Rừng tan hoang và thái độ khó hiểu của ông Chủ tịch huyện
Rừng khộp tại xã biên giới Ia Mơr (Gia Lai) bị chặt phá khủng khiếp. Thế nhưng khi được thông tin, ông chủ tịch huyện lại thờ ơ đến khó hiểu.
Cảnh những bãi gỗ cực lớn được chất ở bìa rừng Ia Mơr
Tan hoang rừng biên giới
Đầu tháng 4/2021, nhiều người dân phản ánh đến Báo Giao thông tình trạng khu rừng khộp tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) bùng lên nạn phá rừng với quy mô cực lớn.
Để tìm hiểu vụ việc, nhóm PV đã lên kế hoạch và thâm nhập, ghi lại những hình ảnh ngay tại hiện trường.
Anh H. (người dân trú tại xã Ia Mơr), là người trực tiếp liên hệ với chúng tôi ngại ngần: “Xin các anh hãy giữ bí mật. Lâm tặc ở đây nó sẽ “xử đẹp” gia đình tôi đấy”.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi xuất phát ở trung tâm xã Ia Mơr theo TL665 hướng về phía TL14C (đi tỉnh Đắk Lắk). Sau khi vượt qua cầu Ia Mơr khoảng 1km, PV bắt đầu đi vào đường lô cây cao su của một công ty cao su lớn đóng chân trên địa bàn xã. Sau khi đi hết đất cao su, khu rừng khộp đặc trưng ở vùng này bắt đầu xuất hiện.
Rừng khộp trước mặt chúng tôi bị quét hết những cây lớn. Nhiều diện tích bị đốt phá từ rất lâu và ngày một lan ra rộng. Ở khu rừng này, tiếng máy cưa rền đặc. Tiếng người gọi nhau dùng xe máy độ chế vận chuyển vào ban ngày như một đại công trường.
Những bãi tập kết gỗ từ rừng được đưa về lô cao su từ vài ngày trước với khối lượng cực kỳ lớn. Những khúc gỗ tròn ngắn độ dài hơn 1m được chất thành đống. Theo người dẫn đường, đống gỗ mà chúng tôi ghi nhận ở bìa rừng hôm 12/4 có khoảng 4 - 5 xe công nông độ chế mới chở hết.
Lần theo manh mối, tối cùng ngày, PV ghi nhận có tới 4 xe công nông chở vào xưởng gỗ của một người tên là T. ở trung tâm xã Ia Mơr. Tối 13/4, chúng tôi lại ghi nhận có 3 xe máy độ chế chở những khúc gỗ tròn chạy vào làng hướng đến kho gỗ của ông T.
Điều đáng nói, cả quá trình phá rừng với quy mô khủng khiếp không có một lực lượng chức năng nào ngăn chặn hoặc kiểm soát. Cảnh tượng các thanh niên người đồng bào dân tộc chở gỗ ra khỏi rừng rầm rập. Gỗ được cưa thành khúc với chiều dài khoảng 1m.
Chủ tịch huyện bảo phóng viên “lằng nhằng”
Hiện trường vụ khai thác rừng với quy mô cực lớn ở xã Ia Mơr
Trưa 14/4, PV rời địa bàn Ia Mơr để về trung tâm huyện Chư Prông. Chúng tôi vào UBND huyện để liên hệ công tác và phản ánh việc phá rừng. 10h45, chúng tôi đến phòng làm việc của Chánh Văn phòng UBND nhưng không gặp.
Ngay lúc này, ông Vũ Đình Hạnh, Chủ tịch UBND huyện từ trên cầu thang đi xuống sảnh. Gặp ông Hạnh, chúng tôi giới thiệu là phóng viên muốn đăng ký làm việc. Tuy nhiên, đáp lời, ông Hạnh nói chúng tôi liên hệ với văn phòng. “Hết giờ rồi!”, ông Hạnh nói và cắp cặp đi thẳng ra chiếc xe máy đậu trong khuôn viên.
Lúc này chúng tôi chạy tới: “Có việc gấp, xin phép anh 5 phút trình bày thôi ạ. Lúc này, ông Hạnh lên giọng. “Anh không thấy hết giờ rồi à? Anh đăng ký văn phòng đi. Lằng nhằng!”. Nói xong vị chủ tịch huyện lên xe máy phóng ra cổng.
Liên quan đến vụ phá rừng trên, chúng tôi tìm đến ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai để trao đổi về vụ việc trên. Sau khi chúng tôi trình bày, ông Nghĩa và ông Nguyễn Văn Hoan - Phó giám đốc Sở xem hình ảnh, video hiện trường phá rừng. Ông Nghĩa cho rằng, đây là hành vi hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng rất nghiêm trọng. Khu vực rừng này thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý.
Ngay tại bàn làm việc, ông Nghĩa quay sang cấp dưới nói: “Trong ngày mai (15/4), anh Hoan xuống Ia Mơr kiểm tra và chỉ đạo xử lý ngay việc phá rừng này”.
Cũng theo ông Nghĩa, rừng thuộc khu vực này có tổng diện tích khoảng 3.700ha nằm trong khu vực đang được ngành chức năng đề xuất chuyển đổi thành vùng nông nghiệp vì nằm trong lưu vực tưới của hồ thuỷ lợi Ia Mơr. “Việc người dân phá rừng, lấn chiếm đất đai sau này sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý”, ông Nghĩa nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Lợi dụng giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lâm tặc đã mang cưa máy vào rừng triệt hạ 119 cây gỗ lớn với tổng cộng...