Syria: Cô giáo thành sát thủ bắn tỉa

Sự kiện: Chiến sự Syria

Tên của người phụ nữ ấy đã lan khắp Aleppo. Đồng đội gọi chị là “Guevara” - tên của nhà cách mạng Mỹ Latin, nhưng đối với người dân thành phố thì họ chỉ gọi chị là “nữ sát thủ bắn tỉa”.

Đứng cạnh bệ đỡ súng, ngón tay giữ cò và nhắm mục tiêu qua khẩu súng trường Dragonov, tầm nhìn của chị bị bị giới hạn trong những lỗ nhỏ chỉ to bằng nắm tay trên bức tường ở vùng chiến sự nguy hiểm nhất ở Aleppo. Guevara quan sát mục tiêu, tức quân thuộc chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, đang đi chuyển trên phố.

“Tôi thích chiến đấu. Khi tôi nhìn thấy một người bạn (thuộc lực lượng nổi dậy) của mình bị giết hại, tôi cảm thấy rằng tôi phải cầm súng và đi trả thù”, tay súng bắn tỉa nói.

Mặc chiếc quần kaki màu xanh, áo màu xám, đầu cuốn khăn và chiếc áo khoác ngụy trang bên ngoài, Guevara, năm nay 36 tuổi, đang ngồi trên tòa nhà bị phá hủy một nửa chỉ cách đội tuần tra của chính phủ hơn 200m.

Dù đang chiến tranh, Guevara vẫn rất chỉn chu, với lông mày được tỉa gọn gàng, má đánh phấn hồng và một chút kẻ mắt, đôi boot da có gót và chiếc vòng tay vàng.

Rất hiếm có một nữ chiến binh ở một xã hội Hồi giáo bảo thủ như Syria, vì chiến đấu được coi là không phù hợp với nữ giới. Nhưng Guevara còn là chỉ huy của nhóm chiến binh gồm 30 nam giới và một số thiếu niên 16 tuổi.

Syria: Cô giáo thành sát thủ bắn tỉa - 1

Nữ sát thủ bắn tỉa này được mệnh danh là Guevara

Trở thành tay súng bắn tỉa không dễ dàng chút nào, Guevara giải thích. “Bạn cần phải nhanh, cẩn trọng và thông minh để bắn trúng mục tiêu, nếu không thì sẽ bị họ bắn lại”.

“Và bạn cũng cần phải kiên nhẫn. Mỗi lần chờ đợi có khi vài tiếng đồng hồ”.

Qua một lỗ nhỏ từ nơi ẩn nấp, Guevara nhìn thấy quân chính phủ chỉ cách đó chưa đến 200m, hòa với đoàn dân thường đang cố gắng đi thật nhanh như một cách để duy trì sự sống trong thời loạn lạc.

“Người dân thường trở về nhà vào chiều tối. Khi phố xá vắng vẻ là cơ hội tốt để bắn binh lính. Tôi nghĩ tôi đã giết khá nhiều lính. Không thể chắc chắn hoàn toàn rằng những người trúng đạn đều chết”.

Guevara, một cô giáo dạy tiếng Anh, trở thành tay súng bắn tỉa vì nỗi đau gia đình. Cách đây vài tháng, cô con gái 10 tuổi và cậu con trai 7 tuổi thiệt mạng khi ngôi nhà của chị bị trúng bom.

“Con trai tôi rất sợ bom, và hay hỏi tôi điều gì đang xảy ra vậy. Tôi thường nói với nó rằng tôi sẽ bảo vệ nó. Tôi không lúc nào quên hình ảnh con mình đầm đìa máu và tôi quyết tâm sẽ trả thù”, Guevara tâm sự.

Là người Syria gốc Palestine, Guevara lần đầu học cách sử dụng súng và cách chiến đấu trong một trại huấn luyện quân đội ở Lebanon do quân Hamas ở Palestine tổ chức.

Guevara cho biết, khi còn là sinh viên ở ĐH Aleppo, nhiều năm trước khi cuộc nội chiến xảy ra, chị và một số sinh viên đã ra một tờ báo đối lập. Họ thành lập một đảng chính trị cho người Palestine và tổ chức những cuộc họp bí mật để thảo luận cách lật đổ chính quyền Bashar al-Assad, rồi bắt đầu tham gia biểu tình từ tháng 3/2011.

Guevara bỏ người chồng đầu tiên vì anh ta “không có tinh thần cách mạng”. Người chồng thứ hai là chỉ huy một lữ đoàn nổi dậy mà chị tham gia. Lúc đầu, anh chồng không cho chị tham gia chiến đấu trên chiến trường, nên Guevara đã dọa bỏ.

“Tôi nói: Em có đủ sức mạnh để cầm súng, vậy tại sao em không thể chiến đấu?”

Không thể khuất phục vợ, người chồng đã dạy cho chị nghệ thuật bắn tỉa.

Guevara thừa nhận, nhiều lần chị đột ngột tỉnh dậy lúc nửa đêm và òa khóc vì những mất mát gia đình và những cảnh tàn bạo mà chị đã chứng kiến.

“Trong vài tháng qua tôi đã nhìn thấy hơn 100 xác chết. Quá nhiều người bị giết trong các vụ nã pháo và không kích. Tôi cũng đã bắn trượt nhiều lần. Có lần một quả bom nổ rất gần tôi, nhiều người đi cùng tôi trên xe bị thương. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ sắp đến lúc mình không giữ được mạng rồi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Chiến sự Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN