Nhật “mệt nhoài” vì chiến đấu cơ Trung, Nga quấy nhiễu

Số lần Nhật phải triển khai chiến đấu cơ để chống lại máy bay quân sự Trung Quốc "quấy nhiễu" ở sườn phía Nam cũng như máy bay ném bom và do thám Nga ở phía Bắc đã gia tăng lên mức kỷ lục.

Bộ Quốc phòng Nhật hôm nay cho hay, các máy bay quân sự Trung Quốc đã gia tăng hoạt động "quấy nhiễu" không phận nước này trong và xung quanh biển Hoa Đông - nơi Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nhật, trong 9 tháng cuối năm 2014, nước này đã phải triển khai chiến đấu cơ 744 lần, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhật “mệt nhoài” vì chiến đấu cơ Trung, Nga quấy nhiễu - 1
Số lần Nhật phải triển khai chiến đấu để chống lại sự quấy nhiễu của máy bay quân sự Trung, Nga ngày càng tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Trong đó, số lần chiến đấu cơ Nhật phải chạm trán với các máy bay quân sự Trung Quốc tính riêng trong quý 4 của năm 2014 tăng vọt lên 164 lần, nhiều nhất kể từ năm 1958.

Với tốc độ này, đến ngày 31.3 - thời điểm kết thúc năm tài khóa, số lần Nhật Bản phải triển khai chiến đấu cơ để bảo vệ không phận sẽ vượt quá con số 944 lần - mức đỉnh cao như thời Chiến tranh Lạnh.

 Trong 3 tháng qua, Nhật phải triển khai chiến đấu cơ 369 lần để đối phó với các máy bay quân sự Nga - tăng gấp 4 lần so với một thập kỷ trước.

Nhật và Nga có tranh chấp lãnh thổ đối với 4 đảo nhỏ thuộc quần đảo Nam Kuril (theo cách gọi của Nga) hay Vùng lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của Nhật Bản). Đảo Hokkaido của Nhật nằm gần các đảo tranh chấp trên.

Bộ Quốc phòng Nhật cho hay, khi Nhật phải rút bớt lực lượng tại Hokkaido để tập trung đối phó với các mối đe dọa nghiêm trọng trước mắt  từ sự quyết đoán hơn của Trung Quốc ở phía Tây Nam, Nga cũng tăng cường triển khai máy bay quân sự, chủ yếu là máy bay ném bom và do thám "quấy nhiễu" tại phía Bắc nước này.

Để tăng cường khả năng bảo vệ vùng trời và vùng biển, Nhật Bản đang mua sắm thêm máy bay vận tải chở quân Osprey của Boeing, chiến đấu cơ tàng hình F-35 của tập đoàn Lockheed Martin, các chiến xa lội nước cũng như nhiều trang thiết bị quân sự khác.

Trước đó, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục với 42 tỷ USD.

Đây là năm thứ ba liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quốc phòng kể từ khi ông Abe trở lại vị trí Thủ tướng vào tháng 12.2012, chấm dứt 11 năm liên tiếp cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Phát biểu về việc ngân sách quốc phòng đạt mức kỷ lục, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh: "Tình hình xung quanh Nhật Bản đang thay đổi. Các khoản chi phí phải được nâng cao đến mức cần thiết để bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ  Nhật Bản cũng như để bảo vệ người dân và tài sản của họ".

Theo đó, dự thảo ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm tài khóa 2015-2016 lên tới 5.000 tỷ yên (42 tỷ USD) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4, tăng khoảng 2,8% so với năm tài khóa sắp kết thúc.

Với ngân sách quốc phòng tăng, Nhật có kế hoạch mua sắm thêm hàng loạt trang thiết bị quân sự mới, gồm máy bay cảnh báo sớm, 20 máy bay săn ngầm P-1, máy bay chiến đấu thế hệ 5 F -35, trực thăng vận tải cánh xoay V -22 và hàng chục xe đổ bộ thủy-bộ dành cho đơn vị mới có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa xôi.

Ngoài ra, Nhật còn mua thêm các máy bay không người lái tầm xa Global Hawk được lên kế hoạch triển khai vào năm 2019, tàu khu trục trang bị hệ thống radar Aegis, cũng như phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa với Mỹ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN