Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân HN nói về thực tế việc dân livestream cán bộ

Sự kiện: Tin nóng

Ông Lê Đình Cung - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội tiết lộ thực tế việc người dân ghi hình khi làm việc với cán bộ tiếp dân ở thành phố.

Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân HN nói về thực tế việc dân livestream cán bộ - 1

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp dân. Ảnh Báo Giao thông.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND - Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân. Đáng chú ý, trong đó là nội dung công dân không được quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân khi chưa được sự đồng ý. Việc này đang gây tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Một số chuyên gia cho rằng, việc không quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân khi được sự đồng ý của cán bộ nhằm tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, nghiêm túc, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng việc ghi âm, ghi hình nhằm mục đích xấu...

Thế nhưng, người dân thì lại cho rằng, chỉ cần cán bộ làm đúng bổn phận của mình thì việc người dân có quay phim hay ghi âm không ảnh hưởng đến công việc. Thậm chí, nếu cán bộ làm tốt, thì đó còn là một hình thức tuyên truyền cho hình ảnh đẹp của cán bộ khi tiếp dân.

Ngoài ra, người dân cũng lo ngại "thủ tục xin phép" việc ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân có thể làm mất bằng chứng để tố giác cán bộ nếu người đó có hành vi không chuẩn mực, có biểu hiện tiêu cực.

Về vấn đề này, ngày 9/1, ông Lê Đình Cung - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội cho hay, thực tế hiện nay, rất ít công dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình mà chỉ là số ít người có nhu cầu “với mục đích khác” như livestream, gây ức chế cho cán bộ.

Còn những trường hợp công dân có mục đích chính đáng như muốn ghi âm, ghi hình để thông tin lại với gia đình về việc đã gửi đơn thì cán bộ chắc chắn sẽ đồng ý.

Nếu công dân sợ không ghi âm, ghi hình sẽ mất bằng chứng, ông Cung cho rằng, sau buổi tiếp, công dân sẽ được nhận phiếu nhận đơn của cán bộ tiếp công dân, hoặc biên bản xác nhận nội dung buổi tiếp giữa người tiếp công dân và công dân.

“Trên phiếu nhận đơn sẽ ghi ngày, giờ làm việc, và nội dung làm việc của công dân, ghi nhận đã nhận đơn của công dân. Còn trong nhiều trường hợp khác, ví dụ công dân đi thành đoàn có nhiều nội dung khác nhau thì cán bộ sẽ lập biên bản.

Cán bộ lập biên bản có sự đồng thuận của cả hai bên thể hiện bằng chữ ký. Như thế có nghĩa rằng, công dân có hài lòng với buổi tiếp thì mới ký vào biên bản, sau đó biên bản sẽ được đóng dấu”, ông Cung nói.

Sau khi tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp công dân sẽ báo cáo cấp trên để xử lý, chuyển đơn thư của công dân đến những nơi có thẩm quyền giải quyết. Cấp có thẩm quyền sẽ ban hành văn bản gửi cho công dân để thông báo đã xử lý như thế nào.

Phó Trưởng ban Ban Tiếp công dân HN nói về thực tế việc dân livestream cán bộ - 2

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban tiếp dân Trung ương. Ảnh Báo Giao thông.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban tiếp dân Trung ương thì cho hay, nội quy của Hà Nội chỉ mang tính nội bộ. Giống như việc, đến nhà, muốn quay phim, chụp ảnh thì phải xin phép chủ nhà. Việc làm này nhằm hạn chế những thành phần có thái độ không đúng hoặc những thành phần chống phá…

“Tôi là người tiếp dân rất nhiều, nếu người dân xin phép tôi vẫn để cho họ quay phim, ghi âm bình thường. Thế nhưng, có những người, họ đến chưa nói gì đã giơ cái điện thoại vào mặt cán bộ và có những lời lẽ khiêu khích, xúc phạm… Vì vậy, việc đưa ra nội quy là cần thiết”, ông Điệp chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Điệp, nội quy đưa ra là như vậy, nhưng rất khó để kiểm soát việc này. Nhiều khi người dân vẫn quay phim, ghi âm… quan trọng cán bộ tiếp dân phải có thái độ đúng mực, hướng dẫn người dân cách phản ánh.

Nếu người dân không hài lòng về thái độ của cán bộ, có thể phản ánh vào phiếu nhận đơn hoặc biên bản và cấp thẩm quyền sẽ xem xét và xử lý vụ việc.

Ngoài ra, các phòng tiếp dân của Hà Nội và Trung ương đều có gắn camera ghi hình, có ghi âm. Nếu người dân yêu cầu trích xuất camera thì cán bộ có thẩm quyền sẽ thực hiện việc này, lập biên bản và bàn giao cho công dân.

“Với tôi, người dân có bức xúc tí thì cũng không sao, mình là cán bộ tiếp dân thì phải chịu thôi. Dân bức xúc, mình cũng bức xúc thì đừng làm cán bộ tiếp dân nữa.

Còn đối với cán bộ của tôi, nếu có thái độ không chuẩn mực, tôi ủng hộ việc quay phim, ghi âm và phản ánh lên. Việc này càng tốt cho cả cán bộ và người dân”, ông Điệp nói.

Hà Nội lý giải thế nào quy định “cấm ghi hình khi tiếp dân”?

Việc cấm ghi âm, ghi hình khi tiếp dân nếu không được cho phép nhằm tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, nghiêm túc, ngăn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN