Sống thấp thỏm bên bờ sông sạt lở

Sự kiện: Tin ngắn

Nhiều năm nay, sông Gianh đoạn chảy qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình sạt lở nghiêm trọng. Tại một số vị trí, bờ sông đã lấn sâu vào sát khu dân cư. Do chính quyền địa phương chưa có phương án khắc phục tình trạng này nên nhiều hộ dân rất lo lắng.

Gia đình bà Lê Thị Hồng Phước (ngụ xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã sống bên sông Gianh hàng chục năm nay. Dù nhà cửa được xây dựng kiên cố nhưng nhiều năm qua, gia đình bà luôn nơm nớp lo chạy lũ khi mùa mưa bão đến bởi bờ sông đã sạt lở sâu vào vườn nhà. Hiện căn nhà bà chỉ cách bờ sông chừng 10 m.

Gia đình bà Phước đã bỏ tiền xây kè bao quanh nhưng sạt lở ngày một nghiêm trọng. "Đến mùa mưa lũ là bờ sông lại sạt lở; đất đai, vườn tược bị cuốn trôi. Nếu chính quyền địa phương không sớm có biện pháp xây dựng bờ kè thì không bao lâu nữa, nhà cửa, đất đai của người dân ở đây sẽ bị xóa sổ" - bà Phước lo ngại.

Theo ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, tình trạng sạt lở sông Gianh đoạn qua địa bàn xã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân. Mỗi khi mưa lũ, địa phương lại tiến hành rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm song đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Một hộ dân ở xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình bỏ tiền xây kè vì sông Gianh đã sạt lở tới nhà mình

Một hộ dân ở xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình bỏ tiền xây kè vì sông Gianh đã sạt lở tới nhà mình

Sông Gianh đoạn chảy qua các xã Mai Hóa, Đức Hóa, Thuận Hóa, Tiến Hóa… của huyện Tuyên Hóa cũng sạt lở nặng nề, đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân, nhiều nơi đáng báo động. Đợt mưa lũ năm 2020 đã cuốn trôi nhiều đất đai, vườn tược của người dân. Thậm chí, có nhà chỉ còn cách bờ sông 1-2 m khiến người dân bất an, lo lắng.

Ông Đinh Xuân Thường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa, cho rằng các biện pháp khắc phục tạm thời tình trạng sạt lở sông Gianh đều chưa hiệu quả. Mưa lũ hằng năm càng khiến sông Gianh lấn sâu, cuốn trôi nhiều đất sản xuất, đất ở của người dân.

"Chúng tôi đang rà soát các điểm sạt lở dọc sông Gianh trước mùa mưa bão, xây dựng phương án di dời dân đến nơi an toàn nếu bị sạt lở đe dọa. Phòng còn phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ nơi tái định cư cho người dân từ vùng có nguy cơ sạt lở để ổn định đời sống" - ông Đinh Xuân Thường cho biết.

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trước mắt, tỉnh đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị chu đáo mọi mặt để kịp thời cảnh báo mưa lũ, sạt lở xảy ra trên sông Gianh. Về lâu dài, ngành nông nghiệp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống sạt lở đã đầu tư tại một số địa phương và đầu tư xây dựng bờ kè chống sát lở mới nhằm giúp người dân an tâm sinh sống.

Nguồn: [Link nguồn]

Sạt lở trên tuyến đường độc đạo, khoảng 6.000 người bị cô lập

Mặc dù trời đã ngớt mưa, song tình trạng sạt lở trên tuyến đường độc đạo ĐT606 đoạn qua xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam) vẫn tiếp diễn khiến 4 xã vùng cao, biên giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phúc ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN