Người Việt ngập trong bia

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về… uống bia với 3 tỉ lít trong năm ngoái và dự kiến 4,2-4,5 tỉ lít trong năm tới, bất chấp những cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe do lạm dụng loại thức uống có cồn này.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam nằm trong danh sách 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 châu Á và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Hơn 400 nhà máy bia, 30 thương hiệu bia quốc tế

Tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng trung bình 12% giai đoạn 2006-2010, tăng 13% giai đoạn 2011-2015. Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương khoảng 3 tỉ USD. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia/năm. Sản lượng bia tiêu thụ trong nước tăng đều hằng năm, từ 1,29 tỉ lít năm 2003 tăng lên 2,8 tỉ lít năm 2012 và 3 tỉ lít năm 2013. Dự báo, khả năng sản lượng bia Việt Nam có thể đạt 4,2-4,5 tỉ lít vào năm 2015.

Người Việt ngập trong bia - 1

Thị trường bia Việt Nam đang được thống lĩnh bởi những thương hiệu lớn, trong đó có Heneiken. Ảnh: TẤN THẠNH

Hiện cả nước có hơn 400 nhà máy bia. Thị trường bia Việt Nam đã hiện diện gần đủ các thương hiệu bia hàng đầu thế giới và khu vực với khoảng 30 thương hiệu bia quốc tế đang có mặt. Sức hút thị trường bia Việt Nam với nhà đầu tư ngoại là rất lớn.

Cuối năm 2013, Tập đoàn BTG Holdings (Slovakia) đã khởi công xây dựng nhà máy Bia Tiệp, công suất 190 triệu lít/năm tại KCN Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và dự kiến sẽ tung sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay. Sapporo Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Sapporo (Nhật Bản) và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) có nhà máy công suất 40 triệu lít/năm tại tỉnh Long An, đã chiếm được gần 10% thị phần bia cao cấp ở thị trường TP HCM trong năm 2013.

Sapporo đang chuẩn bị tăng công suất nhà máy lên 2,5 lần, tức 100 triệu lít/năm, sau khi đã chạy hết công suất thiết kế từ cuối năm qua và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường; dần mở rộng phạm vi kinh doanh ra các tỉnh - thành lân cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội; đẩy mạnh xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia. Thị trường bia còn tiếp nhận sự có mặt và quảng bá khá ồn ào của nhãn hiệu bia Sư Tử Trắng (sản phẩm của nhà máy bia Phú Yên của Tập đoàn Masan) và một số nhãn hiệu bia nhập khẩu như Corona Extra (Mexico), Bochka (Nga), DAD (Đức), Duvel (Bỉ)…

Tuy nhiên, cuộc chiến thị trường bia chủ yếu vẫn đang nghiêng về các thương hiệu nội địa đang nắm giữ thị phần lớn, chủ yếu là sự so kè giữa 2 ông lớn là Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Nhà máy Bia Việt Nam (Heineken).

Hãng nào cũng tăng sản lượng, tăng doanh số

Năm 2013, mặc dù cạnh tranh khốc liệt và những tác động từ chính sách khiến một số hãng bia thu hẹp thị phần nhưng nhìn chung, lợi nhuận các doanh nghiệp bia vẫn tăng trưởng. Điển hình là Sabeco sản xuất và tiêu thụ 1,32 tỉ lít bia Sài Gòn các loại, đạt doanh thu hơn 28.000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012, lợi nhuận trước thuế đạt 3.579 tỉ đồng.

Năm 2014, xác định đối diện với nhiều biến động về giá cả nguyên liệu, chi phí vận chuyển, thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt tăng) nhưng Sabeco vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng. Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Sabeco, cho biết đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2014 là sản lượng tăng 1%, doanh thu tăng 6%, lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 3%. So với những năm trước, áp lực năm nay rất căng thẳng. Trong chiến lược của mình, Sabeco tăng tiêu thụ và sản phẩm giá trị cao.

Sau 2 năm từ 2012 đến nay, bia Sài Gòn Special xanh và Sài Gòn Special lon đã tăng trưởng trên 200 triệu lít, kế hoạch năm 2014 khoảng 250 triệu lít. Thị trường hiện đang cháy hàng bia Sài Gòn Special chai. Ngoài ra, sản phẩm Saigon Gold dự kiến ra mắt thị trường cuối quý III năm nay được kỳ vọng sẽ đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm bia cao cấp khác, tham gia vào sân chơi vốn đang thuộc về một số thương hiệu như Heineken, Tiger, Carlsberg…

Mới tham gia thị trường trong thời gian ngắn, đến nay, bia Sapporo đã có mặt trên 100.000 điểm bán và được 90% người tiêu dùng TP HCM biết đến với 4 dòng sản phẩm: Sapporo Premium chai 330 ml, Sapporo Premium lon 330 ml, Sapporo Premium lon bạc 650 ml và bia tươi Sapporo Premium. Ông Hirofumi Kishi, Tổng Giám đốc Công ty Sapporo Việt Nam, đánh giá thị trường bia Việt Nam trong năm 2014 cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 10%, tương đương năm 2013. Dự kiến năm  2014-2015, Sapporo sẽ tăng trưởng 100% về doanh thu, tương đương năng suất sản xuất 40 triệu lít/năm; đến 2019 lên 50 triệu lít/năm.

Uống bao nhiêu thì vừa?

Bia rượu là những thức uống phổ biến trên thế giới xuất hiện trong văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp ở nước ta. Tuy nhiên, thay vì quan niệm uống với lượng vừa phải tạo sự hưng phấn, vui vẻ trên bàn tiệc thì ngày nay việc lạm dụng bia rượu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thống kê năm 2013 cho thấy trung bình 1 người Việt Nam uống 32 lít bia/năm là minh chứng cho mức độ lạm dụng loại thức uống có cồn này ở nước ta. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng thứ 8 trong số 10 nước khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, với gần 68 triệu lít rượu được tiêu thụ trong năm 2013, người Việt Nam gần như ngập ngụa trong bia rượu.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế, cho biết trong khi mức tiêu thụ bia rượu trên phạm vi toàn cầu suốt cả thập kỷ qua hầu như không thay đổi (bình quân 6,13 lít/người/năm) thì ở Việt Nam, mức tiêu thụ bia rượu lại đang tăng liên tục và dự báo đến năm 2025 sẽ vượt xa thế giới với mức tiêu thụ rượu bia lên đến 7 lít/người/năm. Với mức tiêu thụ khủng khiếp về bia rượu ở Việt Nam, Bộ Công Thương cũng thừa nhận sản lượng sản xuất bia rượu ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân nội địa.

Theo các chuyên gia y tế, chỉ xét riêng lĩnh vực sức khỏe, đồ uống có cồn đã có thể chứng minh tốc độ “lao dốc” của cơ thể con người khi tác động đến nhiều bộ phận quan trọng, như: hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ nội tiết, đặc biệt là hệ tiêu hóa gan mật. Lá gan là nơi bị đồ uống có cồn tác động và phá hủy nhiều nhất, làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh gan. Thường bệnh nhân sẽ tử vong do suy gan nặng dẫn đến hôn mê gan, xuất huyết, nhiễm trùng, suy kiệt… Có nhiều bệnh nhân nghiện bia rượu đến nỗi thay đổi dần tính tình, mất dần các thói quen tốt, trở nên ích kỷ, tàn ác, nhỏ nhen, sống thiếu trách nhiệm với gia đình.

Từng tiếp nhận và điều trị nhiều “đệ tử lưu linh”, PGS-TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết không kể những tác động xã hội do lạm dụng bia rượu như tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến công việc… thì lạm dụng bia rượu cũng gây nhiều tác hại khôn lường với sức khỏe. Những bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Khoa Chống độc thường là đã ngộ độc nặng, biểu hiện như hôn mê, nôn mửa do uống quá nhiều thức uống có cồn. “Thế nhưng, người ta vẫn nhậu vì có hàng ngàn cái cớ đến nâng chén” - PGS Duệ nói.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Để giữ sức khỏe, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày (mỗi đơn vị tương đương với 1 cốc bia hơi, 2/3 chai hoặc lon bia, 1 cốc 100 ml vang hoặc 1 chén 30 ml rượu mạnh 40 độ). Trong khi đó, ở Việt Nam, 90% nam giới sử dụng rượu bia và 25% trong số đó sử dụng quá 5 đơn vị rượu bia mỗi ngày, gấp 2,5 lần ngưỡng cho phép. Đáng báo động là tỉ lệ sử dụng bia rượu ở tuổi vị thành niên đang tăng nhanh. 

Hậu quả khủng khiếp

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, lạm dụng bia rượu gây ra rất nhiều gánh nặng về sức khỏe như tai nạn giao thông, tự tử, bạo lực, nghiện, bệnh mạn tính… Nghiên cứu cho thấy 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội đều xuất phát từ nguyên nhân  do lạm dụng bia rượu.

Người Việt ngập trong bia - 2

Một trường hợp bị tai nạn giao thông sau khi nhậu say, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tháng 6-2014. Ảnh: PHẠM DŨNG

Cũng theo bà Hạnh, mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 2,5 triệu ca tử vong do lạm dụng bia rượu, chiếm 3,8% các vụ tử vong trên toàn cầu. Hầu hết những người tử vong do lạm dụng bia rượu đều đang ở độ tuổi lao động. Bia rượu cũng gây ra 4,5% gánh nặng bệnh tật trên thế giới, đồng thời cướp đi khoảng 70 triệu năm sống khỏe của loài người mỗi năm.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thông tin: 62% nạn nhân từ các vụ tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức là do bia rượu và trong số 500 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông được Viện Pháp y quốc gia xét nghiệm thì 34% nạn nhân có nồng độ cồn cao!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN