Sống tạm bợ bên hồ thủy lợi nghìn tỷ có nguy cơ “đắp chiếu”

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, đến nay Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với số vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng có nguy cơ phải “đắp chiếu” vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều hộ dân buộc phải di dời nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù, chưa được cấp đất tái định cư, phải sống tạm bợ chính trong căn nhà không được sửa sang…

Sống tạm bợ không biết đến bao giờ...

Gia đình vợ chồng bà Phún Chấn Kíu (SN 1970, trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ rách nát nằm lọt thỏm giữa cánh đồng cỏ hoang mọc um tùm, tài sản đáng giá nhất lúc này là chiếc xe máy cũ. Nhiều tháng nay chiếc xe này cũng bỏ xó một góc vì người chồng bị tai biến không đi lại được.

Sau hơn 3 năm thi công, Dự án hồ thuỷ lợi Ea Tam mới chỉ xây dựng gần xong hệ thống tràn xả lũ.

Sau hơn 3 năm thi công, Dự án hồ thuỷ lợi Ea Tam mới chỉ xây dựng gần xong hệ thống tràn xả lũ.

Bà Kíu cho biết, gia đình bà có hơn 400m2 đất từ thời ông bà để lại, gia đình dựng tạm căn nhà gỗ làm chỗ trú ngụ. Hằng ngày, chồng chạy xe ôm, bà Kíu quẩn quanh trồng luống rau, nuôi con gà tăng thu nhập. Nhiều năm về trước, gia đình bà đã lên phường Tự An để làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), cơ quan chức năng về xác minh, đo đạc nhưng không thấy giải quyết cấp sổ cho gia đình bà “do đất của gia đình không có đường vào”.

“Khi Nhà nước lập hồ sơ để giải phóng mặt bằng làm Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, tôi được giải thích là gia đình sẽ được hỗ trợ đền bù tái định cư. Tuy nhiên, tôi chờ từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Thấy ai vào cũng tưởng cán bộ đến thông báo, giải quyết nhưng toàn mừng hụt”, bà Kíu thổ lộ.

Cách nhà bà Kíu không xa, vợ chồng chị Lý Huỳnh Mai đang bám trụ tại căn nhà đã bị đập bỏ nham nhở. Chị Mai cho hay, căn nhà này là của bố mẹ chồng, sau khi nhận tiền và đất tái định cư đã chuyển đi. Căn nhà bị đập bỏ gần hết, vợ chồng chị xin giữ lại căn phòng ngủ làm nơi ở tạm. Chồng đi làm thợ xây, còn chị Mai lo đưa đón 2 con nhỏ đi học và tận dụng khu đất để trống trồng các loại rau để kiếm thêm thu nhập.

Hỏi chuyện hỗ trợ đền bù, chị Mai nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi không có đất đai, trước đến giờ đều ở chung với ông bà. Khi Nhà nước triển khai Dự án hồ thủy lợi Ea Tam, tôi được nghe trường hợp nào đã tách hộ khẩu riêng từ năm 2014 trở lại, sẽ được cấp đất tái định cư. Vợ chồng tôi tách khẩu từ 2012 nên tôi làm đơn xin được hỗ trợ cấp đất ở nhưng không được giải quyết. Không có đất, không có tiền, vợ chồng tôi đành tá túc bám trụ ở đây, chưa biết đi đâu”. Còn hàng chục hộ dân cũng đang lâm cảnh tương tự. Tất cả đều có chung một vướng mắc đó là thủ tục liên quan đến nguồn gốc, chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc vì nhiều lý do khác nhau.

Dự án nghìn tỷ có nguy cơ “đắp chiếu”

Dự á hồ thủy lợi Ea Tam được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, có tổng mức đầu tư 1.468 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2017 đến 2020, làm công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù và tái định cư. Giai đoạn 2, từ năm 2021 đến 2024, xây dựng các hạng mục đầu mối và công trình phụ trợ. Dự kiến năm 2024 công trình sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.

Khi đi vào vận hành với hồ chứa rộng 31,6ha, dung tích 1,77 triệu m3 nước, công trình sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 25 nghìn người thuộc khu vực TP Buôn Ma Thuột và các địa phương lân cận; bảo đảm nước tưới cho 250ha lúa, cà phê và cây ăn quả. Ngoài ra, công trình hồ thủy lợi Ea Tam còn góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường, đồng thời trở thành địa điểm khai thác du lịch, thu hút đầu tư và mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Để xây dựng công trình, TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành đền bù, di dời, tái định cư cho 550 hộ dân, với kinh phí đền bù, tái định cư hơn 380 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 11/2023, Dự án hồ thủy lợi Ea Tam chỉ mới xây gần xong phần đập tràn xả lũ. Tuyến đường giao thông bao quanh lòng hồ còn thi công ngổn ngang, nhiều đoạn máy móc “đắp chiếu” không thi công. Xung quanh dự án, cỏ mọc um tùm, những khối đá, ống cống bỏ lăn lóc bên vệ đường.

Ông Đỗ Hải Đông, Giám đốc phụ trách Dự án hồ thủy lợi Ea Tam (thuộc Ban QLDA Đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đến nay khối lượng thi công của giai đoạn 1 mới chỉ đạt khoảng 60%. Dự án đang chậm tiến độ do thiếu khoảng 100.000m3 đất đắp. Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố đã kiến nghị và chờ UBND tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 49, (ngày 7/1/2022) về việc phê duyệt điều chỉnh giai đoạn 1, thay vì thời gian thực hiện dự án từ năm 2017-2020, thì dự án được điều chỉnh lại từ năm 2017-2023. Tuy nhiên, sau hai lần điều chỉnh giai đoạn 1, đến nay công trình vẫn chưa thể định ngày về đích. Thời gian triển khai dự án ở giai đoạn 1 đã sắp hết, nguy cơ không kịp tiến độ, phải xin gia hạn tiếp.

Ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay là bị hạn chế việc bố trí đất tái định cư cho các hộ gia đình có nhiều hộ nhỏ sinh sống trên cùng thửa đất thu hồi. Khó khăn khác nữa là Khoản 1 Điều 6 Quyết định này quy định: trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi, đủ điều kiện để tách thành những hộ gia đình riêng, ngoài bố trí một thửa đất tái định cư cho hộ chính (hộ bố, mẹ) thì chỉ được giao thêm một thửa đất (có thu tiền sử dụng đất). Đồng nghĩa với gia đình có đông con sẽ không có đất ở cho các con khi bị thu hồi đất”.

Xác định đây là vấn đề bất cập nên UBND TP Buôn Ma Thuột đã có kiến nghị với UBND tỉnh về việc sửa đổi nội dung trong Quyết định 27. Mặt khác, có nhiều hộ ở từ thời kỳ trước năm 1993 (trước thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực) nhưng chưa được công nhận quyền sử dụng đất ở, trong khi họ đã xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố trên đất dẫn tới khó khăn cho công tác bồi thường, hỗ trợ của cơ quan Nhà nước.

Nguồn: [Link nguồn]

'Sống mòn' bên tuyến đường sắt hiện đại làm 17 năm chưa xong

Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long nếu hoàn thành sẽ là 1 trong 2 tuyến đường sắt quốc gia hiện đại nhất nước (bên cạnh tuyến Yên Viên – Đồng Đăng), với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Thành ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN