Tham nhũng: “Tập trung bắt hổ”

“Nên tập trung vào chiến dịch bắt hổ với những siêu vụ án làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ, chuột con”.

Đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu như vậy tại Quốc hội ngày 7/11 về công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng.

Lừa chuột ra khỏi mâm cỗ để bắt

Tại phiên thảo luận ngày 7/11, phải chờ đợi đến hơn 10 người mới đến lượt ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát biểu. Ông Thuyền bắt đầu nói: “Tôi là người phát biểu sau cho nên tất cả những lời hay, ý đẹp các đồng chí đã nói hết. Và tất cả những lời lẽ nói xấu về tham nhũng, các đồng chí cũng đã nói hết, không còn gì để nói xấu hơn nữa”.

Nhắc lại vụ “án oan suốt 10 năm” đang được xã hội quan tâm, ĐB Thuyền cho rằng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã dũng cảm kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để minh oan cho họ. “Tôi tin rằng với việc làm trên thì nhân dân càng thêm tin yêu và quý các đồng chí nhiều hơn. Bởi vì chúng ta làm sai, dám dũng cảm nhận sai...”, ông nói.

Tham nhũng: “Tập trung bắt hổ” - 1

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

Về tham nhũng, ĐB Thuyền cho rằng nên khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao. ĐB dẫn chứng: Có một đồng chí làm Phó Chủ tịch, có 3 máy điện thoại reng đều. Từ khi cơ cấu vào Thường vụ, điều sang làm trưởng Ban tuyên giáo đến nay không ai gọi cả, tưởng máy hư đem đi sửa.

ĐB giải thích: “Nói như không phân biệt công việc của Ủy ban, công việc của cấp ủy tuyên giáo, nhưng muốn nói rằng 3 máy điện thoại reng đều, nhưng khi sang kia không ai gọi, chứng tỏ không có việc gì nhờ”.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng, chống tham nhũng không nên bức xúc quá, phải hết sức bình tĩnh.

“Tham nhũng như con chuột vào mâm cỗ, phải lừa ra để bắt. Nếu chúng ta bực quá, lấy búa đập nát con chuột tan tành ở mâm cỗ thì lại hỏng. Cho nên mình phải hết sức khôn ngoan, làm sao bắt được chuột mà giữ được mâm cỗ”, ĐB Thuyền nói.

Tâm lý makeno (mặc kệ nó)

Tạo buổi thảo luận, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

“Chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu, xong giặc nội xâm tham nhũng chưa bị sát thương là bao nhiêu”, ông ví von một cách hình ảnh.

ĐB Tiến cho biết, tại phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào chiến dịch bắt "hổ". Đó là những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ, chuột con.

Theo ĐB Tiến, dư luận xã hội cho rằng phòng, chống tham nhũng mới dừng lại ở "bắt sâu nhỏ ở lá cành, chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ". Đó mới là nguyên nhân chính làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội.

Tham nhũng: “Tập trung bắt hổ” - 2

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại Quốc hội ngày 7/11

ĐB Tiến nêu nghịch lý, các cơ quan phòng, chống tham nhũng tầng tầng, lớp lớp từ Trung ương đến địa phương, song phần lớn các vụ án tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.

Nhưng gần đây, người dân đã thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng. Lý do, khi người dân phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý cũng không phản hồi, im lặng đáng sợ.

Lý do tiếp theo, ĐB Tiến cho rằng, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng. Bởi kẻ tham nhũng vốn sẵn tiền và quyền lực, không từ một thủ đoạn đê hèn nào như dùng xã hội đen để dằn mặt, chủ động gây ra những vụ tai nạn giao thông để trả thù, ngụy tạo chứng cứ, tố cáo ngược người chống tham nhũng. Nén bỏ ma túy vào nhà, vào xe, bẫy tình rồi vu oan giá họa, bắt cóc người thân để gây áp lực...

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu thực tế, nhiều người đứng ra tố cáo tham nhũng trở thành người đơn thương độc mã, tạo ra tâm lý người ngay sợ kẻ gian; tâm lý thờ ơ vô trách nhiệm hoặc makeno (mặc kệ nó).

ĐB nói: “Có người khuyên đại biểu Quốc hội im lặng là vàng nhưng đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri mà không nói lên tiếng nói của cử tri thì suốt đời mắc nợ”.

ĐB Lê Như Tiến kiến nghị bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan này với cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm" có quyền điều tra độc lập. Theo ĐB Tiến, điều này để  sớm có câu trả lời về câu hỏi lớn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 9 vừa qua: Liệu có tham nhũng tiêu cực, bao che trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật và các lực lượng phòng, chống tham nhũng không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN