Quấy rối tình dục: Chứng minh thế nào?

Hầu hết nạn nhân bị quấy rối tình dục đều trong cảnh yếu thế, cắn răng không biết kêu ai. Ngay cả Luật pháp cũng chưa quy định rõ thế nào thì bị coi là quấy rối tình dục công sở?

Tốt nghiệp ĐH khoa tiếng Trung, K xin vào làm trợ lý phiên dịch cho công ty may Trung Quốc đóng tại Việt Nam. Tuy không thuộc vào hàng xinh đẹp nhưng K lại sở hữu thân hình gợi cảm bắt mắt...

Ngay từ buổi đầu làm việc, K đã lọt vào mắt ông chủ. Vậy là mỗi khi có cơ hội ngồi gần nữ nhân viên, ông chủ nước ngoài kia toàn tranh thủ lợi dụng với những hành động “sờ, nắn”, khi nói chuyện cũng cố tình khoác vai K ngay chốn làm việc. Sau những lần như vậy, K thấy xấu hổ, nhìn thấy sếp là phải lấy lý do để tránh xa!

Luật có nhưng chưa cụ thể

Vì công ty có xưởng may ở nhiều tỉnh xa nên K lại thường xuyên phải đi phiên dịch cho sếp trong những chuyến đi công tác. Hôm đó, trong một chuyến đi công tác ở Nghệ An, đường xa quá nên đoàn phải thuê nhà nghỉ. Mặc dù đã thuê mỗi người một phòng nghỉ tuy nhiên K lại mất cảnh giác không chốt cửa phòng mình. Lợi dụng sơ hở này, ông sếp đã mò sang, bất ngờ ôm chầm lấy cô nhân viên trẻ vừa ghì siết vừa hứa hẹn này nọ... Sau phút hoảng loạn, K định thần lại dùng hết sức lực đẩy người đàn ông ra rồi bỏ chạy... Cô cũng từ bỏ việc làm từ hôm đó nhưng trong lòng vẫn chất chứa ấm ức chỉ biết bày tỏ cùng bạn bè.

Không nghiêm trọng như K nhưng H lại thường xuyên phải làm việc trong không khí căng thẳng, ức chế với những lời tán tỉnh của những đồng nghiệp nam đã có vợ. H kể, chuyện điện thoại của mình luôn có những tin nhắn à ơi kiểu mời mọc đi chơi, đi uống cà phê là thường ngày và cũng có thể bỏ qua. “Ức chế nhất là đang làm việc thì bị nam đồng nghiệp nhảy vào nick chat với những lời lẽ thô thiển như: anh có vợ nhưng chưa có người yêu,  anh đang tìm người yêu… thế này có khi anh tán em luôn!”

Lần khác, H trưng ảnh cháu gái vừa sinh lên avatar, ngay lập tức, trưởng phòng khác nhảy vào hỏi: “Bé gái hả em” H trả lời: Vâng! Rồi tay trưởng phòng hỏi luôn: “Anh đang toàn con trai, muốn gửi em đứa con gái được không?”.

“Những chuyện thô thiển tương tự như vậy ngày nào cũng xuất hiện, mặc dù mình rất cảnh giác, đề phòng nhưng nó vẫn làm mình bị ám ảnh ức chế”, H tâm sự.

Quấy rối tình dục: Chứng minh thế nào? - 1

Lợi dụng công việc để quấy rối tình dục là chuyện dễ thấy nơi công sở (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 5/2013 đã nêu quy định cấm quấy rối tình dục công sở, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị quấy rối tình dục… Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục? “Khi bắt gặp những hành vi khiếm nhã, có thể chị A cho rằng mình đã bị quấy rối nhưng anh B lại cãi rằng chỉ là hành động đùa cho vui thì sao? Làm thế nào để chứng minh, dựa vào đâu để khẳng định mình bị quấy rối? Đặc biệt khi đã kiện tụng ra Tòa thì phải có cơ sở chứ…”, bà Lan đặt câu hỏi.

Mặt khác, về không gian và thời gian xảy ra quấy rối tình dục cũng là vấn đề đang gây tranh cãi. Theo bà Lan, chúng ta cứ nói quấy rối tình dục chỉ xảy ra tại cơ quan, nơi làm việc, tuy nhiên cũng có nhiều hoàn cảnh khi người lao động đang thi hành nhiệm vụ ở bên ngoài bị đồng nghiệp quấy rối thì sao đây? “Một cô thư ký có thể theo sếp đi công tác, đi tiếp khách mà lại bị sếp hay khách có hành vi sàm sỡ thì có được Luật bảo vệ hay không?”, bà Lan nói.

Nạn nhân không biết kêu ai

Mới đây, tại một buổi tọa đàm về nạn quấy rối tình dục công sở do Bộ LĐ-TB-XH kết hợp ILO tổ chức với hơn 100 đối tượng đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và học sinh, sinh viên năm cuối, khi được hỏi thì tất cả đều không biết Luật Lao động mới có quy định về vấn đề này.

“Trao đổi với chúng tôi, hầu hết mọi người đều chỉ nhận thức rất mông lung về hành vi quấy rối tình dục. Thậm chí, các đối tượng được hỏi còn cho rằng quấy rối tình dục là chỉ khi có xảy ra quan hệ tình dục hoặc sờ soạng linh tinh... còn với những hành vi gọi điện, nhắn tin, show hình khiêu dâm thì vẫn chưa được coi là quấy rối..”, bà Lan cho biết.

Kết quả báo cáo về tệ nạn quấy rối tình dục ở Việt Nam cho thấy, nạn nhân có cả nam và nữ, tuy nhiên phần đông thuộc về nữ lao động với độ tuổi còn rất trẻ. Đa phần nạn nhân thường là những người có địa vị thấp hơn đối tượng quấy rối cả về chức tước lẫn tiền bạc.

Báo cáo cũng đánh giá, phân tích nạn nhân bị quấy rối tình dục làm 2 trường hợp: Thứ nhất là những đối tượng dù bị quấy rối nhưng lại không nhận thức được lại cho rằng mình được sếp hoặc đồng nghiệp “ưu ái”; thứ hai là đối tượng dù biết nhưng vẫn cố chịu đựng, chấp nhận để đánh đổi lấy địa vị, được thăng quan tiến chức...

Tuy nhiên, thực tế, theo bà Lan hầu hết nạn nhân bị quấy rối tình dục đều phải “cắn răng” chịu đựng trong môi trường làm việc căng thẳng mà không biết giải quyết như thế nào. “Trong khi các nước khác đều có các khóa tập huấn phòng tránh nạn quấy rối tình dục công sở cho nhân viên mới thì đến nay tại các cơ quan, đơn vị trong nước hiện vẫn chưa có cơ chế giải quyết, khi nhân viên bị quấy rối tình dục thì họ cũng không biết kêu ai để bảo vệ mình”, bà Lan nói.

Hiện ILO đang phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu đề ra một quy định chuẩn về quấy rối tình dục công sở để áp dụng phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa của Việt Nam. Quy định này sẽ được đề xuất cùng với báo cáo đánh giá nạn quấy rối tình dục tại Việt Nam vào cuối tháng 12 năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN