Quy hoạch treo, “treo” cả cuộc sống người dân: Cần giải quyết triệt để, không làm tổn hại đến người dân

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Không chỉ người dân phải sống khổ khi vướng vào các dự án treo, quy hoạch treo mà theo các chuyên gia, thực trạng nhức nhối này còn gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn, gây mất cân đối trong phát triển văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Luật Đất đai đã quy định rõ mốc thời gian nếu dự án không triển khai thì phải thu hồi. Do đó, các địa phương cần phải mạnh tay hơn, kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng này.

Thiếu kiểm soát ở khâu sử dụng đất

Đề cập đến việc nhiều dự án đã treo hàng thập kỷ khiến hàng nghìn hộ dân đang phải sống trong khổ sở, TSKH.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thực trạng này cho thấy việc khai thác đất đai còn nhiều điểm bất hợp lý. Việc có những dự án chậm triển khai lên tới hàng chục năm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý. Nhà nước quản lý rất chặt chẽ ở khâu giao đất nhưng lại thiếu sự kiểm soát ở khâu sử dụng đất và thiếu giám sát, kiểm tra tiến độ các dự án. Chính vì vậy, đã tác động đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Rất nhiều mảnh đất “vàng” muốn quy hoạch phát triển đồng bộ nhưng lại để hoang hóa.

Theo ông Nghiêm, có thể cũng có tình trạng, khi giao đất cho các chủ đầu tư, cơ quan chức năng cũng chưa nắm bắt được năng lực thật sự của chủ đầu tư. Do đó, chủ đầu tư xin dự án, đã được giao đất nhưng chủ đầu tư không có năng lực triển khai dự án; hoặc có tình trạng dự án thay đổi mục đích nhưng lại gặp nhiều vướng mắc bởi vị trí đó không đúng với quy hoạch chung; quy hoạch của khu vực có sự thay đổi, điều chỉnh nên dự án cũng bị ảnh hưởng; tính pháp lý của khu đất đó chưa đầy đủ… dẫn đến dự án phải đắp chiếu. Tuy nhiên, để thu hồi được dự án cũng không dễ dàng vì có nhiều vướng mắc.

Các địa phương cần kiên quyết xử lý các dự án treo, quy hoạch treo để không lãng phí tài nguyên đất đai, gỡ khó cho người dân.

Các địa phương cần kiên quyết xử lý các dự án treo, quy hoạch treo để không lãng phí tài nguyên đất đai, gỡ khó cho người dân.

Dự án không thực hiện được thì cũng không khai thác hiệu quả đất đai, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Như bài trước chúng tôi đã đề cập, việc các dự án treo kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân khi họ gặp nhiều khó khăn trong sửa sang nhà cửa, vay vốn… Ngoài ra, các dự án treo cũng gây mất cân đối trong phát triển văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.

“Theo tôi, để hạn chế tình trạng này, trong bối cảnh hiện nay, việc phân công, phân cấp cần phải cụ thể và phải xử lý vi phạm quyết liệt. Hiện nay tình trạng xử lý vi phạm còn rất chung chung. Hy vọng việc sửa đổi các luật lần này sẽ khắc phục được tình trạng này. Các địa phương cần khẩn trương rà soát, kiên quyết thu hồi những dự án có dấu hiệu găm đất, dự án không thực hiện, hạn chế gia hạn nhiều lần”, ông Nghiêm nói.

Địa phương chịu trách nhiệm lớn nhất khi để dự án treo

Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều địa phương hiện nay cũng đang tồn tại không ít dự án treo nhiều năm mà chưa bị xử lý. Ngay tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng các dự án treo, quy hoạch treo nhiều năm cũng đã làm nóng nghị trường khi các đại biểu cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc có thu hồi được các dự án bỏ hoang hàng chục năm hay không phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của lãnh đạo các địa phương. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc thu hồi các dự án treo không khó. Bởi chỉ cần căn cứ theo quy định của Luật Đất đai là có thể “tịch thu” được các dự án chậm triển khai.

“Với các dự án chậm triển khai đã được gia hạn 24 tháng để chủ đầu tư khắc phục những tồn tại, vướng mắc mà vẫn tiếp tục bị “đắp chiếu” thì cơ quan quản lý nhà nước có thể thu hồi cả đất đai và tài sản gắn liền trên đất mà không phải đền bù cho bất cứ đối tượng nào theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, chỉ cần căn cứ vào luật là có thể xử lý được. Tôi cho rằng, chính quyền các địa phương có trách nhiệm rất lớn khi để hàng nghìn ha đất dự án bị treo hàng chục năm mà vẫn loay hoay trong việc thu hồi”, GS Đặng Hùng Võ nói và cho hay, có những dự án đã treo đến 25 năm, còn loại 10 năm thì rất nhiều: “Đây là một nguồn gây lãng phí rất lớn. Lẽ ra nguồn quỹ đất đai đó phải đưa vào sử dụng tạo ra nhà ở, tạo ra công xưởng để mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho xã hội, cho toàn dân. Thế nhưng hiện nay treo tới 10 năm, 20 năm thì cũng đồng nghĩa hiệu suất sử dụng đất gần như bằng 0, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế”.

Tại một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã từng bày tỏ quyết tâm của Hà Nội về việc kiên quyết xử lý các dự án treo, trong đó có những dự án không biết chủ đầu tư là ai. Có những dự án dù đã được các cấp, ngành của TP Hà Nội nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách nhưng chủ đầu tư cũng không thể thực hiện. Do vậy, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi rà soát, TP sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không thể thực hiện được.

“TP đang rất quyết tâm, cố gắng trong năm nay và quý một sang năm “quét” một loạt dự án. Trong đó sẽ có dự án được thúc đẩy, dự án bị thu hồi. Mà đợt tới sẽ có khá nhiều dự án bị thu hồi. Tôi sẽ làm việc này!”, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh: "TP tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai… Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân", Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định”.

Nguồn: [Link nguồn]

Quy hoạch treo, “treo” cả cuộc sống người dân: Sống mòn trong quy hoạch treo

Cứ mỗi trận mưa lớn thì nơm nớp lo sợ ngập nổi giường tủ, mùa hè thì phải sống cảnh ngột ngạt trong những căn nhà cũ nát, xuống cấp, ọp ẹp. Còn rất nhiều bi kịch khác...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Yến – Phan Hoạt ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN