Tàu thám hiểm Mỹ đáp thành công xuống Sao Hỏa

Tàu thăm dò Curiosity đã đáp xuống Sao Hỏa thành công để bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên Hành Tinh Đỏ trong 2 năm tới đây.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm nay vừa cho biết, tàu thăm dò tự hành Curiosity đã đáp xuống bề mặt Sao Hỏa an toàn lúc sau 05:30 GMT để bắt đầu một sứ mệnh kéo dài 2 năm tìm kiếm sự sống trên Hành Tinh Đỏ.

Các chuyên gia điều khiển ở Phòng thí nghiệm Jet Propulsion gần Los Angeles vô cùng vui sướng khi nhận được tín hiệu chuyển về từ một tàu thăm dò khác trên quỹ đạo Sao Hỏa. Tín hiệu khẳng định, Curiosity đã vượt qua cú tiếp đất “hoặc thành công hoặc thất bại” và giữ ổn định ở vị trí hạ cánh.

Ngay sau đó, Curiosity đã gửi về 3 bức ảnh đầu tiên từ bề mặt Sao Hỏa, một trong số đó cho thấy rõ bánh xe của con tàu thám hiểm này.

Tàu thám hiểm Mỹ đáp thành công xuống Sao Hỏa - 1

Chiếc bánh xe của tàu thăm dò Curiosity, một trong những hình ảnh đầu tiên được gửi về từ Sao Hỏa

NASA miêu tả đây là chiến công có thể xem là tinh sảo nhất từng đạt được trong một chuyến bay vào vũ trụ bằng tàu tự hành.  

“Tôi không thể tin được. Điều này nằm ngoài sức tưởng tượng”, Allen Chen, đội phó phụ trách nhóm hạ cánh và tiếp đất của Curiosity phải thốt lên.

Với kích cỡ một chiếc xe hơi, trọng lượng 1 tấn, 6 bánh xe, chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu thăm dò Curiosity dường như đã đáp xuống đúng địa điểm như kế hoạch ở gần chân một ngọn núi trên Miệng núi lửa Gale thuộc Bán cầu Nam của Sao Hỏa. 

Tàu thám hiểm Mỹ đáp thành công xuống Sao Hỏa - 2

Sự vui mừng của các nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa khi Curiosity đáp xuống Hành Tinh Đỏ thành công

Dự án Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD, với tên gọi chính thức là Phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa, là sứ mệnh sinh học vũ trụ đầu tiên của NASA kể từ sau các tàu thăm dò Viking hồi những năm 1970.

Lần hạ cánh này đánh dấu một thành công lớn và là cột mốc có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan vũ trụ Mỹ vốn đang gặp khó khăn vì bị cắt giảm ngân sách, thậm chí gần đây còn phải đóng cửa chương trình tàu con thoi 30 năm tuổi. 

“Đây là một bước tiến cực kỳ to lớn trong lĩnh vực khám phá hành tinh. Chưa ai làm được việc này trước đây”. John Holdren, cố vấn khoa học cao cấp của Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ. “Đó là một màn trình diễn ngoạn mục”.

Tình trạng thực tế của tàu thăm dò Curiosity khi hạ cánh chưa thể được khẳng định chắc chắn.

Trước khi chính thức bắt đầu sứ mệnh 2 năm khám phá bề mặt Sao Hỏa, NASA có kế hoạch dành ra vài tuần để kiểm tra toàn diện kỹ thuật tàu Curiosity cùng các thiết bị tinh xảo của nó, vốn được mệnh danh như phòng thí nghiệm khoa học dị động đầy đủ. 

Với lần hạ cánh thành công này, Curiosity - Phòng thí nghiệm khoa học Sao Hỏa đã khép lại hành trình kéo dài hơn 8 tháng, vượt qua 567 triệu km từ bệ phóng Mũi Canaveral, Florida để bắt đầu một nhiệm vụ mới: tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên Hành Tinh Đỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN