Thanh tra Chính phủ nêu những thiếu sót tại Bộ Y tế

Sự kiện: Thời sự

Qua thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ cho rằng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu là chưa đầy đủ, chưa quy định cụ thể thế nào là “trường hợp cấp bách” nên khi xảy ra đại dịch chưa có sự nhất quán trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm trong triển khai một số gói thầu thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam”

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bị Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm trong triển khai một số gói thầu thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam”

Sai phạm tại một số gói thầu do Ngân hàng Thế giới viện trợ

Theo kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Chính phủ (TTCP), các gói thầu thiết bị TB03, TB04 thuộc dự án hỗ trợ kỹ thuật “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới viện trợ tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có sai sót, vi phạm về trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ dự thầu, giá trị dự toán, nghiệm thu lắp đặt sai quy định (trong đó, gói thầu TB03 là 189 triệu đồng; gói thầu TB04 là 122 triệu đồng).

Ngoài ra, việc mua sắm sinh phẩm, kít xét nghiệm tại BV Đại học Y Dược TPHCM, BV Trung ương Cần Thơ để xảy ra lãng phí nguồn vốn mua sắm số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, do nhiều thiết bị y tế được mua qua các đơn vị trung gian dẫn đến khó quản lý về giá.

Kết luận TTCP còn chỉ ra hầu hết danh mục hàng hóa nhập khẩu trong các hợp đồng vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại BV Chợ Rẫy, BV ĐH Y Dược TPHCM, BV Trung ương Cần Thơ, Viện Pasteur TPHCM, khi nhận hàng hóa đều không có đầy đủ các tài liệu chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu.

Mặt khác, việc đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu của một số đơn vị thuộc Bộ Y tế còn nhiều trường hợp bị chậm, không đảm bảo theo khoản 1 Điều 8 Thông tư số 10/2015/TT- BKHĐT, khoản 1 Điều 17 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ làm ảnh hưởng đến việc công khai giá mua thiết bị y tế, việc tham khảo giá để mua sắm.

Trách nhiệm thuộc Bộ Y tế

TTCP kiến nghị Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế khi nhận hàng hóa nhập khẩu là vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm,... từ nhà thầu phải có đầy đủ tài liệu hợp pháp để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa nhập khẩu; chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, vi phạm phát hiện qua thanh tra về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh.

Cũng theo kết luận này của TTCP, có 7/13 viện, bệnh viện thuộc Bộ Y tế sử dụng hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO) trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng hàng nhập khẩu theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi TTCP gửi dự thảo kết luận thanh tra báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản khẳng định trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, sinh phẩm RUO, LUO được sử dụng chẩn đoán vi rút Sars-CoV-2 theo khuyến cáo, tiêu chí của WHO và US.CDC (sử dụng trong lĩnh vực y tế), đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

“Bộ Y tế chịu trách nhiệm trong khẳng định về chuyên môn, tuy nhiên, Bộ đã không kịp thời điều chỉnh quy định, hướng dẫn cụ thể việc quản lý cấp phép nhập khẩu hàng RUO, LUO, nên việc thực hiện của đơn vị sử dụng và doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO không đúng với các văn bản Bộ đã ban hành trước đó gửi Tổng cục Hải quan và hướng dẫn doanh nghiệp về quản lý, sử dụng hàng RUO, LUO nhập khẩu. Do đó, trách nhiệm thuộc Bộ Y tế”, kết luận thanh tra nêu.

TTCP kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế báo cáo, tổng hợp số liệu (về số lượng, giá trị) hàng RUO, LUO đã mua sắm sử dụng, cung cấp số liệu đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO trực tiếp hoặc bán cho doanh nghiệp khác cung cấp cho các cơ sở y tế sử dụng trong lĩnh vực y tế không đúng mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu.

Có phần nguyên nhân chủ quan và khách quan

Tại nội dung bản kết luận thanh tra lần này, TTCP cho rằng, để xảy ra những vi phạm, thiếu sót về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế nói trên có một phần nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với bối cảnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chưa từng có tiền lệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, dẫn đến những thiếu sót về trình tự, thủ tục trong quá trình thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế.

Đáng nói là quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch trong trường hợp cấp bách tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, chưa quy định cụ thể thế nào là “trường hợp cấp bách” nên khi xảy ra dịch chưa có sự nhất quán trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Việc phối hợp giữa các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế trong mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao.

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh tra Chính phủ chuyển 3 vụ việc liên quan đến Bộ Y tế sang Bộ Công an

Công tác tổ chức đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và các đơn vị thuộc Bộ có nhiều thiếu sót,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng An ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN