Sĩ tử đạp xe 300km: Hạnh phúc ngập tràn

Ngôi nhà nhỏ của Ngô Văn Thuận (SN 1994) tại miền quê nghèo xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) những ngày qua lúc nào cũng như có hội. Việc được Bộ trưởng đặc cách cho thẳng vào đại học giờ không còn là niềm vui của cá nhân Thuận và gia đình...

Một ngày sau quyết định đặc cách của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, chúng tôi tìm về xã Xuân Thành để chia sẻ niềm vui với nhân vật chính, người đã khiến tất cả phải cảm động về hành trình đạp xe hơn 300km đi thi đại học.

Trò chuyện với PV, Thuận trở nên bẽn lẽn như con gái, nhưng khi được nhắc về ước mơ đại học đã thành hiện thực, ngay lập tức khuôn mặt Thuận rạng ngời niềm hạnh phúc đến khó tả. Đôi mắt sáng ngời, Thuận nhớ lại thời gian mình có quyết định táo bạo khi một mình đạp xe ra Hà Nội thi đại học. Ngày 29/6, vào lúc 1h trưa, giữa cái nắng hè gay gắt như lửa táp vào da thịt của mảnh đất xứ Nghệ, Thuận đã có quyết định táo bạo là trốn bố mẹ mang theo hành trang gồm giấy tờ dự thi đại học cùng với hai bộ quần áo để lên đường ra Hà Nội.

Sĩ tử đạp xe 300km: Hạnh phúc ngập tràn - 1

Thuận đón nhận niềm vui vào đại học bên gia đình của mình

12h đêm hôm đó, khi người đã thấm mệt, ngủ ngoài đường thì sợ nên Thuận đã tìm vào một bệnh viện ở Thanh Hóa để nghỉ chân. Nằm nghỉ một lát, đến 1h sáng, Thuận lại tiếp tục hành trình ra Hà Nội. Sáng hôm đó, khi bụng đã đói meo, Thuận mới dám mua một chiếc bánh mì của người bán rong bên đường để ăn cho đỡ đói. Khoảng 9h30 phút sáng ngày 30/6, Thuận đã đặt chân đến Hà Nội. Lúc này, Thuận quyết định vào một quán ăn bên đường thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội để thăm lại một người quen cũ. Tại đây, Thuận đã tình cờ gặp được Đại úy Nguyễn Quốc Khánh, Công an phụ trách xã Liên Ninh (Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sau khi hỏi han và trò chuyện, biết chuyện Thuận một mình đạp xe từ quê ra để thi đại học, đại tá Khánh đã giúp đỡ Thuận bằng việc nhờ người quen của ông sống nơi gần trường thi để Thuận ở và lo cho Thuận ăn uống trong mấy ngày diễn ra kỳ thi.

Ngay khi trở về, Thuận lập tức đi làm thêm, để chờ kết quả thi đại học. Rồi cái ngày đó cũng đến khi Thuận biết mình chỉ còn thiếu nửa điểm để vào trường Sĩ quan Lục quân 1. Biết tin, Thuận rất buồn, vậy là ước mơ của em đã không thực hiện được. Nhưng ý chí của chàng trai đất Nghệ không cho phép Thuận nản lòng, em tiếp tục vạch ra những dự định cho mình khi vừa đi làm để kiếm tiền, vừa học ôn thi để năm sau sẽ tiếp tục chinh phục ước mơ giảng đường đã bị dang dở trong năm nay.

Để vớt vát cơ hội học đại học, Thuận đã làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2. Và cũng chừng ấy thời gian, gia đình Thuận sống trong sự thấp thỏm, đợi chờ. Bà Ngô Thị Tuệ (40 tuổi) mẹ của Thuận không dấu nổi ánh mắt vui sướng nói: "Chiều tối ngày 29/8, khi vừa đi làm ngoài xưởng sửa chữa điện dân dụng về thì gia đình  nhận được tin Thuận đã chính thức có quyết định gọi bổ sung vào trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, cả nhà mừng rỡ. ..".

Từ ngày có thông tin mình được đặc cách, Thuận đã vui mừng đi khoe với bạn bè và hàng xóm, ai nấy đều vui cho cậu học trò nghèo. Thầy giáo Nguyễn Trọng Mậu giáo viên chủ nhiệm của Thuận chia sẻ: "Thuận là học sinh trong lớp tôi chủ nhiệm suốt 3 năm học cấp III nên tôi phần nào hiểu được hoàn cảnh của gia đình Thuận. Khi biết điểm của mình không đủ đỗ, em ấy đã buồn và tâm sự với tôi rất nhiều, tôi cũng khá bất ngờ với kết quả của Thuận, có lẽ chặng đường đạp xe quá dài khiến em ấy mệt mỏi nên kết quả mới kém như vậy chứ trước khi đi thi tôi cũng đã kỳ vọng vào Thuận nhiều lắm. Bình thường ở trường, em ấy là một học sinh ngoan ngoãn, hiền lành và hết lòng với công việc của trường lớp".

Cuối câu chuyện, Thuận bảo rằng: "Đời cứ ngỡ là mơ vậy. Em đã nghĩ rằng cơ hội khép lại, chỉ hy vọng vào nguyện vọng hai. Nhưng cái tin Bộ trưởng đặc cách cho học Đại học thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời em. Và cánh cửa Đại học đang mở ra cho em một chân trời mới. Em sẽ không phụ lòng tin của mọi người đã dành cho em!".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Tâm - Tân Phú (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN