Những chuyện khóc cười ở khu cách ly

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Bác sỹ lên đường làm nhiệm vụ khi mẹ mình chuẩn bị được đưa vào phòng mổ; nam nữ du học sinh đòi… ở chung phòng hay các nhân viên tình nguyện và bác sỹ nhiều bữa phải nhai mì tôm vì người cách ly ăn hết cơm… là những chuyện có thật xảy ra tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM - khu cách ly tập trung lớn nhất cả nước trong những ngày ứng phó với đại dịch COVID-19.

Người dân và các du học sinh luôn được quan tâm hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ trong thời gian cách ly

Người dân và các du học sinh luôn được quan tâm hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ trong thời gian cách ly

Vỡ trận…

Chúng tôi được phép vào Ký túc xá Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM giữa trung tuần tháng 4 khi khu cách ly tập trung quy mô lớn nhất cả nước đã giải quyết cho hơn 6.000 người trở về nhà sau khi đã hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày. Trong phòng điều hành của tòa nhà AH1, bác sỹ Đặng Thanh Hào (28 tuổi, khoa ngoại 3), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Ung bướu TPHCM đang tất bật vệ sinh, thu dọn những chiếc ghế xếp dã chiến được bố trí làm giường ngủ cho các bác sỹ trong khu cách ly.

Hào kể, Bệnh viện Ung bướu TPHCM điều động 23 nhân viên y tế xuống trực chiến tại ĐHQG TPHCM. Ban giám đốc bệnh viện lập 3 kíp trực, mỗi kíp 7 người. Kế hoạch ban đầu là điều động từng kíp xuống tác chiến. Kíp này xong đến kíp khác lên thay. Ngày đầu (21/3), kíp của Hào nhận lệnh lên đường. Xuống đến nơi mới tá hỏa. Hôm đó, khu cách ly ĐHQG TPHCM tiếp đón gần 1.700 người, kíp trực chỉ có 7 bác sỹ làm không xuể. Thế là vỡ trận…

Lực lượng dân quân hối hả hướng dẫn và đưa người cách ly lên nhận phòng. Các bác sỹ lo tập trung đo thân nhiệt, lấy lời khai y tế ban đầu… của người được cách ly. Đến hơn nửa đêm mọi việc mới xong. Lúc nhập dữ liệu vào máy tính, các bác sỹ mới giật mình vì phát hiện có hai phòng nam - nữ ở chung. Vậy là một nhóm phải lo rà soát tìm phòng còn trống. Nhóm còn lại lên gõ cửa từng phòng đề nghị các bạn tách ra, nam nữ bố trí ở hai phòng riêng. Kiếm mãi mới được hai phòng trống thì có hai cặp ở một phòng đồng ý tách. Riêng phòng có 5 du học sinh (3 nam, 2 nữ) lại không muốn.

Các bác sỹ chia tay với chiến sỹ dân quân tự vệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ

Các bác sỹ chia tay với chiến sỹ dân quân tự vệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ

Cho phép nam nữ ở chung là sai quy định. Hơn nữa, các du học sinh nói trên đi trên các chuyến bay khác nhau, nếu ở chung nguy cơ lây nhiễm chéo là hoàn toàn có thể xảy ra. Bác sỹ Đoàn Thanh Hào nhớ lại: “Các bạn giận dỗi, bày tỏ thái độ với các bác sỹ bằng cách đem hết va ly, hành lý xuống dưới sảnh ngồi… cả đêm, mặc cho muỗi đốt và các bác sỹ đến thuyết phục. Đến sáng hôm sau, thấy ban điều hành khu cách ly kiên quyết, các bạn trẻ mới miễn cưỡng đồng ý”.

Bác sỹ Nguyễn Nho Hoàng Nam (28 tuổi, khoa cấp cứu BV Ung bướu TPHCM) là một trong 7 bác sỹ đến ĐHQG TPHCM ngày đầu. Anh kể: “Đêm cuối cùng lưu lại khu cách ly, cả 5 du học sinh trên nói không ngủ. Họ lân la xuống tầng trệt, thấy các bác sỹ đang dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị hậu cần bèn lẳng lặng vào giúp dọn rác, dọn bàn ghế… Mới 6 giờ sáng các bạn đã xuống xin chụp ảnh với các bác sỹ làm kỷ niệm. Trước lúc lên xe, cả 5 du học sinh dúi vào tay các bác sỹ 5 lá thư cảm ơn. Có lẽ sau 14 ngày này, các bạn cũng hiểu được sự vất vả của tụi em”.

Vì khu cách ly là ký túc xá, được chuẩn bị và đưa vào sử dụng quá gấp gáp, trong những ngày đầu, các vật dụng sinh hoạt trang bị chưa đầy đủ. Trong khi đó, đa phần những người đến đây thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế, thậm chí giàu có nên nhiều người không thoải mái, thậm chí không hợp tác với các nhân viên hỗ trợ. Họ gọi điện nhờ người nhà tiếp tế đồ từ bên ngoài vào. Càng về sau, cơ sở vật chất đầy đủ hơn. Tận mắt nhìn thấy sự tận tâm của các nhân viên phục vụ và  đội ngũ bác sỹ nên bà con thân thiện, cảm tình.

Trong khu cách ly, các bác sỹ lập một bàn tư vấn để trực tiếp khám bệnh, tư vấn khi người dân gặp vấn đề về sức khỏe. Bác sỹ Đặng Thanh Hào kể trong khu cách ly có hơn 10 phụ nữ mang thai. Ngoài sữa tươi, trái cây, thi thoảng các bác sỹ còn cầm lên những quả xoài chua cho các chị ăn đỡ thèm. Bàn tư vấn sức khỏe trở thành một cửa hàng tạp hóa, cung cấp miễn phí từ giấy vệ sinh cho đến ly cà phê đá. 

Những hy sinh  thầm lặng...

Bác sỹ Đặng Thanh Hào cho biết đến ngày thứ hai bệnh viện điều động lên đủ quân số nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho gần 2.000 người đối với 23 bác sỹ vô cùng chật vật. Mỗi ngày, người đang cách ly được đo thân nhiệt hai lần. Các bác sỹ làm quần quật suốt hơn 4 tiếng. Làm thủ tục nhập trại đã cực, thủ tục giải quyết cho bà con trở về càng cực hơn. Kết quả xét nghiệm gởi về trại lúc 23 giờ đêm. Các nhân viên phục vụ, y tế thức trắng đêm để làm công việc hậu cần như in giấy xác nhận, đóng mộc, ký tên, dọn dẹp vệ sinh… 

Có một bí mật ít ai biết là lúc bác sỹ Nam nhận nhiệm vụ khó khăn này và đang cùng các đồng nghiệp tất bật chăm sóc cho hàng nghìn người trong khu cách ly cũng là lúc mẹ anh được các đồng nghiệp ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM đưa vào phòng mổ. Nam chia sẻ, nhận lệnh đi lòng anh như lửa đốt. Cảm giác bồn chồn lo lắng về tình hình sức khỏe của mẹ.

“Mình không thể ngồi chờ lúc mẹ được đưa từ trong phòng mổ ra, không được tự tay chăm sóc trong giai đoạn hậu phẫu… Cũng may mẹ mổ ở bệnh viện mình đang làm việc nên lãnh đạo bệnh viện và các đồng nghiệp thay mình chăm sóc mẹ nên mình cũng cảm thấy yên tâm”, Nam nói.

Nhiều bác sỹ ở khu cách ly vẫn nhớ đến trường hợp một bà cụ trên 70 tuổi trở về từ Hàn Quốc. Cụ bị bệnh mất trí nhớ tạm thời và đôi lúc còn không kiểm soát được hành vi. Người nhà đặt vé cho cụ về Việt Nam và khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất được đưa thẳng về khu cách ly tập trung tại ĐHQG TPHCM vào ngày 21/3. Bố trí vào phòng nào cụ cũng không nhớ, cứ đi loanh quanh rồi lại xuống cầu cứu các nhân viên y tế. Có lúc cụ còn quên cả tên mình. May mắn là các nhân viên y tế trong khu cách ly tìm được một phòng trống và phòng kế bên có hai cô gái tình nguyện sang ở cùng để chăm sóc cho bà cụ tội nghiệp. Vậy là, để cụ khỏi đi loanh quanh hỏi đường về, các bác sỹ bèn làm một thẻ riêng cho cụ, ghi rõ số phòng và đến lúc sắp hoàn thành thời hạn cách ly phải tiếp tục liên lạc với người nhà bên Hàn Quốc để xin số điện thoại người thân của cụ ở Việt Nam, sau đó sắp xếp xe đưa cụ về nhà ở tỉnh Tiền Giang.

Xúc động nhất chính là lúc chia tay. Các bác sỹ trẻ thú nhận khi bà con được giải quyết cho về nhà, các anh rất vui nhưng với nhiều người, ẩn sâu bên trong là một cảm giác trống trải khó tả. Còn với những người đã trải nghiệm 14 ngày khó quên trong khu cách ly, rất nhiều người đã không kìm được nước mắt. Rất nhiều lá thư được viết vội và dúi vào tay các cán bộ chiến sỹ, bác sỹ thay cho lời cảm ơn. Một lá thư khác ghi là của tập thể A12 gửi cho các bác sỹ có đoạn “Cảm ơn mấy anh đã chịu thương, chịu khó mấy ngày qua. Cảm ơn mấy anh ngày ba bữa chạy lên chạy xuống đưa đồ ăn cho mọi người. Cảm ơn mấy anh thức cả đêm nóng nực sắp xếp phòng cho mọi người…”.

Bác sỹ Đặng Thanh Hào đọc thư cám ơn của người vừa hoàn thành thời gian cách ly

Bác sỹ Đặng Thanh Hào đọc thư cám ơn của người vừa hoàn thành thời gian cách ly

Nhường cơm cho người đang cách ly Bác sỹ Nguyễn Nho Hoàng Nam cho biết khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sỹ, các bác sỹ và những người đang cách ly là như nhau. Tuy nhiên, do số lượng người quá đông, cơm đưa đến từng đợt phải ưu tiên chuyển cho bà con trước. Một số trường hợp ăn rất khỏe, thường xin thêm một suất nên sau khi bà con ăn xong thì khẩu phần cơm của cán bộ chiến sỹ và bác sỹ bị thiếu. Một số người phải ăn mì gói thay cơm.  

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam còn 37 ca dương tính với SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h sáng ngày 30/4, đã 14 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN