Nóng bỏng nạn khai thác “lụi” tài nguyên ở Thừa Thiên - Huế

Sự kiện: Tin nóng

Thời gian gần đây, trên địa bàn 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã liên tiếp xảy ra tình trạng ngăn dòng chảy của suối để khai thác đá, khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngày càng cạn kiệt khiến người dân rất bức xúc. Trong khi đó, tại các huyện Phong Điền, Phú Lộc, hoạt động khai thác “lụi” tài nguyên cũng diễn biến phức tạp.

Ngang nhiên “móc ruột” đất, cát, than bùn

Mới đây, người dân ở thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc khai thác cát trắng, than bùn trái phép tại khu vực hồ Bàu Niên gây ảnh hưởng đến diện tích trồng rừng sản xuất của người dân.

Qua tìm hiểu được biết, xung quanh khu vực hồ Bàu Niên có trữ lượng cát trắng lớn, đã được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò, khai thác mỏ cát trắng cho một doanh nghiệp với diện tích 406 ha ở 8 khu vực. Hiện doanh nghiệp này đang khai thác tại 1 khu vực được cấp phép. Còn tại một số cồn cát ở Bàu Niên, thời gian qua xuất hiện nhiều xe tải, máy múc hoạt động khai thác cát trái phép. Sau khi “ăn” đầy cát, những phương tiện này vận chuyển cát trắng ra khỏi Bàu Niên. Nhiều gốc keo lá tràm của người dân bị các phương tiện này đào bới để lấy cát dẫn đến chết khô.

Khai thác cát trắng trái phép tại khu vực Bàu Niên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Khai thác cát trắng trái phép tại khu vực Bàu Niên (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Trong khi đó, dọc 2 bên bờ Bàu Niên cũng bị các đối tượng khai thác trộm than bùn. “Việc khai thác trái phép cát trắng và than bùn tại Bàu Niên đã diễn ra trong thời gian dài gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường. Cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra nhưng sau đó vấn nạn trộm cát, trộm than bùn vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến diện tích trồng keo tràm và cây sen ở hồ Bàu Niên của chúng tôi”, một hộ dân thôn Bắc Triều Vịnh cho hay.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo UBND xã Phong Hiền, Công an xã phối hợp tổ chức kiểm tra khu vực Bàu Niên. Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện phương tiện khai thác nhưng cơ quan chức năng đã ghi nhận và xác định khu vực khai thác khoáng sản trái phép với diện tích 480m2, độ sâu khai thác trung bình 1m. Theo ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, Bàu Niên có chức năng cung cấp nước tưới tiêu cho hàng trăm hécta đất sản xuất nông nghiệp và điều tiết thoát lũ. Vì thế xã thường xuyên lập đoàn kiểm tra, tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng bất chấp quy định khai thác trộm tài nguyên khiến người dân bức xúc.

Tại huyện Phú Lộc, mới đây, cơ quan chức năng phát hiện ông Nguyễn Hữu Thành Tâm (trú ở thôn Hòa Vang 4, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) có hành vi khai thác 1.517m3 đất trái phép tại thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01 thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn. UBND huyện Phú Lộc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với ông Tâm với tổng số tiền hơn 101 triệu đồng; đồng thời buộc ông Tâm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

“Nóng” chuyện… vàng, đá

Những ngày cuối tháng 7/2023, nhiều người dân ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) đi khai thác mật ong trong rừng và phát hiện một số đối tượng đang đãi vàng sa khoáng. Ngay khi tiếp nhận thông tin này, ngày 29/7, Công an 2 xã Hồng Thủy và Hồng Vân (huyện A Lưới) phối hợp với lực lượng chức năng lập đoàn kiểm tra, truy quét khu vực đào, đãi vàng sa khoáng trái phép tại địa điểm A Pêy B, xã Hồng Thủy.

Qua kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng không phát hiện người, máy móc, phương tiện tham gia khai thác vàng sa khoáng trái phép nhưng ghi nhận 2 hầm khai thác vàng sa khoáng. Trong đó, hầm thứ nhất có độ sâu từ 5-10m, không có dấu hiệu đất đá mới đưa từ trong ra khỏi miệng hầm. Đối với hầm thứ hai được nhận định vừa được đào cách đây khoảng vài ngày, dấu đất còn mới, có độ sâu khoảng 2m. Đoàn liên ngành còn phát hiện một lán trại của người dân khai thác vàng sa khoáng trái phép để lại, có chứa các vật dụng, xoong nồi, quần áo và các dụng cụ để khai thác vàng gồm khay để đãi vàng, xe rùa, cuốc, xẻng, ống nước cao su khoảng 30 mét dùng để lấy nước đãi vàng.

Qua ghi nhận tại hiện trường, lực lượng chức năng nhận định, các đối tượng khai thác vàng trái phép đã cải tạo dòng suối để đãi vàng. Công an xã Hồng Thủy cho biết thêm, thực trạng đào, đãi vàng tại địa điểm A Pêy B (xã Hồng Thủy) của người dân thường xuyên tái diễn do người dân không có việc làm ổn định. Điểm khai thác cho thấy quy mô nhỏ lẻ, với hình thức thủ công, lực lượng truy quét chưa phát hiện có sử dụng máy móc, phương tiện để đào đãi vàng, sa khoáng. Lực lượng chức năng đã tháo dỡ lán trại mà các đối tượng khai thác vàng trái phép sử dụng để ăn, ở. Đồng thời, tiến hành tiêu hủy các dụng cụ mà các đối tượng dùng để đãi vàng và khắc phục hiện trạng của dòng suối.

Tương tự, tại huyện Nam Đông, từ nguồn tin báo của người dân, Công an Thừa Thiên – Huế đã xác lập chuyên án để đấu tranh, truy bắt các đối tượng các đối tượng ngang nhiên khai thác vàng trái phép… Sau một thời gian điều tra, thu thập các chứng cứ, ngày 13/7 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế (ANKT) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự phá chuyên án, khởi tố, bắt giữ 2 đối tượng có hành vi vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Các đối tượng bị bắt giữ là Hoàng Thái Ninh (SN 1969, trú tại tỉnh Thái Nguyên) và Trần Quang Thái (SN 1984, trú tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Theo cơ quan điều tra, qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, vào đầu tháng 12/2022, Ninh có quen biết từ trước với Thái nên đã liên hệ, đặt vấn đề kết hợp cùng nhau khai thác vàng trái phép tại huyện Nam Đông. Các đối tượng thỏa thuận, phân công Ninh có trách nhiệm tuyển người từ Thái Nguyên đưa vào để vận hành máy móc nhằm thực hiện việc khai thác vàng, còn Thái có nhiệm vụ mua lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuê người vận chuyển hàng đưa vào bên trong bãi khai thácvàng. Các đối tượng thỏa thuận tỷ lệ ăn chia, trong đó Ninh 60% và Thái 40%. Từ cuối năm 2022 đến tháng 3/2023, Ninh và Thái đã 2 lần bán vàng sa khoáng cho một tiệm vàng tại chợ Đông Ba (phường Đông Ba, TP Huế) với số tiền 116 triệu đồng.

Bên cạnh vấn nạn khai thác vàng “lậu”, tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra trong thời gian dài khiến nhiều người dân ở miền núi bức xúc. Đã nhiều năm nay, nhiều người dân ở thôn 3, thôn 4 thuộc xã Hương Hữu (huyện Nam Đông) phản ánh Công ty TNHH Thạch Phú Hưng (đóng tại huyện Nam Đông) về hành vi khai thác đá trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước tại Khe A Ro ngày càng cạn kiệt. Quá trình khai thác đã tạo ra các hố sâu, gây sạt lở nương rẫy của các hộ dân và tác động làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của khe A Ro, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân. Đồng thời, người dân yêu cầu Công ty TNHH Thạch Phú Hưng trả lại đất để người dân lao động, sản xuất. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng ANKT phối hợp với Công an huyện Nam Đông và các đơn vị liên quan phát hiện, bắt quả tang 1 xe câu không có nhãn hiệu, không biển kiểm soát của Công ty TNHH Thạch Phú Hưng đang chở 2 tảng đá nguyên khối khoảng 3m3. Tại hiện trường, những người tham gia khai thác vận chuyển đá không xuất trình được giấy phép khai thác cũng như các thủ tục liên quan hoạt động khai thác vận chuyển đá.

Quá trình điều tra, Phòng ANKT xác định, Công ty Thạch Phú Hưng do ông Đặng Quốc Trung (SN 1978, trú xã Hương Xuân, huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế) làm Giám đốc được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép khai thác khoáng sản năm 2008 cho phép khai thác khoáng sản đá sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá thôn Bá Tang (xã Hương Hữu).

Tuy nhiên, Công ty Thạch Phú Hưng vừa tiến hành khai thác tại địa điểm được cấp phép vừa tổ chức khai thác đá trái phép tại khe Xoài và khe A Ro thuộc thôn Bá Tang, xã Hương Hữu. Công ty này đã đầu tư xây dựng hệ thống điện, kéo từ khu vực nhà xưởng lên khu vực khe Xoài, khe A Ro để lập bãi tập kết đá, sau đó mua và thuê đất rừng sản xuất của các hộ dân xung quanh khu vực rồi tiến hành mở rộng đường cho phương tiện lên nhằm thăm dò, khai thác đá tảng nguyên khối đưa về xưởng để cưa xẻ, chế biến.

Điều đáng nói, từ năm 2011, mặc dù Công ty Thạch Phú Hưng đã hết thời hạn khai thác theo giấy phép quy định tại huyện Nam Đông, nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục cho người và phương tiện tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản tại khe A Ro và Khe Xoài…

Ngày 1/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Đặng Quốc Trung về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Nguồn: [Link nguồn]

CLIP: Bất chấp nguy hiểm, người dân liều mình đãi vàng dưới hạ du thủy điện

Bất chấp việc thủy điện có thể xả lũ bất ngờ, người dân vẫn kéo nhau xuống dòng sông đục ngầu để đào đãi vàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khoa – Hải Lan ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN