Sốc với số vụ chết tức tưởi như bà mẹ đơn thân bị thanh sắt đè trúng

Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có hàng trăm người “chung số phận” với chị Dương Thị Hằng – người mẹ đơn thân tử vong vì sự cố thanh sắt rơi từ công trường xây dựng.

Sốc với số vụ chết tức tưởi như bà mẹ đơn thân bị thanh sắt đè trúng - 1

Hiện trường vụ cần trục rơi trúng người phụ nữ đơn thân đang đi đường làm nạn nhân tử vong.

6 tháng, gần 4.000 vụ tai nạn lao động

Tối 27/9, một chiếc cần trục từ công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (ở đường Lê Văn Lương) bất ngờ rơi trúng chị Dương Thị Hằng (SN1987, quê Bắc Ninh) và ông Cường (ở Hà Nội) đang di chuyển trên đường Lê Văn Lương. Hậu quả chị Hằng tử vong tại chỗ, ông Cường bị thương phải nhập viện.

Báo cáo ban đầu từ UBND quận Thanh Xuân cho thấy, nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do bộ phận cần trục giữ của hệ thống sàn treo gondola phục vụ việc thi công hạng mục vách kính tại công trình Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê bị bật khỏi vị trí và rơi xuống đường.

Vụ tai nạn lao động khi thi công công trình xây dựng gây ra cái chết thương tâm cho chị Dương Thị Hằng (một phụ nữ đang sống đơn thân và nuôi một cô con gái nhỏ) khiến dư luận bức xúc.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có hàng trăm người “chung số phận” với chị Dương Thị Hằng.

Báo cáo về tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) nêu rõ: Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tháng đầu năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra gần 4.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết là 384 người, 813 người bị thương nặng.

Tuy nhiên, về việc xử lý trách nhiệm đối với các vụ tai nạn lao động, chỉ Sở LĐ,TB&XH TP.HCM chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố 8 vụ tai nạn lao động sang cơ quan cảnh sát điều tra. Các Sở LĐ,TB&XH tỉnh, thành phố còn lại không có vụ tại nạn lao động nào chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố.

“Ngành lao động chỉ đề xuất còn việc khởi tố vụ án hay không do cơ quan điều tra quyết định, đề xuất với Viện kiểm sát phê chuẩn. Mình có nhiều lần có ý kiến phải xử lý nghiêm (các vụ tai nạn lao động) nhưng chỉ TP.HCM và tỉnh Quảng Ninh xử lý quyết liệt”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-TB&XH, nói.

Vì sao xảy ra nhiều tai nạn lao động?

Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người 6 tháng đầu năm 2018 do người sử dụng lao động chiếm 50,7%. Cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm gần 24% tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 11,27 % tổng số vụ;

Trong khi, nguyên nhân người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm hơn 14% tổng số vụ.

Về các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất, báo cáo cho thấy, do vật rơi, đổ sập chiếm gần 8% tổng số vụ; Vật văng bắn chiếm hơn 7% tổng số vụ.

Trở lại với vụ tai nạn làm chị Dương Thị Hằng tử vong, ông Hà Tất Thắng đánh giá, vụ tai nạn trên đặc biệt nghiệm trọng.

Sốc với số vụ chết tức tưởi như bà mẹ đơn thân bị thanh sắt đè trúng - 2

Công trình xảy ra tai nạn lao động khiến cần trục rơi ra ngoài đường làm 2 người thương vong

“Năm 2014, 2015 có nhiều vụ tương tự (như vụ rơi bộ phận cần trục ở đường Lê Văn Lương), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có chỉ thị số 01 về Tăng cường, chấn chỉnh công tác vệ sinh an toàn lao động, trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn lao động trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư và đường giao thông.

Trong chỉ thị Bộ gửi cho các địa phương, đặc biệt nơi có nhiều công trình xây dựng nêu rõ, trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra với các nhà thầu, đặc biệt với công trình xây dựng gần khu dân cư, đường giao thông và đề nghị các địa phương tăng cường xử lý nghiêm, kể cả trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm trong vụ tai nạn trên đường Lê Văn Lương, ông Hà Tất Thắng đánh giá, trách nhiệm trong sự việc thuộc về đơn vị thi công để xảy ra sự cố.

Ông Thắng cho rằng, đối với những công công trình xây dựng cạnh những tuyến đường giao thông đông người, đơn vị tổ chức thi công phải đảm an toàn lao động đặc biệt nghiêm ngặt.

Cục trưởng Cục An toàn lao động lấy ví dụ, để đảm bảo an toàn, đơn vị thi công những công trình cạnh tuyến đường giao thông có đông người qua lại, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải xin phép Sở Giao thông vận tải để cấm đường trong thời gian nhất định để đảm bảo việc thi công an toàn.

Về giải pháp để hạn chế sự việc đau lòng như tai nạn xảy đến với chị Dương Thị Hằng, ông Thắng cho biết, Cục sẽ tiếp tục tham mưu tới lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo, tăng cường thực hiện Luật an toàn vệ sinh lao động, các văn bản, nghị định, thông tư đã được triển khai tới các bộ ngành, địa phương trong 2 năm qua.

“Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Xây dựng trong thời gian từ nay tới cuối năm sẽ thanh tra, kiểm tra một số đơn vị trong thẩm quyền cho phép”, ông Hà Tất Thắng nói.

Mẹ đơn thân tử vong vì thanh sắt rơi giữa phố Hà Nội: Ai sẽ chăm sóc bé gái 6 tuổi?

Sau khi tang lễ của người mẹ đơn thân kết thúc, tất cả mọi người đều lo lắng cho tương lai của bé gái 6 tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Vụ thanh sắt rơi làm chết người đi đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN