Những sự thật bất ngờ từ chùa Ba Vàng

Theo quy định, chùa Ba Vàng không phải đóng bất cứ khoản thuế nào liên quan đến sử dụng đất, dù có nguồn thu khổng lồ.

Những sự thật bất ngờ từ chùa Ba Vàng - 1

Từ một ngôi chùa nhỏ nhắn, đến nay chùa Ba Vàng trở thành ngôi chùa có quy mô rất lớn

Khi nguồn lực xã hội đổ dồn vào chùa

Vài ngày qua, dư luận dậy sóng về câu chuyện chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức tuyên truyền “vong báo oán”, trục vong, gọi hồn… mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng. Thế nhưng giữa “tâm bão” ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết: “Chúng tôi không thể biết được. Chùa Ba Vàng xây dựng hoành tráng với kinh phí bao nhiêu, họ không báo cáo chính quyền địa phương. Toàn bộ việc sử dụng đất, xây dựng… theo quy định, chính quyền địa phương không thu khoản thuế nào. Nguồn tiền đổ vào chùa gồm các khoản như: Công đức, cúng dường, giọt dầu… những điều này chỉ những người trong chùa mới biết. Tóm lại, ngân sách địa phương không thu được bất cứ khoản thuế, phí nào từ chùa Ba Vàng”.

Chùa Ba Vàng trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, phía tây TP Uông BíTheo Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia, chùa Ba Vàng trước đây là một ngôi chùa khá đơn sơ. Từ năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thuộc Hệ Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử được nhân dân địa phương thỉnh về trụ trì chùa. Với 500 tỷ đồng tiền công đức, chùa đã được trùng tu và xây lại khang trang. Từ đó tới nay, chùa Ba Vàng không ngừng được xây dựng, mở rộng với những tòa nhà lớn, lộng lẫy. Năm 2014, ngôi chùa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất (4.500m2).

Sau quá trình dài điều tra về hoạt động truyền bá “vong báo oán” trong đó nếu một người muốn được “giải nghiệp” phải đóng góp vào chùa số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, Báo Lao Động đưa ra con số ước lượng ngôi chùa này có nguồn thu cả trăm tỷ đồng. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Người ta đã có ý định che giấu từ đầu nên có hệ thống, kiểm soát, khám túi, khám người, cảnh giới như thế nên nếu không có phóng sự điều tra thì mình cũng khó mà biết được. Đây là cơ hội để làm trong sạch lại hoạt động tại chùa Ba Vàng. Khi mà nguồn lực kinh tế đổ dồn vào chùa thì chỉ đem lại một thứ duy nhất là các công trình thật lớn. Nguồn lực đổ dồn vào xây chùa thì vô hình trung những lĩnh vực kinh tế khác sẽ mất cơ hội”.

Trong khi đó, trong buổi thuyết giảng giữa hàng trăm phật tử tại chùa Ba Vàng sau “bão dư luận” mới đây, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng đặt ra hàng loạt câu hỏi như không cần câu trả lời về mình, như: “Thầy có tham ô, tham nhũng gì không? Thầy có tư túi gì cho riêng mình không? Hay là thầy chỉ một mực chăm lo cho Tam Bảo?”. Mỗi khi vị trụ trì này nói ra những lời như trên đều kèm theo tiếng vỗ tay rào rào của tăng ni, phật tử trong chùa. Điều đó dường như không ăn nhập như với chiếc ghế sư trụ trì ngồi được thiết kế như “ngai vàng”, khi trụ trì xuất hiện, thuyết giảng rồi ra về đều có lễ rước như rước vua chúa ngày xưa; “bộ máy truyền thông” nhà chùa được trang bị những thiết bị, phương tiện quay phim, chụp ảnh không thua gì một đài truyền hình. Vậy, tiền ở đâu ra?

Lấn chiếm đất rừng xây chùa

Đại diện UBND TP Uông Bí cung cấp cho chúng tôi một loạt văn bản xử lý các vi phạm về việc chiếm đất rừng, đắp đập ngăn dòng nước của chùa Ba Vàng.

Trong năm 2018, UBND TP Uông Bí có một loạt văn bản liên quan tới việc chùa Ba Vàng ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng với 3 hộ dân với tổng diện tích chuyển nhượng là 11,8ha. Tuy vậy, sau đó chùa Ba Vàng đã dừng việc ký hợp đồng này.

Cũng trong các năm 2017-2018, UBND TP Uông Bí có hàng loạt văn bản liên quan tới việc xử lý tình trạng chùa Ba Vàng đắp, gia cố nhiều con đập, ngăn dòng chảy để nước suối đổ về chùa. Qua kiểm tra, chùa Ba Vàng cung cấp 1 hợp đồng với 1 hộ dân chuyển nhượng cho chùa với tổng diện tích 14,3ha rừng. Liên quan tới vấn đề này UBND TP Uông Bí đã ban hành Văn bản ngày 4/6/2018 “về việc kiểm điểm trong công tác quản lý rừng, đất rừng và san gạt, đắp đập chứa nước tại khu vực thượng nguồn suối Lựng Xanh”.

Theo đó, hàng loạt cơ quan như: UBND xã, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Uông Bí, Hạt Kiểm lâm Uông Bí… bị kiểm điểm vì để chùa Ba Vàng tự ý san, gạt làm đường, đắp đập chứa nước trên khu vực thượng nguồn suối Lựng Xanh và nhận chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp. Từ đó tới nay, việc xử lý dường như chỉ trên giấy tờ. Thực tế, hình ảnh từ vệ tinh năm 2006 cho thấy, chùa Ba Vàng chỉ là một chấm xanh khiêm nhường giữa núi rừng bạt ngàn của TP Uông Bí, Quảng Ninh. Nhưng đến nay, nơi đây đã biến thành một ngôi chùa nguy nga, rộng hàng chục nghìn m2.

Yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt “thỉnh vong”,cúng “oan gia trái chủ”

Ngày 24/3, UBND TP Uông Bí cho biết, vừa gửi công văn khẩn về việc chấp hành danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đến chùa Ba Vàng.Về việc phật tử Phạm Thị Yến tuyên truyền giảng pháp, UBND thành phố khẳng định, những hoạt động đó đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây ra những bất bình trong dư luận nhân dân.

Đặc biệt, những hoạt động đó không có trong danh mục những hoạt động tôn giáo năm 2019 đã được đăng ký và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Qua đó, thành phố yêu cầu chùa Ba Vàng phải chấm dứt toàn bộ hoạt động trên.Công văn còn nêu rõ, chùa Ba Vàng phải sớm có biện pháp chấn chỉnh việc giảng pháp của tăng ni, phật tử trên các phương tiện thông tin đại chúng do Nhà nước quản lý theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định số 162/2017 của Chính phủ.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND TP Uông Bí chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung mà các cơ quan báo chí phản ánh, gửi về UBND tỉnh trước ngày 25/3.

Thông tin về việc chùa Ba Vàng “thỉnh vong, gọi hồn, cúng oan gia trái chủ…” khởi nguồn từ việc truyền thông đăng tải phóng sự phản ánh hoạt động trên tại chùa Ba Vàng. Theo đó, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Việc làm của chùa Ba Vàng đã khiến cộng đồng phật tử, chức sắc tôn giáo cũng nhưng các nhà nghiên cứu phật học phẫn nộ và lên tiếng phản bác.

V.Hòa

Bà Phạm Thị Yến trong mắt những người thân quen

Trước khi lên chùa Ba Vàng tu tập rồi được "đặc quyền" thuyết giảng về nhân quả, hiện tượng vong nhập, báo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa ([Tên nguồn])
Vụ chùa Ba Vàng "gọi vong, báo oán" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN