Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió

Họ thơm thảo như cỏ cây đại ngàn, thanh sạch như suối khe chốn cao sơn. Những việc làm của họ là tận cùng của dâng hiến, hi sinh trên miền biên viễn Cao Bằng còn nhiều gian khó.

Con đường đất trong cơn mưa phùn gió bấc đầu mùa bỗng trơn như đổ mỡ. Từ quốc lộ lên đến điểm trường Nà Đuốn (tiếng Nùng gọi là xóm Ruộng ở Hồng Trị, Bảo Lạc, Cao Bằng) cứ vòi vọi núi, hun hút mây.

Chỉ vì 2 chữ "yêu trẻ"

Chân dầm dề trong bùn, tay lọc cọc chống gậy, tôi vượt qua 6km đường núi. Khi đến được điểm trường có thầy nuôi dạy trẻ đầu tiên của tỉnh Cao Bằng tôi đã ở trong tình trạng gần như là kiệt sức. 6km đèo dốc ấy đối với người bình thường còn khó huống chi với Nông Văn Chuyên - thầy giáo người Tày có một chân bị teo nhỏ.

Trước đây chưa có đường xe máy bò lên Nà Đuốn, mấy năm ròng thầy Chuyên (quê thầy Chuyên ở thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc - PV) phải tập tễnh cuốc bộ lên lớp. Giờ tiếng là có đường rồi nhưng vẫn chỉ là đất sỏi, hễ trời đổ mưa, xe máy không thể lội vào được, phải gửi ở phân trường dưới sát đường quốc lộ rồi cuốc bộ ngược lên đỉnh núi, qua ba con suối, hàng chục cái dốc, cái khe.

Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió - 1

Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió - 2

Lớp học trên đỉnh núi

Đường trơn, chân lại yếu nên thỉnh thoảng thầy bị ngã ngập trong bùn. Ngã thì xuống suối gột qua rồi lại bước tiếp cho kịp giờ lên lớp. Trên núi cao, lắm khi mưa phùn gió bấc bất chợt, không kịp về nhà lấy áo ấm, rét đến nỗi phải mặc cả quần mưa lên lớp mà môi thầy vẫn cầm cập run. Thế nhưng mỗi khi nhìn thấy những ánh mắt đen láy như hột nhãn, những đôi môi chúm chím như nụ hồng, những cái má no tròn đỏ lựng tựa bồ quân của đám trẻ ở Nà Đuốn, lòng thầy như ấm lại.

Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, năm lên 4 tuổi, thầy Chuyên bị một cơn sốt ác tính quật ngã khiến teo cả chân trái. Nhà ở thị trấn, học hành cũng thuộc diện giỏi giang, khi hết cấp ba, thầy Chuyên dự thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng khoa Giáo dục mầm non trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. Thầy là nam sinh viên đầu tiên của khoa Giáo dục mầm non trong lịch sử trường này. Là con trai nhưng thầy Chuyên cũng đóng kịch thành thạo, cũng xúng xính quần áo múa dẻo, hát hay như ai. Giải thích về điều này, thầy chỉ cười nhỏ nhẻ bảo nguyên do: “Yêu trẻ”.

Học xong bắt đầu đi dạy năm 2007, thầy Chuyên được phân về điểm trường vùng cao Nà Đuốn khi ở đây còn là nền đất, ván che nửa lớp còn lại quây bằng vách nứa. Đã thế mái bờ lô thấp tè, hè nắng nung, đông phải đốt củi sưởi. Phòng nghỉ giáo viên không có, hàng ngày thầy mang cặp lồng cơm đi theo.

Không điện đã đành lại còn thêm không nước vì trường ở ngay trên đỉnh núi không vòi nào chảy ngược lên, bể nước chưa xây toàn phải tay người xách từng can, từng lít. Lớp học có chậu, có xô nhưng không có nước rửa mặt, rửa chân đã đành còn không có nước uống cho các cháu, khát chúng phải tự chạy đi xin ở những nhà dân dưới con dốc.

Nà Đuốn ở trên cao, quanh năm chỉ có gió ù ù thổi. Gió thốc tháo nền đất bụi bay lầm trường. Gió hắt mưa vào lớp, nền đất bỗng thành vũng lầy, chỗ khô cho con, chỗ ướt thầy đứng. Những buổi mưa gió, ra vào cái bậu cửa cao thầy vẫn phải cẩn thận bế trẻ qua cho khỏi ngã. Cày cục mãi thầy Chuyên mới xin chủ tịch xã được hai bao xi măng rồi huy động dân lấy sỏi đá góp vào tự láng nền cho khỏi bẩn. Thoát khỏi cảnh nền đất nhưng lớp học vẫn mái bờ lô, vẫn nửa tường quây ván nửa quây phên như thủa nào thầy mới lên Nà Đuốn.

Lên dạy điểm trường nghĩa là thành con em của vùng đó. Từ ngôn ngữ, phong tục đến ma chay, nhà mới, cưới xin, họp xóm, tất tật cũng mời thầy. Có bó rau tươi, củ măng mới lấy phụ huynh không quản đường xa đến cho. Biết thầy thích nuôi chim, có những em mang cả ổ chào mào, chích chòe non đến tặng.

Học trò lả đi vì đói

Trái với hình dung của tôi về lớp mẫu giáo, ở Nà Đuốn chẳng có bữa ăn cũng không có chỗ ngủ. Một tuần học 8 buổi trong đó có những ngày 2 buổi, học sinh phải mang theo hai cái nắm bằng lá chuối, cái để cơm, cái để rau, đậu. Số có thìa mang theo thì ăn thìa, số nào không có hoặc đánh rơi dọc đường phải ăn bốc.

Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió - 3

Thầy Chuyên đang dạy múa hát

Những khi học cả ngày không có chỗ ngủ trưa vì chẳng chăn cũng chẳng chiếu, thầy ngồi, trò ngồi. Sang buổi chiều nhiều trẻ ngủ gật, thầy cũng gật gù theo. Lớp học có 25 em nhưng thấp bé tựa cái bếp, trong đó kê hai cái bàn, ít ghế nhựa, ghế sắt. Toàn bộ đồ chơi chỉ lèo tèo gói gọn trong ba cái túi bóng gồm các hình hoa quả, hình thú, đồ chơi khi bóp phát ra tiếng kêu chúp chíp. Rẻ tiền và nghèo nàn nhưng chúng vẫn thực sự là thiên đường đến với những đứa trẻ người Nùng ở vùng cao này.

Hôm tôi đến, gió lạnh đầu mùa. Các em lạnh nhưng chỉ có mỗi một đứa đội mũ len còn không vẫn phong phanh áo cộc, làn da tái xám đi vì rét. Quần áo hầu hết đều lấm bùn, số đi ủng, số dép lê lại có cả những đứa chân đất như Hoàng Văn Thủy.

Thầy Chuyên kể, có ngày học một buổi nên học sinh không mang cơm. Ngồi trong lớp thấy Mã Văn Lâm cứ lả người đi tưởng ốm, thầy hoảng quá hỏi: “Con sao thế?”. Nó chỉ bảo mỗi câu: “Giạc muỗi” (Đói cơm) rồi chực gục. Thầy vội giục người đi xin cơm cứu đói cho trò…

Thầy Chuyên bắt nhịp hát: “Chim bay, cò bay (làm động tác vẫy vẫy tay như bay) vịt có bay không nào?”. Các em xua tay: “Không bay, không bay, vịt chỉ lội dưới ao”. Thầy lại tiếp: “Chuồn chuồn bay, bướm bay, trâu có bay không nào?”. Các em xua tay: “Không bay, không bay”.

Thầy chuyển sang bài: “Cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo. Cô thương cháu vì cháu không khóc nhè. Không khóc nhè để mẹ trồng cây trái. Ba vào nhà máy ông bà vui cấy cày. Là lá la la...”. Tiếng cười, tiếng hát chộn rộn. Những tiếng hát còn ngọng nghịu, méo xệch nhưng những tiếng cười lại rất tròn, giòn tan.

Ngoài kia gió vẫn đang ù ù thổi. Thoảng trong gió tiếng con chim cu rúc, tiếng con gà rừng gáy le te… Thầy Chuyên bảo tôi: “Trẻ con miền núi rất thèm đồ ngọt, chẳng mấy khi biết mặt cái bánh, viên kẹo nó tròn méo ra sao. Mấy dịp trung thu, họa hoằn có năm được 2 cái bánh nướng, chia cho hơn 20 em, đứa nào ăn xong cũng nhìn đứa khác chực xin".

Người thầy yếu chân trên đỉnh núi gió - 4

Có những đứa trẻ chân đất nhưng nhìn rất đáng yêu

Thương quá, thầy thỉnh thoảng vẫn bỏ tiền túi ra mua kẹo cho chúng. Được cái các cháu tình cảm và thật thà. Nhà có con chó, con mèo đẻ cũng kể. Nhà bố mẹ đi Trung Quốc làm thuê cũng tỉ tê với thầy... Khai giảng, tổng kết, phụ huynh các xóm mang gạo, rượu, gà ra liên hoan. Là con trai nhưng thầy Chuyên cũng xắn tay luộc gà, om vịt, xào xào nấu nấu cùng các cô, vui lắm.

Mấy năm trước, thầy Chuyên được chuyển về trường mầm non sát nhà, cơ sở vật chất khá bằng năm bằng mười trường cũ. Tiện thì tiện thật đấy nhưng nhớ quá chừng những đứa học trò nhỏ cheo leo trên đỉnh núi, nhớ quá chừng tấm lòng người Nùng nghèo khó vẫn ăn ở như bát nước đầy thầy lại xin lên Nà Đuốn.

Hỏi có ước mơ gì cho bản thân, thầy Chuyên cười chẳng nói dù tôi biết người thầy mới 28 tuổi này có vợ dạy mẫu giáo và một đứa con 2 tuổi đang bập bẹ nói cười. Hỏi có ân hận khi làm giáo viên ở vùng cao, thầy Chuyên bảo nhiều điểm trường đường xá còn khó hơn, nước còn phải đi mua chứ khổ thế này chưa thấm. Chỉ có điều ước chung cho các con, là thầy Chuyên vồn vã nhắn gửi: “Em ước mơ có được lớp học bằng nhà xây, có phòng chờ cho giáo viên, có đủ đồ chơi cho con trẻ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Đình Tường (Nông Nghiệp Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN