Nhìn lại vụ học sinh gãy chân, hiệu trưởng bị “tố” vô cảm

Nam sinh lớp 2 kể với bố mẹ nguyên nhân gãy chân là do va chạm với ô tô chở hiệu trưởng nhưng cô hiệu trưởng khẳng định, không nhìn thấy tai nạn.

Nhìn lại vụ học sinh gãy chân, hiệu trưởng bị “tố” vô cảm - 1

Cháu Trần Chí Kiên phải nghỉ học, nằm nhà do tai nạn gãy chân trong trường học

Học sinh nói bị ô tô đâm, trường khảo sát bác bỏ

Sáng 1.12.2016, gia đình anh Trần Chí Dũng - phụ huynh của cháu Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4, Trường tiểu học Nam Trung Yên) nhận được điện thoại của giáo viên trường cháu Kiên thông báo, trong lúc chơi ở sân trường cháu Kiên bị ngã gãy chân, đang được các cô đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên, theo anh Dũng, cháu Kiên nói với bố mẹ, cháu bị gãy chân sau va chạm với chiếc ô tô di chuyển trong sân trường, trên xe có cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và cô giáo khác.

Quá bất ngờ vì sự việc, anh Dũng đã liên hệ với nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân thì sau hơn một tuần nhà trường vẫn từ chối trách nhiệm và tiến hành khảo sát học sinh toàn trường về vụ việc.

Về phía nhà trường, trong báo cáo gửi Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy về sự việc cháu Kiên, Trường tiểu học Nam Trung Yên cho biết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, nhà trường đã tiến hành phát phiếu khảo sát. Kết quả cho biết, 100% cán bộ, giáo viên và bảo vệ khẳng định, không có xe ô tô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi. Nếu có hiện tượng học sinh ngã là do nô đùa, đuổi nhau chạy quá nhanh, quá mạnh.

Ngày 6.2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy xem xét đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ vụ việc. Công an Hà Nội sau đó đã vào cuộc điều tra.

Đầu tháng 2, anh Trần Chí Dũng cho biết, gia đình ông Trần Quốc Tuấn (sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người được cho là lái xe taxi đâm cháu Kiên gãy chân) đã liên hệ với gia đình anh để thăm hỏi và xin lỗi về sự việc xảy ra với cháu Kiên.

Hiệu trưởng và giáo viên bất nhất

Sau khi dư luận phản ứng cho rằng, bà Ngọc và giáo viên Trường tiểu học Nam Trung Yên thiếu trung thực trong vụ việc cháu Kiên bị gãy chân, ngày 13.2, Trường tiểu học Nam Trung Yên đã gửi đến nhiều cơ quan báo chí “Bản báo cáo sự việc đề nghị xem xét” trong đó có chữ ký của bà Tạ Thị Bích Ngọc.

Theo báo cáo này, sáng 1.12.2016 (hôm xảy ra tai nạn với cháu Trần Chí Kiên), bà Ngọc đã nhờ bà Nguyễn Thị Hương (Phó hiệu trưởng nhà trường) gọi taxi đi bệnh viện khám bệnh.

Khi về tới trường, vì người mệt nên bà Ngọc và bà Hương đi xe taxi vào trường từ cổng sau. Trong quá trình ngồi trên xe, bà Ngọc khẳng định không có hiện tượng va chạm vào bất kỳ học sinh nào trong trường nên trở về phòng làm việc bình thường.

Sau đó, bà Ngọc đang ở phòng làm việc thì được giáo viên báo cháu Kiên bị ngã. Do đang mệt nên bà Ngọc phân công bà Hương giải quyết.

Bà Ngọc cũng khẳng định với báo chí, bà không lái xe ô tô vào trong trường, không ngồi trong chiếc xe va chạm với cháu Kiên và cũng không nhìn thấy chiếc xe va chạm với cháu Kiên.

Theo bà Ngọc, việc trường phát phiếu điều tra lấy ý kiến 100% học sinh, giáo viên là do cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm của học sinh Kiên tiếp thu mong muốn của phụ huynh và phản ánh lại với ban giám hiệu chứ không phải là ý tưởng của trường.

Tuy nhiên, ngày 16.2, cô Trần Thị Thu Nhung lên tiếng khẳng định, ban giám hiệu nói cô là người đã tư vấn thực hiện khảo sát lấy ý kiến nguyên nhân cháu Kiên gặp tai nạn là sai sự thật.

Công Nhung cũng thừa nhận sai lầm khi ký vào bản tường trình về vụ việc học sinh Kiên bị ngã gãy chân tại sân sau của trường bởi thời điểm học sinh bị ngã, cô Nhung không được chứng kiến tận mắt.

Nhìn lại vụ học sinh gãy chân, hiệu trưởng bị “tố” vô cảm - 2

Phiếu khảo sát của Trường Tiểu học Nam Trung Yên về trường hợp của cháu Kiên để lấy kết quả báo cáo Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy

Phụ huynh và giáo viên đồng loạt phản đối

Ngày 17.2, gia đình anh Trần Chí Dũng đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và các cơ quan truyền thông báo chí cho rằng, bà Tạ Thị Bích Ngọc đã báo cáo thiếu trung thực.

Anh Dũng khẳng định, không hề đề nghị nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Kiên thực hiện khảo sát tìm nguyên nhân cháu gặp tai nạn.

Anh Dũng cũng cho rằng, bà Ngọc và nhà trường cố tình trốn tránh trách nhiệm khi bà Ngọc và bà Hương người ngồi trên xe taxi đi vào trường, là người biết chắc chắn có xe ô tô đi vào trường ngày hôm đó nhưng vẫn nằm trong số 100% giáo viên nhà trường khi được khảo sát, khẳng định không có ô tô nào đi vào trường sáng ngày 1.12.2016.

Ngày 18.2, 18 giáo viên Trường Tiểu học Nam Trung Yên gửi “Thư bày tỏ” phản đối những điểm chưa đúng sự thật trong vụ học sinh bị gãy chân.

Theo “Thư bày tỏ” của 18 giáo viên, trước khi lấy khảo sát học sinh, bà Hương đã phổ biến với học sinh mục đích của việc khảo sát nhằm phục vụ báo cáo về an toàn trường học và thanh tra của sở. Trước khi khảo sát, các giáo viên này không biết gì về vụ tai nạn của cháu Kiên.

Việc phản ảnh 100% giáo viên trong trường nhất trí với hiện tượng không có xe taxi chở cô Hiệu trưởng và Hiệu phó gây tai nạn cho học sinh là không đúng sự thật.

Về bản “Báo cáo sự việc cần xem xét” gửi cơ quan báo chí nhân danh tập thể cán bộ giáo viên nhà trường là không đúng, bởi sự thực là chỉ có 3 người ký vào tài liệu đó, gồm hiệu trưởng, hiệu phó và chủ tịch công đoàn trường. Các giáo viên đều khẳng định, họ không hề biết đến nội dung trong bản báo cáo.

Liên quan đến sự việc trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã có yêu cầu các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội sớm kết luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN