Tai nạn xe khách: Lái xe đang bị rẻ rúng

“Sự quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp và cơ quan có trách nhiệm khiến tài xế xe khách, xe tải đang bị người ta rẻ rúng, coi thường. Đó là một sự thật đáng buồn.” – Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết.

Những vụ tai nạn xe khách, xe tải gần đây khiến dư luận không khỏi hãi hùng. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, một số chuyên gia đặt vấn đề về chất lượng yếu kém trong chuyên môn cũng như đạo đức, tác phong của đội ngũ lái xe ở Việt Nam hiện nay, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nguyên nhân sâu xa về sự xuống cấp đạo đức của đội ngũ lái xe chính là do cơ chế quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp.

Thuê lái xe như mua hàng chợ trời

Ông Nguyễn Văn Thanh thừa nhận, việc đào tạo, tu dưỡng đạo đức cho người lái xe ở các cơ sở đào tạo lái xe lâu nay đang bị coi nhẹ, hoặc nếu có, mới chỉ là thứ đạo đức chung chung cũng như ở những môi trường dạy học khác. Trong khi những cách hành xử văn hóa, đạo đức cụ thể trên đường, giữa các lái xe với nhau thì chẳng ai dạy.

Mặt khác, ông Thanh còn cho rằng việc đào tạo kỹ năng cho lái xe đang bị hạn chế. Các trường lái chỉ biết dạy học viên lái đúng quy định. Trong khi đó, kỹ năng xử lý tình huống, cách khắc phục sự cố máy móc thì đang bị bỏ qua. Học viên ra trường cầm lái không biết cách sửa chữa, nắm bắt tình trạng của xe như thế nào, nguyên lý hoạt động ra sao. Cho nên khi xảy ra sự cố trên đường, lái xe không thể xử lý được.

Tai nạn xe khách: Lái xe đang bị rẻ rúng - 1

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam

Theo ông Thanh, hiện nay, lái xe khách, xe tải cũng như lái ô tô cho các doanh nghiệp nói chung gần như không có một sự quản lý nào. Đội ngũ lái xe không được doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý quan tâm đúng mực.

Tại các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam hiện nay, gần như không có một tổ chức đoàn thể, công đoàn nào dành cho đội ngũ lái xe. Đáng lẽ những tổ chức này phải được thành lập để giáo giục, gắn kết, quan tâm đến đời sống, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người lái xe. Vậy nhưng, các cơ quan, doanh nghiệp đang quên mất điều này.

Lái xe tải, xe khách là một ngành nghề đòi hỏi một trình độ khoa học, kỹ thuật nhất định, đòi hỏi những phẩm chất nhất định. Nhưng ông Thanh mô tả, hiện nay, thuê lái xe như ra chợ lao động tự do thuê người về bốc vác, dọn nhà. Thậm chí như mua hàng ngoài chợ trời.

Ông Thanh dẫn chứng, doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó có một chuyến hàng cần thuê lái xe vận chuyển, chỉ cần ra gọi trao đổi giá cả, cho biết điểm cần đến, “mai chạy cho tôi nhé” là xong. Người thuê cũng chẳng cần tìm hiểu lái xe này là người như thế nào, phẩm chất ra sao, miễn có xe, có bằng lái.

“Một lái xe làm việc hợp đồng, bị doanh nghiệp sa thải vì đạo đức kém, lập tức sau đó lại nhảy sang xin làm ở doanh nghiệp khác. Lái xe hiện nay đang bị người ta rẻ rúng, coi thường. Đó là một sự thật đáng buồn.” – Ông Nguyễn Văn Thanh đánh giá.

Phải bỏ cơ chế “cổ phần xe”

Ông Thanh nêu rõ cơ chế quản lý hiện nay tại các doanh nghiệp. Một người mua xe kinh doanh, chỉ cần làm thủ tục xin cổ phần vào doanh nghiệp vận tải, hàng tháng hàng năm đóng một khoản tiền để được hợp pháp hóa chạy tuyến nó tuyến kia. Doanh nghiệp thu được tiền rồi là xong, mặc kệ. Chủ xe tự kinh doanh. Lời ăn, lỗ chịu. Bởi vậy, lái xe muốn chạy thế nào cũng được, không ai quản lý, không ai nhắc nhở.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, đã cảnh báo điều này từ nhiều năm nay về việc doanh nghiệp vận tải kinh doanh theo phương thức này. Vậy nhưng, muốn ngăn chặn việc này lại vướng luật. Luật kinh doanh hiện nay không có cơ chế để siết chặt cơ chế quản lý này.

Ông Thanh cho rằng, những doanh nghiệp vận tải bỏ tiền đầu tư mua xe rồi thuê người lái, chắc chắn rất khác. Bởi xe là của chính doanh nghiệp. Họ trả lương cho lái xe theo công hằng tháng, yêu cầu lái xe thực hiện đúng tuyến, đúng tốc độ. Nếu lái xe chạy ẩu, đón trả khách dọc đường, làm sai luật, chính doanh nghiệp là người bị ảnh hưởng uy tín, thiệt hại kinh tế. Họ buộc phải quản lý lái xe chặt chẽ hơn.

Tai nạn xe khách: Lái xe đang bị rẻ rúng - 2

Hiện trường vụ xe khách lao vào vách núi khiến 7 người tử vong ở Khánh Hòa ngày 7/6

Theo ông Thanh, việc khoán trắng cho lái xe tự tung tự tác, mặc dù người lái vẫn biết xe là của chính họ, nhưng vì không ai nhắc nhở quản lý nên họ dễ mất kiểm soát, vì lợi ích trước mắt mà quên đi an toàn trên đường.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam nhấn mạnh, điều cần nhất của cơ quan quản lý hiện nay là phải tách bạch quyền lợi của doanh nghiệp với người lái xe. Người lái xe chỉ cần biết mỗi việc làm thế nào lái xe cho an toàn, đúng quy định của doanh nghiệp và hưởng lương. Việc lời lãi, hoạch định chiến lược kinh tế là của doanh nghiệp. Lái xe không phải chịu trách nhiệm về doanh thu của những chuyến khách, chuyến hàng. Khi đó, họ mới đảm bảo lái xe an toàn được.

Lái xe được đóng cổ phần vào doanh nghiệp vận tải, nhưng đóng cổ phần bằng tiền chứ không bằng xe. Lái xe sẽ được hưởng lương làm công lái xe hằng tháng và hưởng lợi tức cổ phần.

Cuối cùng, ông Thanh cho rằng, đạo đức, phẩm chất người lái xe xuống cấp, bị xã hội coi là “giặc lái”, nhưng suy cho cùng họ đang là nạn nhân của xã hội. Nguyên nhân sâu xa chính là cơ chế quản lý lỏng lẻo của doanh nghiệp của cơ quan quản lý. Bản thân người lái xe tự cảm thấy lạc lõng, bất cần. Người lái xe tự vận động kiếm sống. Không có ai nhắc nhở, tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ lái xe. Họ không có một sự gắn kết với đoàn thể nào, không ai quan tâm. Bởi vậy, không những lái xe phóng nhanh vượt ẩu dễ gây tai nạn trên đường mà họ còn dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, những hệ lụy khôn lường.

Đương nhiên, không thể bỏ qua vai trò của lực lượng thực thi pháp luật trên đường. “Nhưng nếu Nhà nước có cơ chế để doanh nghiệp quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe hơn, chắc chắn chuyện phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm pháp luật trên đường sẽ tự khắc giảm đi.” – Ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Những vụ tai nạn giao thông vừa qua khó có thể nói là do chất lượng lái xe kém chuyên môn và công tác đào tạo của các trường lái. Các tài xế cầm lái trong những vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua hầu hết đều đã cứng tuổi, nhiều năm kinh nghiệm. Có thể họ cậy vào kinh nghiệm nên chủ quan. Ngoài ra, nhiều lái xe ý thức chấp hành pháp luật kém, phóng nhanh vượt ẩu, dẫn đến tai nạn.

Cơ quan chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra giám sát các trung tâm đào tạo lái xe và không ít lần xử lý, thậm chí rút giấy phép với những cơ sở vi phạm, kém chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam chưa hề có trách nhiệm với lái xe. Họ không tạo sự gắn bó của lái xe với doanh nghiệp mình, cũng không quan tâm bồi dưỡng ý thức cho họ.

Có lần đi nước ngoài tôi thấy, trên xe khách, doanh nghiêp vận tải bắt tài xế phải treo ảnh gia đình, người thân của tài xế trên xe. Điều này để nhắc nhở lái xe luôn phải cẩn trọng, vững tay lái bởi vợ con vẫn luôn chờ họ ở nhà".

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước ngầm (Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN