Thiên thạch mang sự sống tới Trái đất
Các nhà khoa học cho rằng, thiên thạch từ các hành tinh ngoài Hệ mặt trời có thể đã mang sự sống tới Trái đất sau khi di chuyển hàng triệu năm trong vũ trụ.
Tiến sĩ Edward Belbruno và các cộng sự thuộc trường đại học Princeton (Mỹ) tin rằng, sự sống trên Trái đất có thể bắt nguồn từ các thiên thạch ngoài Hệ mặt trời rơi xuống hành tinh của chúng ta cách đây rất lâu. Bởi vì một số thiên thạch có thể mang theo các tổ chức sống nhỏ. Những sinh vật này có thể dễ dàng sống sót sau hành trình dài trong không gian cho dù mức phóng xạ của vũ trụ rất cao. Điều này đồng nghĩa là sự sống đơn giản có thể di chuyển từ Trái đất tới các hành tinh khác ngoài Hệ mặt trời.
“Nếu cơ chế này đúng, sự sống có thể tồn tại trong toàn bộ vũ trụ”, tiến sĩ Edward Belbruno, người đứng đầu nghiên cứu, nhận định.
Các nhà khoa học tin rằng thiên thạch đã mang sự sống tới Trái đất
Giả thuyết trên được các nhà khoa học đưa ra sau khi họ tiến hành dựng một chương trình máy tính mô phỏng sự hình thành của cụm sao bao gồm Mặt trời của chúng ta. Khi Hệ mặt trời còn trẻ, Mặt trời gần các ngôi sao liền kề hơn so với ngày nay, một mảnh thiên thạch từ các hành tinh có thể chuyển quỹ đạo giữa các ngôi sao khác nhau.
Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng khoảng từ 5 đến 12/10.000 thiên thạch thuộc Hệ mặt trời có thể thể bị hút bởi ngôi sao gần nhất trong khoảng thời gian 1 năm. Trong một khoảng thời gian từ 10 triệu đến 90 triệu năm, có hàng tỷ vật thể vũ trụ nặng trên 10 kg luân chuyển giữa các ngôi sao.
Khi các tổ chức sống nhỏ tới Trái đất, nó đã tìm được một hành tinh đã được bao phủ bởi nước ở dạng lỏng – một điều kiện thuận lợi để sự sống phát triển.