Sự thật clip tố công an xã "bảo kê" thu tiền xe máy qua đường sạt lở ở Yên Bái

Sự kiện: Yên Bái Tin nóng

Clip ghi lại hình ảnh một số người bắc ván qua đoạn đường sạt lở để thu tiền của người đi đường diễn ra tại tỉnh Yên Bái.

Clip người dân thu tiền của các phương tiện qua đoạn đường sạt lở. Nguồn: Đ.M

Chiều 3/9, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại hình ảnh người dân bắc ván gỗ qua đường sạt lở để thu tiền xe máy. Sự việc xảy ra vào khoảng 14h chiều 3/9, trên Quốc lộ 37, đoạn km11 thuộc địa phận xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nội dung đăng tải cho thấy do thời tiết mưa kéo dài nên đất đá sạt lở xuống đoạn đường Quốc lộ 37 khiến các phương tiện không thể qua lại. Nhân cơ hội này, một số người đã mang những tấm ván gỗ bắc qua đường sạt lở để xe máy có thể lưu thông. Tuy nhiên, một người phụ nữ sau đó xuất hiện, đứng ra thu tiền của các phương tiện nếu muốn đi qua.

Đáng chú ý, trong clip còn có sự xuất hiện của một người đàn ông mặc áo của lực lượng công an xã, cầm còi và gậy chuyên dụng phân làn giao thông và người này nói với người phụ nữ rằng “thu 10 nghìn đồng của anh em thôi nhé”...

Sự thật clip tố công an xã "bảo kê" thu tiền xe máy qua đường sạt lở ở Yên Bái - 1

Hình ảnh nhóm người thu tiền của các phương tiện qua lại. Ảnh cắt từ clip.

Đáng chú ý, trong clip còn có sự xuất hiện của một người đàn ông mặc áo của lực lượng công an xã, cầm còi và gậy chuyên dụng phân làn giao thông và người này nói với người phụ nữ rằng “thu 10 nghìn đồng của anh em thôi nhé”...

Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Một số ý kiến đặt nghi vấn về việc phải chăng công an xã đang "bảo kê" cho người dân thu tiền không đúng quy định.

Sáng 4/9, ông Đinh Khắc Huyên, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh cho biết, ngày 3/9, trên địa bàn huyện có mưa lớn nên gây sạt lở đất đá từ núi xuống đường Quốc lộ 37, đoạn qua địa bàn xã. Tại km11, đoạn sạt lở dài khoảng 30m, trong đó có khoảng 10m đường sạt lở nặng gây khó khăn các phương tiện lưu thông qua lại.

Chiều 3/9, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc có nhóm người tự ý bắc ván gỗ tại điểm sạt lở thu tiền của các phương tiện qua lại, công an xã đã có mặt tại hiện trường yêu cầu nhóm người dân chấm dứt việc thu tiền của các phương tiện. Đồng thời, công an xã phân luồng hướng dẫn người dân qua lại.

“Nhóm người tự ý bắc ván gỗ thu tiền sống ở trên địa bàn xã, trong nhóm này có một người nghiện hút. Ban đầu, khi công an chưa có mặt, nhóm người này thu 40-50.000 đồng/lượt của các phương tiện qua lại. Nhưng khi công an có mặt yêu cầu dừng ngay việc thu tiền và nhấc tấm ván ra thì người dân lại yêu cầu để tấm ván xuống cho họ qua lại và chấp nhận trả tiền”, ông Huyên nói.

Trong clip, có ghi lại hình ảnh người đàn ông mặc áo của lực lượng công an xã, cầm còi và gậy chuyên dụng phân làn giao thông và người này nói với người phụ nữ rằng “thu 10 nghìn đồng của anh em thôi nhé”.

Về nội dung này, ông Huyên giải thích: “Theo anh em báo cáo lại là lúc công an nhấc tấm ván gỗ ra thì người dân không đồng ý, chửi bới bảo để tấm ván lại cho người dân lưu thông qua lại. Vì lúc đầu, nhóm người thu 40-50.000 đồng/ lượt nên công an xã mới bảo nếu thu thì thu của anh em 10.000 đồng/1 lượt thôi”.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi tại sao công an xã không yêu cầu nhóm người dừng ngay việc thu tiền, hoặc lập biên bản, hoặc đưa nhóm người về trụ sở làm việc về hành vi thu phí sai trái trên.

Ông Huyên nói: “Tại thời điểm đó, đá trên núi vẫn rơi xuống đường Quốc lộ nên công an phải phân chia ra ưu tiên cho việc cảnh báo, hướng dẫn người dân qua lại. Thêm nữa, công an chỉ có 3 người không thể yêu cầu, hoặc cản nhóm người (5 người) kia lại được”.

Về việc một số ý kiến cho rằng, tại sao xã không huy động ván gỗ để giúp người dân lưu thông qua đoạn đường sạt lở, thay vì để một số cá nhân tự ý bắc ván rồi thu tiền. Ông Huyên phân trần: “Vì trụ sở xã cách điểm sạt lở 8km nên chưa thể kịp xử lý. Thêm nữa, tại thời điểm đó trên đường vẫn xảy ra sạt lở, các phương tiện ùn ứ kéo dài nên công an phải ưu tiên phân nhau nhau ra hướng dẫn phân luồng giao thông, giảm ùn tắc”.

Theo ông Huyên, ngay sau khi giảm ùn tắc, đơn vị đã chấm dứt việc thu tiền của người dân, đồng thời có các biện pháp xử lý để tuyến đường lưu thông bình thường.

Sự thật chuyện vỡ đập thủy điện ở Thanh Hóa

Tối 30/8, trên mạng xã hội Facebook có một số thông tin tuyên truyền vỡ đập Thủy điện Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Yên Bái Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN