Những phiên chợ độc, lạ ngày Xuân
Tết đến xuân về khiến các phiên chợ đầu năm nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Khác với phiên chợ thường ngày, phiên chợ đầu năm còn mang ý nghĩa đem đến nhiều may mắn cho mỗi người trong năm mới. Ở Việt Nam, có những phiên chợ độc, lạ, là không gian văn hóa, là nơi gắn bó với những phong tục, lối sống của dân địa phương mà mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp Tết cổ truyền.
Đi chợ để… “giải ế”
Chợ Gò như một lễ hội vui xuân được họp trên một gò đất dưới chân núi Trường Úc (ở khu phố Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Khi Giao thừa đến, người dân các vùng phụ cận mang đến đây những sản vật địa phương như gánh rau, trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là cau, trầu để bày bán. Điều đặc biệt ở chợ Gò là việc mua, bán thể hiện ý nghĩa hai bên đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm.
Một điều thú vị nữa ở chợ Gò đó là nhiều cặp trai gái đã nên duyên vợ nên chồng từ phiên chợ này. Các đôi trai gái ở tuổi độ đôi mươi, khoác tay nhau đi chợ cùng mua vài quả cau, lá trầu và chút vôi để cho duyên thắm tình nồng lứa đôi. Đây còn là nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng nên hồn thơ Xuân Diệu và ông tổ hát bội Đào Tấn, những người con đã làm rạng danh vùng đất võ, trời văn Bình Định.
Phiên chợ của… trẻ em
Chợ phiên đình Phong Lôi (chợ Gòi) có một không hai ở vùng đất lúa Thái Bình, chỉ họp vào mùng 2 Tết, để phục vụ các thượng khách nhỏ tuổi. Chợ đồ chơi trẻ em trong sân đình làng Gòi có từ lâu đời, khi vài người thợ nặn tò he, con giống… mang hàng ra ngoài cổng đình bày bán cho các cháu nhỏ đi chơi Tết đầu năm. Ngày nay, các mặt hàng đồ chơi phong phú hơn rất nhiều, thu hút người dân tới vui chơi mua sắm.
Trầu, cau là mặt hàng không thể thiếu tại chợ Gò
Đi chợ không đợi tới sáng
Chợ đình Bích La ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thường họp một đêm duy nhất từ khuya mùng 2 đến rạng sáng mùng 3 Tết. Hàng trăm năm nay, chợ đình Bích La được coi như lễ hội truyền thống, thu hút hàng nghìn lượt người dân và du khách đến đây cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng làm ăn phát đạt… Phần quan trọng nhất của lễ hội chợ đình Bích La là nghi lễ tôn nghiêm gọi thần Kim Quy - vị thần mang may mắn đến cho một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa.
Bánh đa đỏ ở chợ Chuộng (Đông Sơn, Thanh Hóa) đắt khách bởi quan niệm để gia đình luôn vui vẻ, may mắn
Ra chợ để “biếu, tặng” đồ
Chợ Gia Lạc, còn gọi là phiên chợ Hoàng gia, có từ thời Vua Minh Mạng (1820 - 1840), chỉ họp vào ba ngày Tết, với nhiều món ăn cung đình và đặc sản nổi tiếng của Huế. Đầu xuân, đi chợ Gia Lạc đã trở thành truyền thống lâu đời của người dân Huế. Đặc biệt tại nơi đây, khi đi chợ, người ta không nói từ “mua, bán” mà thay vào bằng từ “biếu, tặng”. Họ đi chợ cốt mong được cái lộc đầu năm, sự may mắn, suôn sẻ, mua những vật dụng cần thiết cho gia đình, tham gia các trò chơi dân gian để thử vận đầu năm. Chợ Gia Lạc thu hút đông đảo người dân về tham gia mua sắm, du xuân.
Phiên chợ không mặc cả, không đếm tiền
Chỉ họp vào đêm mùng 4 tháng Giêng, chợ Âm Dương tại làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) mang vẻ huyền bí, trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây. Chợ Âm Dương đặc biệt từ cái tên đến nơi dựng chợ, cũng như mặt hàng buôn bán. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một bãi đất trống, không có lều, quán cũng không thắp điện sáng, mà chỉ dùng đèn, nến, càng không có sự ồn ào, náo nhiệt đặc trưng của nơi buôn, chốn bán.
Chợ chỉ bán gà mái đen và vàng mã. Tại phiên chợ này, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền. Người đi chợ chỉ để cầu may, trút bỏ muộn phiền chứ không nhằm mục đích mua bán. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh. Ngày nay, chợ Âm Dương đã khác nhiều, mặt hàng được bày bán đa dạng, người đi chợ cũng tự do thoải mái hơn, nhưng truyền thống tổ chức họp chợ vào ban đêm vẫn được duy trì.
Càng bị ném càng nhiều "vận đỏ"
Năm nào cũng vậy, ngay từ sáng sớm, già trẻ, gái trai nhắc nhau về triền đê ven sông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa để tham gia phiên chợ Chuộng chỉ họp một phiên vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Chợ Chuộng độc đáo, ai đến chợ bị nhiều cà chua ném vào người thì năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, có nhiều lộc nhiều tài. Vì thế, tại phiên chợ thường bán rất nhiều cà chua chín đỏ. Tuy nhiên, được nhiều người ưa thích và chọn mua đó là bánh đa đỏ nướng giòn và những gói muối, bởi ý nghĩa đầu năm mang về vận đỏ, may mắn đầu xuân, gia đình hạnh phúc, vui vẻ, hòa thuận.
Tại chợ Chuộng, rất nhiều trò chơi dân gian thu hút người dân. Trò chơi bịt mắt bắt lợn, đập niêu đất mang lại những khoảnh khắc vui vẻ của phiên chợ xuân. Người dân đến chợ Chuộng dù không quen biết, nhưng họ cùng vui chơi, họ ném cà chua vào nhau mang lại may mắn và cười đùa vui vẻ.
Phiên chợ “mua may bán rủi”
Vào đêm mùng 7 và ngày mùng 8 tháng Giêng, người dân, du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về Nam Định đi chợ Viềng - phiên chợ “mua may bán rủi” mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần để cầu may, mở đầu năm mới tốt lành. Tại đây, du khách thập phương tới du xuân, mua sắm nông cụ, cây giống để xuống đồng hay cây cảnh, đồ cổ về để trưng trong nhà. Đây đều là những mặt hàng “cầu may” và cũng là nét đặc biệt của phiên chợ này. Vì vậy, người dân và du khách đi chợ Viềng không ai muốn ra về tay không.
Chợ Viềng Nam Định còn nổi tiếng bởi đây là phiên chợ tâm linh. Chợ Viềng Nam Giang là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Vậy nên người đi chợ cũng là đi lễ, đã đến chợ Viềng, hầu hết du khách đều dừng bước vãn cảnh, vào chùa, vào phủ cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân.
Nguồn: [Link nguồn]
Giữa lòng phố cổ Hà Nội có một khu chợ độc nhất vô nhị, mỗi năm chỉ mở một lần. Các món đồ được bày bán ở đây đều có tuổi đời nhiều năm.