Nguy cơ thành tội phạm nếu xách đồ hộ ở sân bay

Luật sư khuyến cáo hành khách không xách hộ đồ, bảo quản hành lý cẩn thận khi làm thủ tục tại sân bay, tránh bị kẻ xấu lợi dụng đưa hàng hóa lạ vào vali.

Lực lượng chức năng kiểm tra vali 4 tiếp viên hàng không phát hiện có ma tuý.

Lực lượng chức năng kiểm tra vali 4 tiếp viên hàng không phát hiện có ma tuý.

Cẩn thận giúp người thành hại mình

Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã thông tin về 4 tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines mang ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Cụ thể, ngày 15/3, trên chuyến bay số hiệu VN10 từ Pháp về Việt Nam, lực lượng chức năng đã kiểm tra trực tiếp vali của 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Kết quả cho thấy 4 tiếp viên hàng không cất giấu thuốc lắc và kê-ta-min trong các tuýp kem đánh răng. Gồm 8,3kg dạng viên nén (thuốc lắc), hơn 3kg (kê-ta-min), tổng trọng lượng hơn 11,3kg.

Những người này gồm: tiếp viên trưởng Nguyễn Thanh Thuỷ, 37 tuổi; Võ Tú Quỳnh; Trần Thị Thu Ngân và Nguyễn Thu Vân.

Các nữ tiếp viên khai nhận, không biết số hàng hóa kem đánh răng này có chứa chất ma túy. Họ được thuê vận chuyển từ một người lạ mặt, tiền công vận chuyển số kem đánh răng là 10.000.000 đồng.

Trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, luật sư cũng đưa ra khuyến cáo đối với những người dân khi đi máy bay.

Luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị cho biết, những vụ việc người nhập cảnh bị phát hiện có cất giấu ma túy là rất bất lợi, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan biết hay không biết có ma túy trong hành lý được người khác nhờ gửi. Việc xác định có tội hay không sẽ được Cơ quan điều tra chứng minh bằng các chứng cứ khách quan như các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng.

Luật sư Quách Thành Lực

Luật sư Quách Thành Lực

Theo luật sư Lực, nhiều người vẫn nghĩ đơn giản là nếu không biết hàng gì thì không có tội và vô tư cầm hộ, cầm giúp hàng hóa cho người khác. Tuy nhiên, thực tế để chứng minh là cầm hộ, cầm hộ ai, trả hàng hóa cho ai như thế nào sẽ rất khó khăn nếu như bị cơ quan chức năng bắt giữ. Các đối tượng chủ sở hữu hàng cấm có thủ đoạn, hành vi rất tinh vi, xảo quyệt và phòng ngừa cả phương án bị lộ nếu có. 

Luật sư Lực khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nhận giữ giùm hay xách đồ giùm ở sân bay, cho dù người lạ có năn nỉ hay trình bày hoàn cảnh ra sao (như quên kí gửi hành lý, hành lý quá cân hay đi đăng kí để kí gửi hành lý, đi vệ sinh…), bởi chúng ta rất có thể bị lợi dụng lòng tốt và rơi vào tình cảnh "giúp người nhưng hại mình".

Luật sư Lực cho hay, tiếp viên hàng không là nghề đặc thù mà trong quy định của luật hàng không, nội quy của hãng và chương trình đào tạo, các tiếp viên không được nhận, cầm hộ đồ của người khác từ nước ngoài về Việt Nam. Quá trình đào tạo, các tiếp viên hàng không cũng được trang bị kiến thức, biện pháp an ninh cho bản thân bao gồm bảo đảm cách ly và giám sát hành lý cá nhân tránh trường hợp người xấu lợi dụng sơ hở và bỏ các vật phẩm cấm vào vali như chất gây cháy nổ, vũ khí, chất gây nghiện…

Với nghiệp vụ và chuyên môn trong nghề, các tiếp viên có đủ năng lực, nhận thức và cả kỹ năng để biết những rủi ro và hậu quả họ có thể đối mặt nếu nhận cầm hộ hàng hóa từ bất kỳ cá nhân nào.

"Ngay cả trong trường hợp nếu đây chỉ là hàng hóa bình thường và không chứa chất cấm, thì việc tiếp viên nhận vận chuyển hàng hóa hộ người khác cũng là vi phạm nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp", luật sư Lực nói.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, quy tắc của ngành hàng không là hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ. Khi đi qua khu vực làm thủ tục an ninh, soi chiếu hành lý, hành khách tuyệt đối không mang hộ đồ của người khác. Cần quan sát và đợi những người đã đi trước mình lấy xong hành lý của họ rồi mới đặt hành lý của mình lên băng chuyền, bảo đảm hành lý soi chiếu của mỗi cá nhân cần tách rời, không bị lẫn sang khay đồ của người khác.

“Tàn đời” vì xách hộ hành lý

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X nhận định, vụ việc 4 tiếp viêp “xách” ma tuý là đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý thận trọng, khách quan, đảm bảo đúng người, đúng tội.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa

Theo luật sư Nghĩa, người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp các nữ tiếp viên này không biết là chất ma túy thì vẫn có thể bị xem xét xử lý về hành vi buôn lậu hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Luật sư Nghĩa phân tích, trong nhiều vụ án bị xét xử về tội danh "vận chuyển trái phép chất ma túy" thì các bị cáo thường khai do không am hiểu pháp luật hoặc động cơ ban đầu được một số đối tượng ở trong nước hoặc nước ngoài nhờ mang giúp hành lý "xách tay" qua sân bay rồi được trả tiền công. Thế nhưng, trong hầu hết các vụ việc thì những người xách giùm đồ cá nhân, hành lý xách tay có chứa ma túy hoặc các chất cấm đều phải liên đới chịu các hình phạt nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Nghĩa viện dẫn 2 vụ án bị cáo Đặng Tuấn Vinh và Phạm Ngọc Lâm bị Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh tuyên phạt các mức án 20 năm tù; tù chung thân cùng về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy" vào tháng 8/2016; bị cáo Phạm Trung Dũng bị tuyên án tử hình đối với về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy" vào tháng 4/2016.

Quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo đều một mực khai rằng không hề biết hành lý có ma túy mà chỉ xách giúp, vận chuyển hộ hành lý cho một người không quen biết để lấy tiền công. Tuy nhiên theo HĐXX, hành vi của các bị cáo có đầy đủ bằng chứng của tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".

Nguồn: [Link nguồn]

Tin tức 24h qua: 4 tiếp viên Vietnam Airlines vận chuyển hơn 11,3kg ma túy

4 tiếp viên Vietnam Airlines vận chuyển hơn 11,3kg ma túy; Kiểm tra 13 điểm kinh doanh của F88 ở Tiền Giang;… là những tin tức nóng nhất trong ngày.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
4 tiếp viên Vietnam Airlines xách ma tuý Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN