Tai nạn xe khách: Vì máu "yêng hùng"

Khi ra đường cầm vô lăng, nhiều lái xe muốn làm “anh hùng”. Có nhiều tài xế còn đua tốc độ với nhau để... về nhất, mặc dù chở trên xe mấy chục con người nhưng sẵn sàng phóng nhanh, vượt ẩu để chứng tỏ đẳng cấp.

Những vụ tai nạn xe khách, xe tải xảy ra lâu nay, đặc biệt các vụ lật xe, đâm nhau cực kỳ nghiêm trọng tuần vừa qua khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã lên tiếng mổ xẻ nguyên nhân, trách nhiệm của tài xế, những cơ quan liên quan và cả trách nhiệm toàn dân.

Theo kết quả điều tra tai nạn giữa Trung tâm Đăng kiểm Bà Rịa – Vũng Tàu và Phòng CSGT công an tỉnh thì vụ xe tải va vào hai xe máy khiến 6 người tử vong ngày 9/6 là do xe này và 1 xe tải khác chạy cùng chiều đã đua tốc độ, khi thấy xe máy ngược chiều thì tài xế đánh tay lái, phanh gấp làm xe xoay ngang và lao vào 2 xe máy chạy ngược chiều.

Một số chuyên gia cho rằng, có một yếu tố quan trọng dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua chính là người lái xe. Chất lượng của đội ngũ lái xe khách, xe tải từ đào tạo đến thực tiễn và quản lý lái xe tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng, đội ngũ lái xe tải, xe khách ở Việt Nam hiện nay không được đào tạo bài bản, về cả chuyên môn lẫn tu dưỡng đạo đức. Đó là nguyên nhân khiến ý thức chấp hành luật pháp của lái xe rất kém.

Ông Liên phân tích: Muốn lái xe khách phải có thời gian đào tạo, thực tế rồi nâng cấp từ bằng thấp lên cao. Lái xe khách, xe tải hiện nay phần lớn được đào tạo từ nhiều năm trước, mà chúng ta đều không lạ gì câu chuyện đào tạo lái xe từ một vài năm trước.

Không riêng gì lái xe, tất cả các lĩnh vực đào tạo ở Việt Nam đều phát triển ồ ạt. Nhiều người thi lấy bằng lái ô tô nhưng thực chất không được cơ sở đào tạo dạy buổi nào cả hoặc rất ít.

Tai nạn xe khách: Vì máu "yêng hùng" - 1

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Ông Liên nêu dẫn chứng, ông đi làm hồ sơ học lái xe cho một đứa cháu. Theo quy định, phải học 6 tháng mới được thi lấy bằng. Cháu ông chưa tham gia lớp học ngày nào nhưng nơi đào tạo vẫn có cách ghi lùi ngày tháng lại theo đúng quy định. Khi hồ sơ đã khớp, cháu ông được thi lấy bằng như thường.

Quản lý lỏng lẻo như vậy nên các cơ sở trung gian, tiếp nhận hồ sơ, nhận đào tạo lái xe vẫn mọc lên như nấm. Đơn cử, khắp TP. Hà Nội, đi đâu cũng có thể bắt gặp cơ sở tiếp nhận đào tạo lái xe. Nhiều cơ sở bao luôn cả lý thuyết cho người học. Học viên chỉ phải thi phần thực hành còn phần thi lý thuyết đã có trung tâm lo.

Thi tay nghề, cán bộ sát hạch cũng thường châm chước cho học viên. Dẫn đến việc thi nâng cấp bằng cũng rất đơn giản. Đáng lẽ 3 triệu, nhưng nộp 7 triệu là xong. Mặt khác, còn nhiều trường hợp mua bán bằng, làm bằng giả. Mặc dù công an đã bắt khá nhiều vụ làm bằng giả, nhưng loại bằng này chắc chắn vẫn tồn tại.

Tai nạn xe khách: Vì máu "yêng hùng" - 2

Hiện trường vụ xe tải va vào hai xe máy ngày 9/6 ở Bà Rịa - Vũng Tàu khiến 6 người tử vong

Ông Liên cho rằng, những năm gần đây, Bộ GTVT đã siết chặt hơn công tác đào tạo, sát hạch lái xe, nhưng kết quả ra sao, vẫn phải chờ thêm những năm tới.

Tuy nhiên, ông Liên lưu ý, trong các chương trình đào tạo lái xe hiện nay, vẫn thiếu chương trình dạy về kiến thức pháp luật: luật dân sự, hình sự... Người học lái xe chỉ được học 300 câu hỏi lý thuyết, thành thử nhiều lái xe khi ra trường chỉ biết cầm vô lăng chứ không hiểu biết gì về luật pháp.

Một điều mà vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng cực kỳ tệ hại là các cơ sở đào tạo chỉ biết dạy lái xe, còn đạo đức người lái xe thì chẳng ai quan tâm. Học viên cũng chỉ quan tâm mỗi chuyện nhanh chóng lấy được bằng để về kiếm việc làm, được ngồi lên xe lái.

Không những ở trường lái, mà trong môi trường đào tạo nào cũng vậy, con người Việt Nam luôn được kích thích tinh thần hiếu thắng. Khi ra trường, được cầm vô lăng, nhiều lái xe muốn làm “anh hùng”. Có nhiều tài xế còn đua tốc độ với nhau để... về nhất. Mặc dù chở trên xe mấy chục con người nhưng sẵn sàng phóng nhanh, vượt ẩu để chứng tỏ đẳng cấp lái xe. Không mấy ai có sự tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Vụ tai nạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu chính là do 2 xe tải đua tốc độ rồi đâm vào 2 xe máy đi ngược chiều.

Đó còn chưa kể đến chuyện, tài xế nhiều khi coi việc lái xe như trò đùa trên đường phố. Khi hai xe đi ngược chiều ban đêm, nguyên tắc phải hạ đèn pha về chế độ gần, nhưng có khi xe đối diện đã nháy đèn báo hiệu, lái xe vẫn cứ tỉnh bơ, cố tình chiếu thẳng đèn vào mắt đối phương, rồi lấy đó là sự vui thích.

TS. Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Hiện nay chúng ta đang quá tập trung vào đào tạo theo quy chuẩn trong trường mà chưa quan tâm nhiều đến thực tế cho lái xe. Lái xe chạy trong trường lái rất tốt nhưng khi ra đường thực tế, mọi thứ sẽ khác.

Do đó, các trường lái cần thiết lập hệ thống đường đủ chiều dài, độ khó nhất định để học viên cảm nhận được sự phức tạp. Thậm chí, các tỉnh cần chọn ra những cung đường thích hợp để sát hạch lái xe. Cần có những buổi thực hành cho học viên vào giờ cao điểm. Khi học viên vượt qua những thử thách đó mới cấp bằng. 

Cần khẳng định, nguyên nhân những vụ tai nạn chủ yếu là do yếu tố con người. Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do sự cẩu thả của lái xe. Nhiều khi lái xe biết mình đang ở trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ nhưng vẫn liều mình điều khiển phương tiện.

Nhiều lái xe biết rằng cung đường phía trước nguy hiểm nhưng vẫn chạy với tốc độ cao. Đáng lẽ chỉ được chạy từ 20-30 km/h, nhưng lái xe vẫn cứ cố tình chạy đến 70-80 km/h.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN