Nhật thực hình khuyên siêu hiếm gặp diễn ra vào ngày 21/6 có gì đặc biệt?

Sự kiện: Tin ngắn

Hiện tượng nhật thực hình khuyên rất hiếm gặp sẽ diễn ra vào ngày 21/6 tới đây thu hút sự chú ý của những người yêu thiên văn học.

Ba dạng cơ bản nhất của nhật thực, trong đó, nhật thực hình khuyên là hiếm gặp nhất. Ảnh VACA.

Ba dạng cơ bản nhất của nhật thực, trong đó, nhật thực hình khuyên là hiếm gặp nhất. Ảnh VACA.

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), ngày 21/6 tới đây sẽ diễn ra hiện tượng thiên văn học đáng chú ý nhất năm 2020, đó là nhật thực hình khuyên. Đây sẽ là hiện tượng thiên văn kỳ thú của không chỉ riêng năm nay mà còn là hiện tượng hiếm gặp trong nhiều năm tới.

Ông Sơn giải thích, nhật thực chỉ xảy đến khi Mặt trời bị Mặt trăng che khuất một phần hoặc là hoàn toàn. Lúc này, Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất sẽ nằm trên một đường thẳng hoặc gần thẳng hàng nhau.

Ngoài 2 dạng nhật thực cơ bản là nhật thực toàn phần và nhật thực một phần, còn có một dạng nhật thực hiếm gặp hơn cả là nhật thực hình khuyên.

“Nhật thực xảy ra khi toàn bộ Mặt trăng đi vào khu vực đĩa sáng của Mặt trời nhưng do sai lệch về khoảng cách nên nó không che hết Mặt trời mà để lộ ra một vành sáng giống như một chiếc khuyên”, ông Sơn chia sẻ.

Dù là hiện tượng khá hiếm gặp nhưng ông Sơn cho rằng, nhật thực ngày 21/6 tới đây, tại Việt Nam không quan sát được nhật thực hình khuyên mà chỉ quan sát được nhật thực một phần.

Các quốc gia có thể quan sát được nhật thực hình khuyên gồm: Cộng hòa Trung Phi, Congo, Ethiopia, phía Nam Pakistan, phía Bắc Ấn Độ, một phần Trung Quốc.

Lịch trình diễn ra nhật thực tại Việt Nam vào ngày 21/6 tới đây. Ảnh VACA.

Lịch trình diễn ra nhật thực tại Việt Nam vào ngày 21/6 tới đây. Ảnh VACA.

Tại Việt Nam, dù không thể quan sát được nhật thực hình khuyên nhưng những người yêu thiên văn học vẫn có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần với độ che phủ không hề nhỏ.

Khu vực Hà Nội, hiện tượng này sẽ bắt đầu vào lúc 13h16 và đạt cực đại lúc 14h55 với độ che phủ lớn nhất đạt 71%. Dự kiến, nhật thực sẽ kéo dài đến 16h18.

Ở TP.HCM, nhật thực bắt đầu từ 13h37, đạt cực đại lúc 15h05 với tỷ lệ che phủ chỉ đạt 36% và kết thúc vào lúc 16h18.

Còn tại Đà Nẵng, nhật thực bắt đầu vào lúc 13h30 với tỷ lệ che phủ khi cực đại đạt 56%.

Chủ tịch VACA cho biết thêm, hiện tượng nhật thực với độ che phủ lớn như lần này không hề diễn ra nhiều trong tương lai gần. Trong khi người quan sát ở phía Nam sẽ có cơ hội quan sát được 3 lần nhật thực trong vòng 10 năm tới vào các năm 2022, 2026 và 2029 thì khu vực phía Bắc sẽ không có nhật thực nào khác trong một thập kỷ tới. Hai lần nhật thực ở phía Bắc vào tháng 7/2028 và tháng 1/2030 sẽ có độ che phủ không đáng kể. Nhật thực đáng chú ý tiếp theo với người ở khu vực phía Bắc sẽ diễn ra vào 5/2031 (tức 11 năm nữa).

Để quan sát được nhật thực lần này, ông Sơn cho hay, người người xem không nên quan sát trực tiếp bằng mắt thường mà cần sử dụng các loại kính chuyên dụng như kính lọc sáng dành cho mắt hoặc lớp lọc chuyên dụng dành cho kính thiên văn.

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh “trăng máu” tại Việt Nam do nguyệt thực toàn phần rạng sáng 28/7

Từ 2h30 đến 4h13 rạng sáng 28/7, toàn bộ Mặt Trăng đã nhuộm màu đỏ cam trông khá lạ mắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN