Những cung đường chết chóc: Qua đèo Cả, không dám ngủ

Tai nạn giao thông luôn rình rập trên đèo Cả và khi tai nạn xảy ra, hầu như không ai có khả năng sống sót.

Nằm giữa 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đèo Cả dài hơn 12 km, từng được lực lượng CSGT chấm hàng chục “điểm đen tai nạn”. Thế nhưng, theo đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, bây giờ không ai còn gọi điểm đen nữa, không phải vì bớt nguy hiểm mà bởi chỗ nào trên đèo cũng tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT).

Vừa chạy vừa run

Bà Trần Thị Thảo Như - một tiểu thương ở chợ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - hay vào TP HCM mua vải, hàng may mặc sẵn. Lần nào qua đèo, dù đêm đã khuya hay mỏi mệt đến mấy, bà chẳng bao giờ dám ngủ. “Nhiều người trên xe cũng như tôi, phải cố tỉnh táo để nếu có chuyện còn xoay xở” - bà Như nói.

Còn đối với những người có máu phiêu lưu, qua đây cũng thấy run khi đèo liên tục uốn lượn như con trăn khổng lồ đang trườn mình trên các vách núi với một bên là vách núi đá dựng đứng và một bên là vực thẳm sâu. Bản thân từng nhiều lần qua lại con đèo này mà lần nào người viết bài cũng nhắm mắt, ôm chặt thành ghế như chuẩn bị cho một cuộc nhào lộn không có điểm dừng.

Những cung đường chết chóc: Qua đèo Cả, không dám ngủ - 1

Xe đầu kéo tụt đèo, cán chết 3 mẹ con chạy xe máy trên đèo Cả cuối năm 2011

Anh Nguyễn Văn Lim, lái xe giường nằm của Công ty Cổ phần Thuận Thảo, chạy tuyến Tuy Hòa - TP HCM gần 10 năm nay nhưng cứ chuẩn bị lên đèo Cả là anh lại thấy “lành lạnh”. “Qua đèo, cánh tài xế phải tập trung tối đa. Địa hình cao, liên tục cua gấp và khuất tầm nhìn nên tôi không chỉ lo cho xe mình mà còn trông cả xe chạy ngược chiều. Mình chạy đúng tốc độ, đúng làn đường chưa hẳn đã an toàn. Qua cua mà xe ngược chiều phóng lên, vượt tuyến là dính ngay” - tài xế Lim nói.

Bị tai nạn, lao xuống vực ở đèo Cả thì khả năng sống sót rất thấp. Đấy là chưa kể vào mùa mưa, đất đá từ trên núi sạt lở đổ ập xuống đường. “Qua đèo cứ thấp thỏm, không biết bị chôn sống lúc nào” - tài xế Lim kể.

Theo đại tá Nguyễn Phi Lương, nhiều vụ xe rơi xuống vực, nát bét, nhà xe tìm đến chỉ mang được phụ tùng trở về. Người viết bài nhiều năm nay vẫn còn ám ảnh về đôi mắt của một người cha trẻ quê huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vào một buổi chiều tà ở lưng chừng đèo cuối năm 2011. Vợ anh chở 2 con nhỏ về Phú Yên ăn giỗ, trên đường đi đã bị một xe đầu kéo chở bên trên một xe múc bị tụt đèo cán nát. Lúc hay tin, anh chạy ra nhìn thi thể 2 con mà không thể khóc vì quá bất ngờ. Đến khi người nhà báo tin vợ anh vừa trút hơi thở cuối cùng ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, anh ngã khuỵ.

Thiết kế không phù hợp

Anh Trần Công Tuấn, tài xế xe đông lạnh chạy tuyến Bình Định - TP HCM, cho biết nhiều đoạn trên đèo Cả được thiết kế không phù hợp. Ở những đoạn cua gấp, độ nghiêng của mặt đường thấp nên nếu xe chạy nhanh rất dễ bị lật. Lực lượng chức năng đã lắp hệ thống kính lồi để tài xế có thể quan sát được xe chạy ngược chiều nhưng các kính này giờ chẳng còn nhìn thấy nữa.

Đại tá Nguyễn Phi Lương thừa nhận đèo Cả là con đèo nguy hiểm nhất trong khu vực. Năm 2012 xảy ra nhiều vụ TNGT nhất với gần 40 vụ. Do đường hẹp, mỗi vụ tai nạn nếu xử lý chậm 15 phút sẽ xảy ra ùn tắc hàng cây số mỗi chiều. Trung bình, mỗi vụ TNGT xảy ra trên đèo Cả phải mất một ngày để giải phóng hiện trường.

Những cung đường chết chóc: Qua đèo Cả, không dám ngủ - 2

Gặp xe chạy ngược chiều lấn tuyến, một xe khách đã lao xuống vực ở đèo Cả

Theo đại tá Lương, phần lớn các vụ TNGT trên đèo Cả đều do vượt ẩu và không giảm tốc độ khi qua cua. Trong đó, 2 cua nguy hiểm nhất là Hoàng Long và Đá Đen đều đã gắn biển báo giảm tốc độ dưới 20 km/giờ nhưng nhiều tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, gây tai nạn.

“Ở cua Hoàng Long, trước đây độ siêu cao (độ nghiêng mặt đường - PV) thấp, trong khi cả 2 mái núi đổ dồn xuống điểm cua này nên xe dễ bị lật. Chúng tôi kiến nghị mãi thì ngành giao thông mới sửa lại điểm cua này” - đại tá Lương nói thêm.

Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cũng thừa nhận các kính lồi do ngành giao thông lắp ở đèo Cả gần 10 năm qua đã xuống cấp, lớp thủy kính bị bong tróc nên khó nhìn thấy xe chạy ngược chiều. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc lắp kính lồi ở đây là “con dao 2 lưỡi”. Nhiều tài xế liếc nhìn kính lồi không thấy xe ngược chiều, đạp ga, lấn tuyến vọt lên rất dễ gây tai nạn. Vì bán kính nhìn thấy được trong kính lồi không lớn, gặp xe ngược chiều đang đổ đèo, chạy nhanh là không phát hiện được.

Để hạn chế TNGT trên đèo Cả, đại tá Lương cho rằng không còn cách nào khác là cắt cử lực lượng liên tục tuần tra, hụ còi báo động để cánh tài xế dè chừng CSGT mà không dám vượt ẩu, chạy quá tốc độ. “Chúng tôi đã thành lập một tổ CSGT gồm 6 chiến sĩ chuyên tuần tra trên đèo Cả, mỗi lần tuần tra có 2 người và luân phiên tuần tra 24/24 giờ. Như vậy mới mong giảm TNGT trên đường đèo này” - ông Lương nói.

“Dài cổ” chờ hầm đèo Cả

Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả dài 13,4 km đã được khởi công vào tháng 11-2012 và dự kiến hoàn thành trong quý II/2014 với tổng mức dự toán trên 15.600 tỉ đồng. Do thiếu vốn, dự án triển khai chậm so với kế hoạch.

Tại cuộc họp thúc đẩy tiến độ dự án vào tháng 9-2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá dự án chậm 13 tháng so với hợp đồng đã ký kết nên yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư) phải bảo đảm tiến độ để hoàn thành đúng quý II/2016. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện chủ đầu tư cho biết dự án chỉ có thể hoàn thành vào đầu năm 2017.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN