Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học

Có một ngôi nhà nhỏ bé nằm giữa một xóm nghèo nép mình dưới chân núi Đại Huệ xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ngôi nhà ấy đã từng chứng kiến sự miệt mài, khổ học và ước mơ trở thành thầy giáo của một cậu bé trường làng. Và cũng ngôi nhà ấy đã chứng kiến nỗi bất hạnh cũng như ý chí vượt lên số phận tật nguyền của cậu bé năm xưa, giờ đây đã người đàn ông bước vào độ tuổi ngoài 50.

Ước mơ trở thành thầy giáo

Chúng tôi tìm về xóm 2, xã Nam Xuân (Nam Đàn) hỏi nhà “anh Thắng bị tàn tật”, lập tức lũ trẻ tranh nhau dẫn đường đến nhà “thầy Thắng”.

Trên chiếc giường đơn sơ đặt ở một góc nhà, có người đàn ông với thân hình nhỏ thó, quặt quẹo đang “đánh vật” cùng với chồng sách vở, mà toàn là những thứ sách vở “kinh điển” về Toán học và văn hóa phương Đông. Người đàn ông đã hơn 30 năm “làm bạn” với chiếc giường và “vật lộn” cùng chồng sách vở ấy là anh Nguyễn Hữu Thắng (sinh năm 1961).

Từ sau vườn, bà Nguyễn Thị Vượng - mẹ anh Thắng bước vào niềm nở tiếp khách. Nét mặt đầy vết “chân chim”, đôi tay gầy guộc, dáng đi đã bắt đầu ra vẻ nặng nề, bà mẹ tuổi 80 kể chúng tôi nghe về nỗi bất hạnh đã giáng xuống số phận người con trai của bà.

Vợ chồng bà Vượng và ông Mười (đã mất từ năm 1982) sinh được 6 người con, anh Thắng là con đầu. Tất cả các em đều đã có cửa nhà và hiện đang vào đất Tây Nguyên tìm kế sinh nhai. Ở quê, hiện chỉ có cô em gái thứ hai lấy chồng cùng xã, thỉnh thoảng mới có điều kiện ghé thăm để đỡ đần mẹ và anh trai. Thuở nhỏ, Thắng là cậu bé khôi ngô và học giỏi nhất làng, được thầy cô và bạn bè quý mến.

Hàng ngày, sau buổi đến trường, Thắng cùng các bạn đi chăn bò trên núi Đại Huệ và không quên mang theo sách vở để tranh thủ học bài. Nhờ đó, Thắng và các bạn trong làng học hành ngày càng tiến bộ rõ rệt. Trong các môn học, Thắng yêu thích và say mê nhất là môn Toán. Có những hôm đi chăn bò một mình, vì mải mê với các phép tính nên trời tối lúc nào không hay, lúc ngửng đầu lên nhìn thì đàn bò đã về từ lúc nào không rõ.

Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học - 1

Thầy Thắng và các học trò làng

Dành nhiều tâm huyết cho môn Toán, Thắng ước mơ một ngày không xa sẽ được sánh bước cùng các bạn trên giảng đường ĐH và sau này trở thành một giáo viên dạy Toán. Ngày tháng trôi qua, cậu bé trường làng vừa đến lớp vừa đỡ đần công việc gia đình và nuôi dưỡng ước mơ.

Giữa đường đứt gánh

Nhưng ở đời ai tính được chữ ngờ. Năm 1978, đang theo học lớp 7/10, chân phải của Thắng bỗng dưng đau nhói. Lúc đầu, bố mẹ anh cứ nghĩ con trai mình đi chăn bò và chơi nghịch với bạn bè rồi bị sái chân nên tìm thuốc chữa gãy xương. Nhưng càng chữa, bệnh tình của Thắng không những không thuyên giảm mà chân ngày càng đau hơn.

Dù đau đớn, đi lại khó khăn nhưng hàng ngày Thắng vẫn cố vượt qua chặng đường 5km để đến lớp, quyết không bỏ một buổi học nào. Thương con trai, bà Vượng - ông Mười đưa Thắng đến bệnh viện huyện điều trị nhưng kết quả vẫn là con số “không”. Xuống viện tỉnh điều trị, bệnh tình của Thắng cũng không có chiều hướng tiến triển. Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng với quyết tâm còn nước còn tát, vợ chồng bà Vượng đưa con trai đi chữa chạy khắp khơi.

Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học - 2

Bà Nguyễn Thị Vượng bên cạnh người con tật nguyền

Ở đâu nghe tiếng có thầy giỏi, ông bà đưa Thắng đến để cứu chữa. Có lúc, điều trị suốt 3 tháng trời, chịu một lúc hàng chục mũi kim châm vào da thịt nhưng Thắng vẫn gắng gượng và chịu đựng, tay vẫn cầm theo cuốn sách Toán để học bài.

Sau khi “vái tứ phương” mà bệnh tình con trai không hề thuyên giảm, vợ chồng bà Vượng đành bất lực trở về. Chân ngày càng đau buốt nhưng hàng ngày Thắng vẫn lê bước đến trường... Cho đến một buổi sáng, bước chân xuống giường thấy nhói buốt rồi ngã gục giữa sàn nhà, kể từ đó Thắng không còn đứng được trên đôi chân của mình nữa.

Và cũng từ đó, việc học hành phải đành gác bỏ và phải tạm quên đi ước mơ trở thành thầy giáo dạy Toán.

Vài năm sau, ông Mười đột ngột từ giã cõi đời bỏ lại gánh nặng mưu sinh cho người vợ cùng 6 đứa con, trong đó người con trai đầu đã bị tật nguyền.

Oái oăm hơn khi bệnh tình của Thắng ngày càng trở nên trầm trọng. Lúc đầu chỉ mới bị liệt chân phải, về sau chân trái cũng có triệu chứng tê nhức, co giật rồi liệt dần. Sau đó, chứng teo cơ lan sang tay phải rồi lan ra cả toàn thân. Cho đến nay, toàn thân của anh chỉ còn tay trái còn có thể hoạt động được.

Và đã hơn 30 năm nay, cuộc đời anh gần như gắn chặt với chiếc giường nhỏ bé.

Nối lại ước mơ

Hỏi chuyện Nguyễn Hữu Thắng, anh bộc bạch: “Khi biết mình gặp phải chứng teo cơ, bại liệt, không thể tiếp tục đến trường, không thể thực hiện được ước mơ trở thành thầy giáo, lúc đầu tôi vô cùng thất vọng, có lúc đã nghĩ quẩn. Nhưng vì thương mẹ và các em, tôi quyết tâm kìm nén nỗi đau, gắng chịu những cơn co giật để mọi người được yên tâm làm việc và sinh hoạt...”.

Nhưng rồi, một ngày anh nhận ra những tháng ngày đã qua mình đã thực sự sống một cách hoài phí. Anh nhờ mẹ già tìm lại những cuốn sách Toán và hàng ngày say sưa với những phương trình và miệt mài đi tìm ẩn số. Đọc hết cuốn sách này, những người bạn học cùng làng năm xưa lại mang đến cho anh những cuốn sách mới, ở đó chân trời tri thức Toán học luôn được mở rộng và vẫy gọi trí tuệ của người đàn ông tật nguyền.

Một lần, mấy đứa trẻ đến nhà chơi và cãi nhau về cách giải một bài toán, cãi nhau mãi nhưng không đứa nào chịu đứa nào. Đang nằm trên giường, anh Thắng gọi tất cả lại gần rồi giảng giải bài toán một cách rõ ràng, khúc chiết, bọn trẻ hết sức khâm phục.

Kể từ đó, mỗi khi gặp bài toán khó hay còn băn khoăn chưa tìm ra cách giải hợp lý nhất, lũ trẻ trong làng lại rủ nhau ôm sách đến nhờ “thầy Thắng” giảng giải giúp. Lớp này đến lớp khác, lũ học trò trong làng, trong xã tìm đến nhà anh ngày một đông hơn. Cũng từ đó, người đàn ông tật nguyền ấy trở thành thầy giáo, ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ tưởng chừng như đã hoàn toàn lụi tắt nay bỗng dưng trở thành hiện thực.

Thầy nằm giảng bài

Người thầy ấy không thể đứng nổi trên bục giảng, không cầm được viên phấn để viết lên những con số, con chữ nhưng vẫn được các cô cậu học trò và các bậc phụ huynh yêu mến và kính trọng. Bởi lẽ, người thầy nằm bất động ấy có được cái đầu thông tuệ, có một trái tim tha thiết với cuộc đời và một nghị lực phi thường để vượt lên số phận.

Thử hình dung về một lớp học đặc biệt, thầy giáo nằm bất động trên giường, chung quanh mấy học trò đang miệt mài với từng phép tính. Trò đọc to lên mỗi khi làm xong bài tập, thầy chú ý lắng nghe rồi giảng giải cặn kẽ từng ly. Trò gật đầu tỏ ý đã hiểu bài, thầy cũng nở một nụ cười tỏ ý hài lòng vì đã làm được một việc có ích.

Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học - 3

Anh Nguyễn Hữu Thắng viết chữ bằng tay trái

Rồi anh khiêm tốn "Việc tôi làm thật sự không đáng kể. Nằm một chỗ không biết làm gì, giúp bọn trẻ việc học bài tôi thấy mình vẫn phần nào có ích, tôi phải cảm ơn chúng mới đúng”.

Còn những người hàng xóm nhìn nhận "thầy Thắng đã góp phần dạy dỗ và rèn luyện nhiều em đạt thành tích cao trong học tập..."

Trong đó có em Nguyễn Thị Hảo hiện là học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu, em Nguyễn Hữu Công 11 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.. Và nhiều em học sinh trong làng từ chỗ học lực trung bình hoặc yếu, nhờ sự giúp đỡ và kèm cặp của “thầy” Thắng đã vươn lên đạt thành tích khá.

Gương sáng

Vì tay phải liệt hoàn toàn không thể cầm bút nên anh quyết tâm tập viết bằng tay trái. Rồi nhờ mẹ (bà Vượng) đặt chiếc can nhựa hỏng lên giường, dùng hai thanh tre kẹp cuốn vở vào thành can, tay trái cầm bút, anh Thắng bắt đầu tập viết. Khỏi phải kể những khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí hết sức đau đớn khi viết được một con chữ lên tập vở. Bởi lẽ, những động tác như nghiêng người, cổ và đầu sang phải (cho dù chỉ một tí chút) với anh cũng là một cực hình. Xương khớp và các lớp cơ đã nằm bất động hơn 30 năm, giờ chỉ cần một cử động nhẹ có thể khiến chủ nhân lên cơn co giật và đau buốt đến tận xương óc.

Vậy mà, hàng ngày anh vẫn nén đau và vật lộn với chiếc can, tập vở và cái bút, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Một lần nữa, nghị lực đã giúp anh chiến thắng, sau khoảng hai tháng trời quyết chí, anh đã viết được những con chữ ngay ngắn bằng bàn tay trái.

Đầu chiếc giường nhỏ của anh Thắng xếp đầy sách. Ngoài sách Toán học để giúp các em nhỏ học bài, chúng tôi thấy còn có rất nhiều cuốn sách viết về văn hóa phương Đông. Đó là những tài liệu về âm dương, ngũ hành, bát quái, tứ trụ, thiên can- địa chi, phong thủy, kinh dịch...

Anh cho biết: “Cách đây vài năm, một người bạn cũ từ Hải Phòng về thăm mua tặng tôi bộ sách này. Tôi đọc và nhận thấy khá nhiều điều thú vị, chúng giúp tôi sống khuây khỏa hơn, đặc biệt không còn cảm thấy quá nặng nề khi nghĩ đến hoàn cảnh bi đát và số phận bất hạnh của chính mình”. Lúc này, chúng tôi lại ngỡ anh là một nhà hiền triết phương Đông với vầng trán cao và đầu óc thông tuệ, mái tóc dài, đôi mắt tinh anh cùng một giọng nói vang ngân, trầm ấm.

Lúc chúng tôi nói lời chào tạm biệt, anh Thắng tiễn khách bằng ánh nhìn thiết tha. Làng mạc xa dần, dãy núi Đại Huệ cũng khuất dần khi xuôi về thành phố. Nhưng hình ảnh về ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nơi tá túc của người mẹ già 80 tuổi cùng người con trai tật nguyền tuổi 51 vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí chúng tôi. Phải chăng đó là một “điểm sáng” trong muôn vàn “điểm sáng” giữa cuộc đời này?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Kiên (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN