Y tế công bố Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Giữa tháng 8.2015, Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe vừa được Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải ban hành và thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10.10 tới.

Theo Thông tư, những người có thị lực dưới 4/10 có dùng kính điều chỉnh nhưng mắt vẫn dưới 4/10 sẽ không được lái xe máy.

Ông Đống khẳng định: “Ngoài ra nội dung Thông tư cấm những người rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản đỏ - vàng - xanh lá cây (hay còn gọi là mù màu) lái xe máy”.

Những người thị lực dưới 5/10 có dùng kính nhưng đo thị lực mắt vẫn dưới 5/10 cũng không được lái ô tô hạng B1.

Ông Lê Tuấn Đống cũng cho rằng, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe lần này đã mở rộng và tạo điều kiện cho nhiều đối tượng.

Ông Đống cho biết, trước đây Bộ Y tế đã xây dựng bộ tiêu chuẩn sức khỏe riêng cho người tàn tật điều khiển phương tiện giao thông nhưng rất phức tạp.

“Nhận thấy đã là con người phải bình đẳng, không phân biệt người khuyết tật hay người lành. Người khuyết tật và người lành lặn phải có quy định sức khỏe trong cùng một thông tư nên chúng tôi đã đề xuất sửa đổi”, thành viên ban soạn thảo Thông tư quy định sức khỏe người lái xe chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN