Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Sáng 10-7, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn quốc đã diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo tại lễ phát động.

Sáng 10-7, lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 toàn quốc đã diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi, thực hiện trong thời gian ngắn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo tại lễ phát động.

Tại buổi lễ Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

"Hôm nay chúng ta có mặt ở đây với cảm xúc rất đặc biệt. Đặc biệt, tâm tư và suy nghĩ hướng về TP HCM và một số tỉnh phía Nam, nơi nhân dân đang phải đối mặt với sự phức tạp hơn của dịch bệnh, nơi cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào bị ảnh hưởng do các biện pháp phong tỏa, dãn cách… Nơi chúng ta cần thể hiện tấm lòng, sự đoàn kết và sự chia sẻ hơn bao giờ hết. Nơi chúng ta cảm nhận được sự bao dung, nhân ái, cảm thông và không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài việc tiếp cận vắc-xin"- Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, không chỉ đất nước chúng ta, mà cả thế giới không thể lường trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh và gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo hơn. Vắc-xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19.

Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan đã bám sát tình hình dịch bệnh, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời với các giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo để kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả vừa có tăng trưởng kinh tế dương kể từ khi có đại dịch đến nay.

Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện Chiến lược vắc-xin. Trong thời gian qua, chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính. "Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ vắc-xin đã nhận được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân ở trong và ngoài nước và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc chống đại dịch. Tính đến nay. Quỹ Vắc-xin đã nhận được hơn 8.000 tỉ đồng và đang sử dụng để mua vắc-xin phục vụ nhân dân"- Thủ tướng nói.

Theo ông, thời gian qua, nguồn cung vắc-xin khan hiếm, và nước ta thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên cung cấp vắc-xin. Với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ ngành liên quan trong ngoại giao vắc-xin, đặc biệt việc nhập khẩu nhanh nhất, nhiều nhất có thể, nên chúng ta đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trên 100 triệu liều trong năm 2021 và việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ và có kết quả bước đầu tích cực. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện đã thực hiện tiêm chủng được khoảng 4 triệu liều vắc-xin.

Việc sử dụng vắc-xin trong thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Những liều vắc-xin đầu tiên về Việt Nam được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Vắc-xin được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. "Tôi đã cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ, mong muốn trong lúc này vắc-xin chưa có nhiều, hãy dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp để tiêm trước mà không so bì tính toán. Đó là lý do tại sao những lô vắc-xin tháng trước đã được tập trung cho công nhân và nhân dân vùng dịch Bắc Ninh và Bắc Giang. Mấy hôm nay, vắc-xin được tập trung chuyển về tiêm cho nhân dân TP HCM và một số tỉnh có vùng dịch ở phía Nam. Ngay hôm nay, sẽ có 1,5 triệu liều vắc-xin được chuyển vào TP HCM và một số tỉnh dịch đang diễn biến phức tạp"- Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo tại lễ phát động

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo tại lễ phát động

Thủ tướng cho biết mục tiêu của chiến lược vắc-xin là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc-xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Khi có vắc-xin phải thực hiện tiêm tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả.

"Mấy tháng vừa qua là giai đoạn khởi đầu tích lũy và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai tiêm chủng trên diện rộng, và hôm nay chúng ta chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Dự kiến, chúng ta sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022"- ông nói.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để thực hiện Chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương có liên quan, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Để thực hiện chiến lược vắc-xin, chăm lo dài hạn cho sức khỏe của nhân dân, Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sản xuất trong nước và nhập khẩu để có đủ nguồn vắc-xin hàng năm.

"Dịp này, tôi kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chúng ta chiến thắng dịch bệnh. Đồng thời dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chúng ta không chủ quan sau tiêm mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, các ngành. Mỗi chúng ta hãy để thông điệp "mình vì mọi người và mọi người vì mình" và "thương người như thể thương thân" được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng, trong toàn thể nhân dân"- Thủ tướng kêu gọi.

"Đảng, Nhà nước và nhân dân hiểu và đánh giá cao sự hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an… đã vì cộng đồng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là lực lượng cán bộ y tế cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi lời cảm ơn đến tất cả các đồng chí và lực lượng tuyến đầu chống dịch và mong các đồng chí tiếp tục giữ vững phẩm chất trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời, cảm ơn sự đồng lòng hưởng ứng vào cuộc của nhân dân trong phòng chống dịch cũng như triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên cả nước"- Thủ tướng nói.

"Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn gian khổ, chúng ta lại càng phải phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau quyết tâm, trên dưới một lòng để thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng vắc-xin. Chúng ta sẽ có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an, sức khỏe cho nhân dân và phát triển đất nước. Niềm tin ấy sẽ do hành động của mỗi chúng ta, niềm tin ấy sẽ là của mỗi chúng ta và niềm tin ấy là của đất nước chúng ta, của truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta"- Thủ tướng tin tưởng.

Lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19

Lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành Trung ương chính thức phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Để có thể tiếp cận được nguồn vắc-xin trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng để sớm đưa vắc-xin về Việt Nam. Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vắc-xin được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được 105 triệu liều vắc-xin trong năm 2021, tiến tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Riêng trong tháng 7-2021, hơn 8 triệu liều vắc-xin sẽ về đến Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số địa phương trong khu vực miền Nam. Tất cả các vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

"Việt Nam là nước có tỉ lệ người dân ủng hộ việc tiêm vắc-xin cao hơn nhiều nước trên thế giới. Tinh thần này cũng được thể hiện rất rõ trong việc người dân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Vắc- xin phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như sẵn sàng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian qua. Đây là yếu tố thuận lợi đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành y tế và các Bộ, ngành liên quan, để triển khai thật tốt và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19"- Bộ trưởng Bộ Y tế nói,

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải và Trung ương Đoàn TNCS HCM; đã thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 năm 2021-2022. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sử dụng vắc-xin COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc-xin COVID-19 trong năm 2021. Hết quý 1-2022, trên 70% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19.

Trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, từ nay đến tháng 4-2022, Bộ Y tế đưa ra 16 nhóm đối tượng được tiêm chủng và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19.

Tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho đối tượng ưu tiên

Tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho đối tượng ưu tiên

Cụ thể: 16 nhóm đối tượng, trong đó có cán bộ y tế; người tham gia công tác phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, người làm công tác truy vết, làm việc ở khu cách ly, điều tra dịch tễ...);

Lực lượng công an; quân đội; cán bộ ngoại giao, giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, người cung cấp dịch vụ thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước)… ;

Người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống ở vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách, người bán hàng ăn, buôn bán ở chợ, xây dựng, lao động tự do; người được cơ quan nhà nước cử đi công tác, học tập và lao động ở nước ngoài...;

Các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc-xin cho Bộ Y tế...

Phạm vi triển khai của chiến dịch là trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm:

- Các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.

- Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ

- Các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

- Các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Bộ Y tế sẽ phân bổ vắc-xin theo từng đợt cung ứng vắc-xin COVID-19 theo thứ tự ưu tiên.

Bộ Y tế nêu rõ việc tổ chức tiêm chủng (ngoài hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có có thể bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm chủng theo giờ đảm bảo giãn cách…). Các sở điều trị sẽ tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kế hoạch này cũng lưu ý các bệnh viện trung ương, tỉnh thành phố, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm, đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.

Cả nước có 8 kho bảo quản vắc-xin tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 Quân khu (trong đó TP HCM và 8 địa phương khác bảo quản vắc-xin tại kho của Quân khu 7).

Vắc-xin được vận chuyển đến các điểm tiêm bằng hệ thống 63 xe tải chuyên dụng và 63 xe chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động.

Một số hình ảnh:

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 - 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 - 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 - 8

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chúng ta có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 - 9

Nguồn: [Link nguồn]

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về cách ly F1, xét nghiệm cho người dân TP.HCM

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong nhà/gia đình là F1, có thể xem xét thực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN