Thái Lan truy lùng 19 thủ lĩnh đối lập

Tòa án Hình sự Thái Lan phát lệnh bắt 19 thủ lĩnh đối lập vì có bằng chứng cho thấy họ đã vi phạm luật tình trạng khẩn cấp ở Bangkok.

Ngày 5/2, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch truy lùng các thủ lĩnh đối lập sau khi một tòa án nước này ra lệnh bắt giữ 19 lãnh đạo biểu tình cấp cao vì có “bằng chứng thích hợp” cho thấy họ đã vi phạm tình trạng khẩn cấp.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã chấp nhận kiến nghị của đảng Pheu Thai cầm quyền nhằm giải tán đảng Dân chủ đối lập và cấm các thành viên điều hành của đảng này hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Thái Lan truy lùng 19 thủ lĩnh đối lập - 1

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban

Đảng Dân chủ là lực lượng sát cánh bên phong trào biểu tình chống chính phủ và chiến dịch tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2 vừa qua trong một nỗ lực nhằm lật đổ Thủ tướng dân bầu Yingluck Shinawatra.

Tòa án Hình sự Thái Lan đã phê chuẩn yêu cầu của chính phủ và ra lệnh bắt đối với Suthep Thaugsuban và 18 lãnh đạo biểu tình khác vì “có bằng chứng vững chắc” cho thấy những người này đã vi phạm luật tình trạng khẩn cấp của Thái Lan.

Theo đó, việc bắt giữ bất cứ người nào trong số 19 lãnh đạo biểu tình trên phải được báo cáo lên tòa án này trong vòng 48 giờ.

Trước đó, trong một nỗ lực nhằm làm lắng dịu các cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài nhiều tháng trời, chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày ở thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận. Theo luật tình trạng khẩn cấp Thái Lan, các cuộc tụ tập chính trị từ 5 người trở lên sẽ bị cấm trong thời kỳ này.

Tuy nhiên người biểu tình vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành trên đường phố Bangkok và phong tỏa các giao lộ chính với quyết tâm lật đổ bằng được chính phủ của bà Yingluck, mở đường cho một Hội đồng Nhân dân không qua bầu cử lên nắm quyền.

Thái Lan truy lùng 19 thủ lĩnh đối lập - 2

Người biểu tình Thái Lan vẫn tuần hành ở Bangkok bất chấp tình trạng khẩn cấp

Ông Prompong Nopparit, người phát ngôn đảng Pheu Thai cho biết các thành viên chủ chốt của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) đã phối hợp với 25 ủy viên lãnh đạo của đảng Dân chủ tổ chức các hoạt động biểu tình trong thời kỳ tình trạng khẩn cấp được áp dụng.

Động thái quyết liệt này của chính phủ Thái Lan được thực hiện chỉ một ngày sau khi đảng Dân chủ đối lập đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp đòi vô hiệu hóa cuộc tổng tuyển cử vừa qua và giải tán đảng Pheu Thai cầm quyền, tuy nhiên Tòa án Hiến pháp vẫn chưa cho biết họ có thụ lý khiếu nại này hay không.

Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố sẽ phát động bốn chiến dịch pháp lý nữa để chống lại chính phủ tạm quyền hiện nay với cáo buộc họ đã tổ chức cuộc bầu cử trái pháp luật.

Bất chấp những lời đe dọa trên, chính phủ của bà Yingluck vẫn tuyên bố “chiến thắng” trong cuộc bầu cử này. Ngày 5/2, Ủy ban Bầu cử cho biết tỉ lệ cử đi đi bầu cử là 46,79%, ngoại trừ 9 tỉnh miền nam nơi cuộc bầu cử bị hoãn lại.

Với quyết tâm đối đầu ngày càng quyết liệt giữa hai bên, chính trường Thái Lan nhiều khả năng sẽ tiếp tục chìm sâu vào tình trạng hỗn loạn vốn đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước trong nhiều năm trời và vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo BangkokPost) ([Tên nguồn])
Biểu tình bạo lực ở Thái Lan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN