VN có luật cấm quấy rối tình dục công sở

Từ tháng 5/2013, Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó lần đầu tiên có quy định nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Quấy rối tình dục được coi là một nạn bạo hành và hình thức biểu hiện của việc này cũng vô cùng phong phú. Đó có thể chỉ đơn giản là liếc mắt đưa tình, nhìn chằm chằm vào ngực, nói bóng gió, gửi ảnh liên quan đến tình dục hay nghiêm trọng hơn là những đụng chạm sỗ sàng… Hành vi này đang trở thành mối lo ngại lớn tại nhiều cơ quan làm việc, thậm chí, một khảo sát còn đưa ra con số hơn 40% nữ nhân viên các công sở trên thế giới nói rằng họ bị quấy rối tình dục bởi sếp và những nam đồng nghiệp là người quản lý của họ.

Tại Việt Nam, vào tháng 7 năm nay, dư luận xôn xao bởi vụ việc quấy rối tình dục ở nơi làm việc tại Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng. Một nữ y sĩ tố cáo bác sĩ trưởng khoa Tai – Mũi - Họng cố ý sàm sỡ cô trong ca trực nhưng bác sĩ cho rằng, đó không không phải là quấy rối tình dục mà chỉ là... “quàng tay lên cổ cho vui”. Qua câu chuyện này, nhiều người đặt câu hỏi vậy đến bao giờ các nữ lao động mới được bảo vệ tại nơi làm việc bằng những qui định cụ thể trong pháp luật và như thế nào thì được xét vào hành vi “quấy rối tình dục”.

Đáng mừng trong Bộ luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2013 tới đây, lần đầu tiên các vấn đề về quấy rối tình dục ở nơi làm việc sẽ được Việt Nam quy định cụ thể tại Bộ luật này. Điều này được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục ở nơi công sở.

Theo báo cáo mới đây do Bộ LĐTBXH thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới còn khá trẻ (18 - 30 tuổi). Nghiên cứu cũng chỉ ra, văn hóa Á đông và nỗi lo sợ mất việc đã khiến rất nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục không dám lên tiếng, khiếu nại vì họ cảm thấy xấu hổ.

Do vậy, theo bà Sandra Polaski, Giám đốc điều hành Khối đối thoại xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người sử dụng lao động và các tổ chức công đoàn cần tạo một cơ chế an toàn để người lao động có thể khiếu nại. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện vấn đề khá nhạy cảm này.

Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Lan - Điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng ILO, cho hay, trong khi Chính phủ Việt Nam đã luật hóa việc cấm quấy rối tình dục ở nơi làm việc, Bộ Luật Lao động mới vẫn thiếu những định nghĩa về hành vi này. Nếu không có định nghĩa rõ ràng thì khó mà thực thi được luật...

Theo ILO, quấy rối tình dục ảnh hưởng xấu đến bình đẳng giới ở nơi làm việc. Năng suất lao động của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi này làm xấu đi các quan hệ lao động. Chính vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng coi quấy rối tình dục như một vấn đề nghiêm trọng mà người lao động có thể gặp phải ở nơi làm việc.

Cụ thể, một cuộc khảo sát được thực hiện ở Trung Quốc năm 2009 cho thấy, cứ 1 trong năm 5 lao động được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Nước Mỹ chỉ trong năm 2007 cũng nhận được hơn 12.500 đơn tố cáo về quấy rối tình dục liên quan đến công việc. Trong khi đó, theo nghiên cứu gần đây ở Thụy Sỹ thì một nửa số người lao động ở nước này có khả năng bị quấy rối tình dục ở công sở.

Bà Polaski khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tăng cường nhận thức cho người dân và thúc đẩy việc thực thi luật để đảm bảo phụ nữ không bị quấy rối tình dục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Linh (VOV Giao thông)
Quấy rối nơi công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN