Nguy cơ vỡ đập hồ Núi Cốc: Chốt phương án khắc phục

Sự kiện: Thái Nguyên Tin nóng

Các cơ quan chức năng đã thống nhất phương án và đang thực hiện công tác khắc phục sự cố thấm, gãy ở đập hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

Nguy cơ vỡ đập hồ Núi Cốc: Chốt phương án khắc phục - 1

Chủ đầu tư đang thực hiện các phương án để xử lí sự cố thấm, gãy đập hồ Núi Cốc.

Ngày 26/6, ông Đồng Văn Tự - Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi – Bộ NN&PTNT) cho biết, các đơn vị chức năng đã thống nhất và đang thực hiện công tác khắc phục sự cố thấm hồ Núi Cốc, đề phòng nguy cơ vỡ đập.

Theo đó, các đơn vị liên quan đã chốt phương án đưa ra ban đầu đó là: khoan, phụt tạo màng chống thấm cho toàn bộ thân đập; dỡ một phần tấm lát hạ lưu và làm hệ thống thoát nước cho thân đập và vai đập; khôi phục đống đá tiêu nước chân đập; khôi phục hệ thống quan trắc thấm trong thân đập và xây dựng hệ thống đo mưa…

Ngoài ra, đơn vị chủ đầu tư còn cắt cử người ứng trực, theo dõi suốt ngày đêm; lắp đặt 2 camera giám sát diễn biến trên thân đập; đồng thời có phương án ứng phó nếu mưa với lưu lượng lớn về lưu vực lòng hồ.

“Sự cố này nhỏ, thấm ở mức cho phép nên khoan, phụt để tạo màng chống thấm sẽ khắc phục được”, ông Tự nói.

Về sự cố này, TS Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON từng hiến kế, sẽ xử lý bằng phương pháp nén (tức là đổ cát lên mặt đập), để 1-2 tháng cát sẽ nén xuống và bít các lỗ thấm. Theo ông Phúc, phương pháp này rẻ hơn mà hiệu quả.

Tuy nhiên, đánh giá về kế sách này, ông Tự cho rằng: “Chưa có tiêu chuẩn quy phạm nào làm như thế. Tôi chưa thấy ở đâu xử lý như thế”.

Hiện Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên (chủ đầu tư) đã hoàn tất việc khoan thăm dò theo dõi mực nước thấm tại 5 điểm cắt trên thân đập. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành các biện pháp xử lý sự cố.

Dự tính, việc xử lý sự cố thấm thân đập công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7/2017 với vốn đầu tư ban đầu là hơn 76 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 14/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập chính hồ Núi Cốc. Theo các cơ quan chuyên môn, đập chính của Hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm vai đập phía bờ hữu từ cao trình +45m đến +46m. Một số vị trí thấm ở khu vực giữa mái hạ lưu đập với cao trình +38m, rộng khoảng 150m2.

Tại cao trình từ +42m đến +44m bờ tả có hiện tượng thấm nhiều. Rãnh thoát nước hạ lưu đập bị gãy đổ dài 200m làm tụt tấm lát mái và rãnh thoát nước chân mái hạ lưu bị đổ dài khoảng 8m. Mái lát thượng lưu có một số vị trí bị lún sụt hư hỏng cục bộ…

Hồ Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo ở Thái Nguyên, được khởi công xây dựng vào năm 1972 và được đưa vào khai thác năm 1978. Hồ có đập chính dài 480 m cùng với 6 đập phụ. Đây là công trình nằm trong danh mục 6 hồ chứa là công trình thủy lợi quan trọng cấp quốc gia.

Hồ Núi Cốc có nhiệm vụ bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp của hơn 30.000 ha hoa màu mỗi năm. Nguồn nước từ hồ phục vụ thủy lợi cho tỉnh Bắc Giang với dung lượng 30 triệu m3/năm; phục vụ sinh hoạt cho TP Thái Nguyên với dung lượng 30.000 m3/ngày; cung cấp nước cho Nhà máy Nước sạch Yên Bình với công suất 30.000-150.000 m3/ngày.

Tai họa thảm khốc nếu vỡ đập Hồ Núi Cốc

Do ở độ cao và lượng nước tích trữ lên đến 175 triệu m3, nếu vỡ đập, hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thái Nguyên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN