Ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng "có mức độ nguy hiểm nhất"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá như vậy. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, sắp tới TP HCM sẽ triển khai vừa thực hiện khoanh vùng cách ly vừa sản xuất ở một số doanh nghiệp

Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP vào sáng 1-6.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự cuộc họp với TP HCM về công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự cuộc họp với TP HCM về công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM)

Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trước nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, sắp tới TP sẽ triển khai vừa thực hiện khoanh vùng cách ly vừa sản xuất ở một số doanh nghiệp để hạn chế lây lan dịch bệnh nếu có. TP HCM cũng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, đe dọa các khu công nghiệp, một trong các trọng điểm cần tập trung hiện nay là lấy mẫu cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Hiện nay, trên địa TP có 1,6 triệu công nhân, bao gồm cả công ty không nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Riêng khu công nghiệp, khu chế xuất có 280.000 công nhân cùng với 3000 chuyên gia, khu công nghệ cao là 45.000 người.

"Chỉ cần một trường hợp lây nhiễm thôi sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động nơi đó, đồng thời các hợp đồng sản xuất của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. TP sẽ chọn 1 số doanh nghiệp để vừa cách ly vừa sản xuất. Chấn chỉnh doanh nghiệp hoạt động không đảm bảo được yêu cầu phòng dịch" - ông Phong Nguyễn Thành nhấn mạnh.

TP HCM đã giao chủ tịch UBND quận, huyện và Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp ký cam kết với chủ doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch đối với từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ tự đánh giá theo bộ tiêu chí, nếu không đảm bảo sản xuất thì sẽ cho dừng hoạt động.

TP HCM cũng sẽ sớm triển khai gói hỗ trợ thứ 2 trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động bị mất việc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Về các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, TP HCM vẫn đang triển khai và sẽ có phương án phù hợp trong thời gian tới. TP HCM sẽ cùng các sở, ngành lập thành nhóm hướng dẫn quận Gò Vấp trong công tác phòng chống dịch.

Tại cuộc họp nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có mức độ nguy hiểm nhất so với các ổ dịch khác. Ca đầu tiên có biểu hiện hôm 13-5 nhưng 13 - 14 ngày sau mới được phát hiện. Chu kỳ lây nhiễm nhanh, khả năng phát tán mầm bệnh chỉ 2-3 ngày, do đó khi phát hiện đã chậm 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Có thể đã xuất hiện ổ dịch mới không rõ nguồn lây mà chúng ta chưa phát hiện được.

Dự báo sẽ còn xuất hiện thêm các ca bệnh ở các quận - huyện, tòa nhà cao ốc, văn phòng, công ty, khu công nghiệp (KCN). Do đó, TP HCM cần phải làm quyết liệt hơn nữa.

Nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh vào KCN rất lớn nên phải đặt đây là trọng tâm, trọng điểm. Mức độ lây nhiễm trong KCN là rất lớn, TP phải tập trung cao độ bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt phòng chống lây nhiễm tại khu vực này.

Cần tăng cường quản lý công nhân, thực hiện giãn cách; cần thiết thì cho cách ly tập trung ở một số khu nhà ở công nhân. Các khu nhà ở công nhân hiện nay đa số khá chật hẹp, nếu lây lan dịch bệnh tại các khu vực này sẽ để lại hậu quả lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đợt dịch này khác các lần trước, vì virus lây theo cấp số nhân chứ không lây theo chuỗi. "Cần huy động toàn bộ lực lượng công an, nhân viên y tế để truy vết triệt để, càng sớm bao nhiêu càng đỡ gánh nặng bấy nhiêu" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại các KCN, mật độ đông, khu vệ sinh trong điều kiện hạn hẹp, do đó cần thực hiện nghiêm công tác quản lý. Với 1,6 triệu công nhân, nếu TP không kiểm soát tốt sẽ rất nguy hiểm. Các doanh nghiệp nên có giãn cách trong sản xuất, kiểm soát quản lý công nhân từ nhà trọ đến công ty và cả quá trình di chuyển nhằm đảm bảo an toàn. Cần tập huấn cho công nhân tự làm xét nghiệm bằng test nhanh chứ không nên quá lạm dụng PCR.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị TP HCM chỉ đạo các quận - huyện kiểm tra giám sát, nếu không đảm bảo tiêu chí an toàn thì phải dừng sản xuất. Đề nghị TP cho phép áp dụng thí điểm xét nghiệm tại các nhà thuốc bằng test nhanh.

"Kháng nguyên nhanh rất dễ làm, sẽ giúp tăng tốc độ xét nghiệm, chứ hiện nay 50.000 mẫu 1 ngày là chậm, TP phải nhanh hơn nữa trong vấn đề xét nghiệm" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về công tác điều trị, TP cũng cần sớm chuẩn bị nhiều hơn 5.000 giường bệnh, cho các tình huống phát sinh nhiều ca bệnh.

Ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng "có mức độ nguy hiểm nhất" - 2

Nguồn: [Link nguồn]

Lạng Sơn: Thêm 8 ca dương tính với SARS-CoV-2, gần một nửa F1 thành F0

Gần một nửa số F1 tại huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã trở thành F0 sau 3-4 lần xét nghiệm và dự báo sẽ còn tiếp tục...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến - Nguyễn Thuận ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN