Nhật khẩn cầu Trung Đông cứu tính mạng con tin

Nhật Bản đang có những động thái nước rút để huy động mọi nguồn lực cứu lấy tính mạng của 2 con tin đang bị phiến quân IS dọa giết.

Ngày 21/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia Trung Đông để có thể cứu lấy tính mạng của 2 con tin người Nhật đang bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) dọa giết nếu Tokyo không nộp 200 triệu USD tiền chuộc trong 72 giờ.

Sau khi IS tung video dọa chặt đầu 2 con tin người Nhật, ông Abe đã liên tục có các cuộc trao đổi với Vua Abdullah của Jordan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi trong một nỗ lực nước rút nhằm cứu tính mạng của 2 công dân này.

Nhật khẩn cầu Trung Đông cứu tính mạng con tin - 1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực để cứu lấy tính mạng 2 con tin trong tay IS

 

Trong đoạn video tung lên mạng hôm 20/1, IS đe dọa sẽ chặt đầu 2 con tin này nếu Nhật Bản không chịu trả số tiền chuộc trên, đúng bằng số tiền mà ông Abe cam kết sẽ hỗ trợ các quốc gia tham gia chiến dịch quân sự chống IS ở Iraq và Syria.

Tối hậu thư do IS đưa ra có thể sẽ khiến Nhật Bản tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống IS, đồng thời làm dấy lên làn sóng phản đối trong dư luận Nhật Bản phản đối những động thái của ông Abe nhằm tăng cường vai trò của quân đội Nhật ở nước ngoài.

Ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo nhận định: “Chủ nghĩa khủng bố và các tình huống bắt cóc con tin của Trung Đông đang châm ngòi cho những phản ứng trong lòng Nhật Bản, gây bất lợi cho chính sách đối ngoại hiện nay của ông Abe”.

Trong khi đó, ông Masahiko Komura, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe khẳng định rằng Nhật Bản sẽ không trả bất cứ khoản tiền chuộc nào cho những kẻ khủng bố.

Về phần mình, ông Abe đã cắt ngắn chuyến công du Trung Đông kéo dài 6 ngày của mình để trở về nước giải quyết cuộc khủng hoảng con tin. Cho đến nay, ông Abe tuyên bố rằng việc đảm bảo tính mạng cho 2 con tin là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản.

Trước khi rời Trung Đông, ông Abe cũng nhấn mạnh rằng việc IS bắt 2 người Nhật làm con tin là hành động không thể tha thứ được và yêu cầu IS phóng thích họ ngay lập tức. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ phi quân sự cho các quốc gia tham gia cuộc chiến chống IS.

Hai con tin Nhật là ai?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản và lên án hành động bắt cóc con tin đòi tiền chuộc của IS.

Nhật khẩn cầu Trung Đông cứu tính mạng con tin - 2
Hai con tin người Nhật xuất hiện trong đoạn video của IS

 

Chính phủ Nhật đã xác nhận danh tính của 2 con tin đang nằm trong tay IS là nhà báo Kenji Goto và nhà thầu quân sự tư nhân Haruna Yukawa, người đã thành lập một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ an ninh ở Iraq.

Nhà báo Goto đã đến Syria từ tháng 10 năm ngoái để đưa tin về cuộc sống của dân thường trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát và tìm cách giúp đỡ người đồng hương Yakawa bị IS bắt làm con tin trước đó vài tháng. Anh đã bị IS bắt làm con tin ở thành phố Raqqa, sau đó chuyển đến thành phố Mosul ở miền bắc Iraq.

Con tin Yukawa tới Trung Đông dường như để tìm kiếm cơ hội làm ăn sau khi chịu nhiều thua lỗ ở Nhật trong 10 năm qua. Ông này đã mất vợ, mất công ty và từng tìm cách tự tử khi phải sống trong cảnh khốn quẫn trong công viên suốt một tháng.

Đến năm ngoái, Yukawa gom góp tiền đến Iraq để làm một chuyên gia tư vấn an ninh và đã đăng nhiều đoạn video trên YouTube về quá trình làm việc ở đây.

Kế hoạch quốc phòng của Nhật

Việc IS bắt 2 con tin người Nhật để đòi tiền chuộc có thể làm phức tạp hóa nỗ lực của ông Abe nhằm nới lỏng các quy định của hiến pháp để có thể tăng cường vai trò của quân đội Nhật Bản. Vừa qua, chính phủ của ông Abe đã thông qua cách giải thích hiến pháp mới, cho phép quân đội Nhật được triển khai ở nước ngoài để bảo vệ đồng minh.

Nhật khẩn cầu Trung Đông cứu tính mạng con tin - 3
Con tin Haruna Yukawa (phải) trước khi bị bắt làm con tin ở Iraq

 

Chuyên gia Nakano nhận định việc Nhật Bản tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống khủng bố ở cách xa đất nước mình hàng ngàn cây số có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các kế hoạch của ông Abe, đặc biệt là trước phản ứng của dư luận nước này.

Tuy nhiên, tình huống bắt cóc con tin này cũng tạo cho ông Abe một cơ hội để chứng tỏ với người dân Nhật Bản rằng nguy cơ khủng bố đối với họ là hiện hữu, và các chính sách đối ngoại hiện nay của ông là phù hợp.

“Ở một mức độ nào đó, ông Abe có thể lập luận rằng cuộc khủng hoảng con tin này là một trong những lý do khiến Nhật Bản phải tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”, ông Nakano nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN