Tết ấm áp của người đàn ông được làm bố sau 22 năm chờ đợi

Sự kiện: Thời sự

Hơn 20 mùa xuân anh Chiên (Hà Nội) mới được hưởng hạnh phúc, được đón Tết trọn vẹn bởi có hai thiên thần bé nhỏ chào đời.

Tết ấm áp của người đàn ông được làm bố sau 22 năm chờ đợi - 1

3 bố con anh Dương Văn Chiên đầm ấm ngày xuân

Hơn 20 năm mới được hưởng niềm vui làm cha

Anh Chiên (Hà Đông, Hà Nội) kết hôn năm 1990 với một phụ nữ ở làng bên. Tuy nhiên, đã 2 năm sau ngày cưới, vợ chồng anh vẫn chưa sinh con.

Quá sốt ruột, anh đến một bệnh viện chuyên khoa tại Hà Nội để xét nghiệm tinh dịch. Tuy nhiên, cả 7 lần, anh không thể lấy được tinh dịch. Bác sĩ cho biết không có ống dẫn tinh bẩm sinh và kết luận vô sinh. Anh Chiên kể: “Tôi cầm tờ kết luận bị vô sinh bẩm sinh mà mặt mũi tối sầm lại, người loạng choạng suýt ngã. Mấy người bệnh đứng gần đó phải dìu tôi ngồi xuống nghế chờ”.

Không cam chịu số phận, anh vái tứ phương để tìm thầy. Hễ cứ ai mách khám ở đâu, có bài thuốc nam nào hiệu quả vợ chồng anh đều lặn lội đi tìm và chữa. Anh đã đi lấy thuốc ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thái Bình, Hòa Bình, thậm chí vào tận Tây Ninh, Tiền Giang nhưng mỗi lần đến là một lần thất vọng.

Không chờ được, vợ anh đã ngoại tình và sinh 2 con với người khác. Làng xóm bàn ra tán vào, vợ chồng vì thế cũng cãi nhau liên miên. Anh đau khổ, nhiều lần đã có ý định tìm đến cái chết để chấm dứt tất cả. “Tôi đã đi xe ra cầu Long Biên định nhảy xuống sông Hồng tự tử. Nhưng rồi nghĩ đến cha mẹ, tôi lại thôi”, anh Chiên nhớ lại.

Nghĩ vậy, anh quyết định ly hôn. Đến năm 2007, được sự giới thiệu của người thân, anh gặp chị Vương Thị Thân, khi đó 28 tuổi. Theo anh Chiên, chị Thân cũng không được nhanh nhẹn, hoạt bát, nhưng hai người vẫn quyết định đến với nhau.

Tết ấm áp của người đàn ông được làm bố sau 22 năm chờ đợi - 2

Anh Chiên kể về những ngày tháng gian nan kiếm con

Sau khi cưới, vợ chồng anh lại tiếp tục hành trình chạy chữa. Năm 2010, anh ra Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết chức năng của anh vẫn đầy đủ, chỉ là không có hai ống dẫn tinh nên cho uống thuốc. Sau khi uống thuốc đến tháng thứ 9 với 3 lần chọc thăm, anh đủ điều kiện làm thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 2012, ca thụ tinh trong ống nghiệm của vợ chồng anh thành công. “Khi biết vợ đã mang thai, tôi rất vui vì mình có thể làm bố. Tuy nhiên, tôi vẫn rất lo lắng bởi nhiều người cũng có thai nhưng sau đó đã sảy. Chỉ đến khi vợ sinh, được bác sĩ trao hai con, tôi mới vỡ òa trong niềm vui sướng. Lúc đó, tôi đã hét lên: Tôi được làm bố rồi. Sau 22 năm chờ đợi, nay tôi đã được làm bố. Các bác sĩ cũng rất vui, tặng hoa và chúc mừng gia đình tôi”, anh kể.

Sau khi sinh con, bệnh tim của anh ngày càng nặng hơn nên chẳng làm được việc nặng, chỉ làm được việc nhà. Vì thế, chị Thân càng phải vất vả hơn để lo cho gia đình. “Trước Tết, tôi đã phải nằm viện hơn 3 tuần, trong đó có 2 tuần cấp cứu. Tôi không biết mình sẽ mất lúc nào. Tôi chỉ thương con, bởi hai cháu còn quá nhỏ. Trong khi đó, gia đình nội ngoại hai bên đều khó khăn. Nhà có mảnh đất chừng 200m2, cũng muốn bán bớt đi một nửa để lo cho gia đình. Nhưng khổ nỗi, mảnh đất ấy chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chẳng ai mua, tất cả đành trông vào cô ấy vậy”, anh Chiên thở dài.

Tết ấm áp bên hai thiên thần bé nhỏ

Tết Nguyên đán 2017 đã đến, không khí xuân đang rực rỡ ở khu nhà anh Dương Văn Chiên (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội). Trong nhà anh Chiên, chiếc xoong cỡ lớn, gần chục chiếc bánh chưng vừa được gia đình cho vào nồi để luộc. Còn anh Chiên đang chỉnh lại quần áo của hai con để khỏi lạnh. Thi thoảng, hai bé lại lại chạy quanh anh nô đùa. Anh nhìn con trìu mếm, ánh mắt chứa chan hạnh phúc.

Tết ấm áp của người đàn ông được làm bố sau 22 năm chờ đợi - 3

2 bé song sinh chào đời là món quá ấm áp nhất của gia đình anh Chiên

Nhấp chén nước đã được một lúc, chúng tôi không thấy vợ anh đâu nên định hỏi. Đoán biết ý của chúng tôi, anh bảo: “Tôi bị suy tim độ 4, phải đi viện suốt. Mọi chi phí sinh hoạt trong nhà đều trông vào cô ấy. Vì vậy, hôm nay vừa có người thuê là cô ấy đi làm ngay. Tôi cũng can ngăn, bảo nghỉ đi, Tết nhất đến nơi rồi nhưng cô ấy không chịu, bảo nghỉ thì lấy tiền đâu lo cho gia đình trong những ngày tới. Tôi thương lắm nhưng chả biết làm gì hơn”, anh Chiên thở dài.

Nói rồi anh nhìn các con và bảo, đây là cái Tết thứ 4 được vui vẻ. Bởi ngoài không khí của những ngày đầu năm mới, anh đã được cảm nhận không khí gia đình đúng nghĩa, chứ không còn là những cái Tết đầy áp lực như trước nữa.

Rồi anh hào hứng kể, những ngày giáp Tết, vợ chồng và 2 con cùng đi bộ sắm Tết. Anh bế một bé, vợ bế một bé. Anh muốn vậy để cho các con có thể cảm nhận không khí rộn ràng náo nức những ngày giáp Tết.

Vợ anh cũng chuẩn bị hai chiếc túi nhỏ, để hai con có thể xách đồ giúp mẹ. Đến các sạp hàng rau củ, vợ anh đều nhờ bé chọn và giới thiệu từng loại nên các con rất thích. Chỗ nào chưa hiểu, hoặc nhầm lẫn giữa các loại củ, quả, anh giải thích lại với con.

Buổi chiều, anh gói bánh chưng. Trước khi gói, hai bé háo hức lắm. Thấy bố vừa trải chiếu, bày lá là hai con sà xuống ngay. Bé lấy lạt, bé lấy lá đưa cho bố, còn vợ thì nắm nhân. Anh gói cho con hai chiếc bánh nhỏ, đánh dấu bánh của từng bé. Khi luộc, chốc chốc con lại hỏi, bánh chín chưa bố. Khi từng chiếc bánh được vớt ra khỏi nồi, các con thích lắm.  

Nhưng vui nhất là năm mới, các con được mặc quần áo mới và nhận lì xì đầu năm. Anh cũng dạy con một bài vè, lời chúc đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý như một năm đầy may mắn, làm ăn phát tài, ông bà được khỏe mạnh hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN