Thu phí xe vào nội đô và những giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội làm "dậy sóng" dư luận

Sự kiện: Thời sự

Tắc đường dường như diễn ra hằng ngày ở Hà Nội, cứ giờ cao điểm là tắc, xảy ra va chạm giao thông… cũng tắc. Đến nỗi, người ta ví tắc đường là “đặc sản” của Hà Nội.

Thu phí xe vào nội đô và những giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội làm "dậy sóng" dư luận - 1

Những năm qua, thành phố đã rất nỗ lực nghiên cứu và thực hiện các gải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông trong nội thành, thậm chí Hà Nội còn tổ chức cả một cuộc thi về giải pháp chống ùn tắc giao thông với tổng giá trị giải thưởng lên đến 6,6 tỉ đồng.

Trong khi các giải pháp đang được Hà Nội thực hiện như: cấm taxi trên một số tuyến phố vào giờ cao điểm; xây dựng tuyến buýt nhanh BRT chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt và đặc biệt là công trình giao thông công cộng được chờ đợi nhất là đường sắt trên cao chậm tiến độ đã nhiều năm thì những đề xuất mới nhằm chống ùn tắc giao thông vẫn liên tục được đưa ra.

Thu phí ô tô vào nội đô

Mới đây nhất, Sở GTVT Hà Nội đã thống nhất với Viện Chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị tư vấn) hoàn thành đề cương trình TP dự thảo thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô.

Hà Nội dự kiến sẽ lập trạm thu phí tự động tại khu vực vành đai 3.

Hà Nội dự kiến sẽ lập trạm thu phí tự động tại khu vực vành đai 3.

Nội dung được đại diện Sở GTVT thuyết minh dựa trên khảo sát và thống nhất với tư vấn. Theo đó, sẽ phân ra từng khu vực, tuyến phố có nguy cơ ùn tắc để hạn chế xe cơ giới đi vào.

Khu vực đầu tiên được Sở GTVT đề xuất xác định để phân vùng cho ô tô sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào.

TP Hà Nội sẽ lập trạm thu phí tự động với công nghệ hiện đại tại khu vực vành đai 3. Sở GTVT Hà Nội cho rằng, phương án thu phí sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện, không gây ùn tắc giao thông.

Khi thực hiện phương án thu phí, TP yêu cầu chủ phương tiện ô tô mở tài khoản ngân hàng, trang thiết bị thu phí phát tín hiệu tự động để tự nhận biết và trừ tiền trong tài khoản.

Cấm xe máy

Xe máy vẫn là phương tiện đi lại của đa số người dân Hà Nội

Xe máy vẫn là phương tiện đi lại của đa số người dân Hà Nội

Ngày 9/3/2019, phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đang nghiên cứu trình lãnh đạo UBND, HĐND đề án dừng hoạt động của xe máy.

Theo đó, đề án xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Trong lộ trình có tính tới dừng đăng ký mới xe máy, việc này Sở đang cùng Viện chiến lược bàn.

Đây là một trong những đề xuất giảm ùn tắc giao thông thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận và gây ra nhiều tranh cãi. 

Tuy nhiên, sau đó, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc cấm xe máy mới chỉ là ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở GTVT.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu quan điểm, với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người Việt Nam thì vẫn đang sử dụng một tỷ lệ xe máy rất lớn nên việc cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng.

Cấm xe máy theo ngày chẵn, lẻ

Cảnh ùn tắc tại Hà Nội thường xuyên diễn ra

Cảnh ùn tắc tại Hà Nội thường xuyên diễn ra

Ngày 24/8/2017, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030". Đề án này đã được HĐND TP Hà Nội bàn thảo, thông qua tại kỳ họp 3 hồi đầu tháng 7/2017.

Theo đó, giai đoạn 2017 – 2020 thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Đề án đặt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do phát sinh từ các phương tiện giao thông nhằm cải thiện nhu cầu đi lại, nâng cao chất lượng sống của người dân. 

Đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng giảm ùn tắc

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tháng 6/2018, Sở GTVT Hà Nội tiếp nhận đề xuất xây dựng một tuyến cáp treo chở khách vượt sông Hồng của một tập đoàn nước ngoài.

Đơn vị đề xuất phương án trên là Tập đoàn Poma (một Cty chuyên về cáp treo tại Cộng hòa Pháp), tuyến cáp treo được đơn vị nêu ra để phục vụ vận tải công cộng - VTCC (như xe buýt) có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên).

Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cáp treo vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp. Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 đến hơn 100 mét. Với sức chứa từ 25 đến 30 khách trên mỗi cabin, mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên.

Lộ trình tuyến trên có chiều dài trên 5 km, trong đó có khoảng 1,2 km cáp treo vượt sông Hồng, khoảng 4 km còn lại đi trên mặt đất và vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất.

Tổng mức đầu tư cho 1 km cáp treo được nhà đầu tư đưa ra để xây dựng tuyến cáp treo từ trạm xe buýt Long Biên đến bến xe Gia Lâm là 10 triệu Euro (tương đương 260 tỷ đồng).

Như vậy, với chiều dài khoảng 5 km, tuyến cáp treo sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng.

Một số chuyên gia, nhà quy hoạch cho rằng, số tiền này tương đương mức đầu tư 36 tuyến xe buýt mới, trong khi hiệu quả vận chuyển khách bằng xe buýt cao gấp 5 lần, hơn nữa cáp treo chỉ hoạt động tốt với thời tiết nắng ráo, còn trời mưa to hoặc bão, cáp treo phải dừng hoạt động, nằm im ở trạm trung chuyển.

Khuyến khích người dân đi xe đạp để chống ùn tắc

Theo các chuyên gia giao thông, với đặc điểm hạ tầng giao thông của Hà Nội thì ý tưởng khuyến khích dùng xe đạp để giảm ùn tắc giao thông là chưa phù hợp. Ảnh: V.Thịnh

Theo các chuyên gia giao thông, với đặc điểm hạ tầng giao thông của Hà Nội thì ý tưởng khuyến khích dùng xe đạp để giảm ùn tắc giao thông là chưa phù hợp. Ảnh: V.Thịnh

Tháng 4/2013, Sở Công Thương TP Hà Nội có Tờ trình số 1168 gửi UBND TP Hà Nội đề xuất đề án thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xe đạp. Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp của Hà Nội; khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường… Dự kiến đề án thực hiện trong hai năm với kinh phí khoảng 900 triệu đồng.

Căn cứ để Sở Công Thương TP Hà Nội đưa ra ý tưởng này là hiện các TP lớn trên thế giới đang tìm cách giảm bớt lượng ô tô, xe máy lưu thông trong đô thị nhằm kéo giảm ùn tắc. Tình hình tại TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cũng tương tự, “sự phát triển nhanh về số lượng các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị” - đề án nêu.

Để thực hiện đề án, sở này đề xuất lựa chọn một số TP tiêu biểu như Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm việc sử dụng xe đạp trong giao thông đô thị. Tiếp đó, tổ chức triển lãm xe đạp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.

Tuy nhiên sau đó đề xuất này cũng nhận được một số ý kiến cho rằng không khả thi vì cơ sở hạ tầng và thời tiết nắng nóng ở Việt Nam không phù hợp để áp dụng như một số nước châu Âu.

Phương tiện vào nội đô Hà Nội sẽ phải đóng phí từ khu vực nào?

Hà Nội có đến trên 80% số điểm ùn tắc tập trung ở khu vực vành đai 3.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lý Nguyễn (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN