Ô tô, xe máy bị cây đè bẹp trong cơn dông, ai phải đền bù?

Nhiều độc giả thắc mắc, những chiếc ô tô, xe máy… do cây xanh, công trình xây dựng, công trình giao thông gây hư hỏng thì có được đền bù và thanh toán bảo hiểm hay không?

Như tin đã đưa, chiều 13.6, tại Hà Nội xảy ra một trận mưa dông lớn khiến nhiều xe máy, ô tô bị hư hỏng do cây xanh, cột đèn, cột điện… đổ đè lên.

Trước những thiệt hại trên, nhiều độc giả thắc mắc, những chiếc ô tô, xe máy… do cây xanh, công trình xây dựng, công trình giao thông gây hư hỏng thì có được đền bù và thanh toán bảo hiểm hay không?

Liên quan tới câu hỏi trên, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu các phương tiện bị hư hỏng trong trường hợp “bất khả kháng” (ví dụ như thiên tai) thì sẽ không được đền bù.

“Trường hợp thiên tai như trận dông lốc hôm 13.6 khiến cây đổ vào các phương tiện gây hư hỏng thì chủ các phương tiện rất khó đòi đền bù từ đơn vị quản lý cây xanh, vì đây là trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, trong trường hợp cây xanh đến ngày phải chặt, tỉa để đảm bảo an toàn, nhưng đơn vị quản lý không thực hiện, hoặc trồng cây không đúng quy cách dẫn tới gãy, đổ gây thiệt hại tài sản cho người dân thì đơn vị quản lý phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Về trường hợp phương tiện hư hỏng do bị công trình giao thông, công trình xây dựng đè lên, vị luật sư của Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: Nếu các công trình đó được xây dựng đúng quy định, đạt các tiêu chuẩn an toàn khi cháy nổ, thời tiết xấu… nhưng do thiên tai mà gãy, đổ gây thiệt hại tài sản cho người khác thì không phải đền bù, bởi đây là trường hợp bất khả kháng.

Ngược lại, các công trình xây dựng, giao thông thi công không đạt tiêu chuẩn, khi xảy ra thiên tai thì gây thiệt hại tài sản cho người khác thì người chịu thiệt hại có quyền yêu cầu đền bù.

“Ví dụ, một ngôi nhà khi xây dựng, phần mái che bằng tôn thi công cẩu thả, không đảm bảo an toàn nên khi xảy ra dông lốc, mái tôn bị gió cuốn bay rơi xuống ô tô người khác gây hư hỏng. Trường hợp này, người chịu thiệt hại có thể yêu cầu chủ ngôi nhà đền bù. Tóm lại, nếu người chịu thiệu hại muốn được bồi thường thì phải chứng minh được chủ thể gây thiệt hại có yếu tố lỗi”, luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, nếu các phương tiện đã đóng bảo hiểm, khi bị hư hỏng do thiên tai sẽ được công ty bảo hiểm chi trả chi phí sửa chữa.

Ô tô, xe máy bị cây đè bẹp trong cơn dông, ai phải đền bù? - 1
Trường hợp thiên tai như trận dông lốc hôm 13.6 khiến cây đổ vào các phương tiện gây hư hỏng thì chủ các phương tiện rất khó đòi đền bù từ đơn vị quản lý cây xanh, vì đây là trường hợp bất khả kháng.

Trong vai một người cần tư vấn về bảo hiểm, chúng tôi đã liên hệ tới số điện thoại tư vấn của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty Bảo hiểm Pjico.

Theo tư vấn từ nhân viên tư vấn của hai công ty này, những chiếc xe ô tô bị hư hỏng do bị cây xanh, công trình xây dựng, công trình giao thông đổ trúng chỉ được bảo hiểm nếu khách hàng đã mua gói “Bảo hiểm vật chất xe cơ bản”.

“Nếu khách hàng chỉ mua bảo hiểm "Trách nhiệm dân sự chủ xe" (gói bảo hiểm bắt buộc theo quy định - PV) thì khi phương tiện bị hư hỏng sẽ không được bảo hiểm. Trong trường hợp chủ xe mua thêm "Bảo hiểm vật chất xe" (bảo hiểm tự nguyện - PV) của Pjico, nếu xe gặp sự cố đâm va, cháy nổ... thì công ty sẽ cử giám định viên tới giám định và bồi thường đúng với số tiền khách hàng bỏ ra sửa chữa”, nhân viên tư vấn của Công ty Bảo hiểm Pjico cho hay.

Một nhân viên tư vấn thuộc Công ty Bảo hiểm Liberty cũng cho biết, nếu khách hàng mua bảo hiểm Liberty cho ô tô của mình thì khi phương tiện bị hư hỏng do bị cây xanh, cột điện… đổ trúng, công ty này bảo hiểm 100%.

Theo tìm hiểu, để được thanh toán bảo hiểm, sau khi ô tô gặp sự cố, chủ phương tiện cần gọi điện thông báo tới trung tâm hỗ trợ khách hàng của các công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm sau đó sẽ cử nhân viên tới ghi nhận thiệt hại và hướng dẫn thủ tục bảo hiểm cho xe.

Ngoài ra, khi gặp sự cố, chủ phương tiện cũng có thể gọi lực lượng chức năng tới ghi nhận hiện trạng hoặc chụp hình lại hiện trạng sự cố sau đó cho xe tới nơi sửa chữa. Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào xác nhận của lực lượng chức năng hoặc hình ảnh hiện trạng khi xe gặp sự cố để thanh toán bảo hiểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Giông lốc khủng khiếp tại Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN