Giông lốc 2 người chết, gần 1.300 cây đổ: Hà Nội họp khẩn

Sau trận giông lốc làm 2 người chết, gần 1.300 cây xanh bị đổ, ngày 14.6 UBDN thành phố Hà Nội họp khẩn về công tác khắc phục thiệt hại.

Thống kê nhanh của các đơn vị chức năng cho thấy, trận giông lốc chiều 13.6 với sức gió giật lên đến cấp 9 tại Hà Nội đã khiến 2 người thiệt mạng, 5 người bị thương, gần 140 nhà tốc mái, hàng chục ôtô bị hư hại, nhiều sự cố gây mất điện trên diện rộng.

Giông lốc 2 người chết, gần 1.300 cây đổ: Hà Nội họp khẩn - 1

Trận mưa giông làm tổng số hơn 1.290 cây xanh bị đổ

Thống số của Sở Xây dựng Hà Nội tại cuộc họp cho thấy, trận mưa giông làm tổng số hơn 1.290 cây xanh bị đổ, trong đó hơn 800 cây thuộc địa bàn 12 quận, hơn 400 ở các huyện ngoại thành.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong hơn 800 cây xanh bị đổ ở khu vực các quận nội thành có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy, đường kính từ 50-150cm, còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng, bằng lăng...

Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, toàn thành phố xảy ra 108 vụ sự cố trên hệ thống lưới điện, gây mất điện trên hầu hết các địa bàn quận, huyện. Sáng nay cơ bản đã khắc phục xong, một số sự cố nhỏ sẽ khắc phục nốt trong hôm nay.

Ngay sau sự cố, UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện, huy động hơn 600 cán bộ chiến sỹ giải tỏa các khu vực bị sự cố có liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân; cây xanh gãy đổ chắn đường giao thông, sự cố liên quan đến đường điện, cấp thoát nước...

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch Thành phố biểu dương các lực lượng đã khẩn trương khắc phục hậu quả trong mưa dông, tuy nhiên, ông lưu ý, hậu quả của thiên tai vẫn còn lớn, còn nhiều nhiệm vụ cần được triển khai khẩn trương.

Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh, trong trường hợp cần thiết cần huy động lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và đoàn viên thanh niên phối hợp tích cực triển khai nhiệm vụ khẩn trương, vừa đảm bảo duy trì giao thông.

Điện lực thành phố phải tập trung khắc phục ngay các sự cố, đảm bảo điện cho sinh hoạt, đời sống người dân. Việc khắc phục sự cố điện cần triển khai linh hoạt, sáng tạo, hạn chế thấp nhất việc mất điện trên diện rộng.

Chủ tịch Thành phố giao Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Tư lệnh Thủ đô rà soát số người thương vong do ảnh hưởng của giông lốc, tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời. trong quá trình khắc phục các sự cố cần đảm bảo an toàn kỹ thuật, tránh các tai nạn không đáng có.

Trước ý kiến cây đổ trong trận giông lốc chủ yếu là xà cừ, Chủ tịch Hà Nội cho biết, báo cáo từ các đơn vị thì số lượng xà cừ bị đổ chiếm không nhiều mà chủ yếu cây muồng.

Chủ tịch Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà khoa học để đưa ra những chủng loại cây xanh đô thị thích hợp trồng trên đường phố Thủ đô.

Giông lốc 2 người chết, gần 1.300 cây đổ: Hà Nội họp khẩn - 2
Nhiều ô tô bị cây đè vào hư hỏng sau trận “cuồng phong” chiều 13.6. 

Chiều cùng ngày, Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (PC67 – Công an TP. Hà Nội) cho biết, khi xảy ra mưa lớn, giông lốc, ban chỉ huy Phòng PC67 đã huy động 100% quân số, triển khai phân luồng, điều tiết giao thông, thực hiện kế hoạch “Ứng phó với thiên nhiên, biến đổi khí hậu” của Công an TP. Hà Nội và Phòng PC67.

Giông lốc 2 người chết, gần 1.300 cây đổ: Hà Nội họp khẩn - 3

Ông Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP. Hà Nội ra hiện trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc PC67 khắc phục hậu quả.

Phòng PC67 cũng phối hợp với các đơn vị chức năng và Công ty Cây xanh Hà Nội khắc phục hậu quả, thu gom các cây bị đổ, bị gẫy.

Theo thống kế sơ bộ của PC67, trận “cuồng phong” tại Hà Nội chiều ngày 13.4 đã làm 1 cột đèn tín hiệu giao thông, 68 biển báo hiệu và 450 giải phân cách bị đổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dạ Yến - Xuân Lực ([Tên nguồn])
Giông lốc khủng khiếp tại Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN