Người thầy dạy vẽ không tay

Cụt cả hai cánh tay, mù một con mắt nhưng sự nghiệt ngã của số phận không bẻ gãy được ý chí của ông Khanh Rong. Ông đã kiếm sống bằng nghề... vẽ và trở thành thầy giáo dạy vẽ ở Trường THCS Thạnh Trị (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) suốt 20 năm qua.

Không dừng lại ở đó, thật bất ngờ khi mới đây chúng tôi thấy thí sinh Khanh Rong dự thi tuyển sinh đại học ngành sư phạm mỹ thuật do Trường đại học Đồng Tháp tổ chức tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bạc Liêu.

Ông dùng hai cánh tay cụt gần đến cùi chỏ để kẹp cây cọ thực hiện bài thi môn bố cục. Càng bất ngờ hơn là sau kỳ thi, ông đã trúng tuyển á khoa vào lớp đại học liên thông của Trường đại học Đồng Tháp niên khóa 2012-2014 tổ chức tại Bạc Liêu.

Tuổi thơ dữ dội

Khanh Rong là người Khmer, từ nhỏ gia đình rời quê hương Thạnh Trị đến Biên Hòa (Đồng Nai) kiếm sống. “Đất không dụng người” nên năm Khanh Rong lên 10 tuổi, gia đình lại trở về cố hương. Do nhà quá nghèo nên ngần tuổi này Khanh Rong vẫn chưa đi học.

Người thầy dạy vẽ không tay - 1

Thầy Khanh Rong tận tình dạy vẽ cho học trò - Ảnh: C.Q

Năm 12 tuổi, Khanh Rong đang chăn trâu cùng nhóm bạn thì cả nhóm bỗng thấy có vật gì lờ đờ trên sông nên đến lượm lên xem. Khi cả nhóm tụm lại xem bất ngờ vật ấy phát nổ khiến một người bạn của Khanh Rong tử vong, còn Khanh Rong bất tỉnh. Khi tỉnh dậy cậu bé Khanh Rong thấy mình bị mất hai tay, con mắt bên phải vĩnh viễn không còn thấy gì được nữa.

Vết thương rồi cũng lành, đau đớn thể xác rồi cũng hết, nhưng việc sinh hoạt của Khanh Rong trở nên cực kỳ khó khăn. Mẹ Khanh Rong gần như tuyệt vọng vì không biết tương lai con mình thế nào.

Lúc ấy cả gia đình mới nghĩ tới chuyện cho Khanh Rong đi học chữ với hi vọng nếu học được thì biết đâu sẽ giúp cho con về sau. Thế nhưng ngay khi xin học lớp 1 thì cô giáo đã từ chối và yêu cầu Khanh Rong phải cầm viết được mới nhận dạy. Khanh Rong phải tự luyện cầm viết trong vòng mấy tuần. Cầm lên rớt xuống hoài nhưng Khanh Rong không bỏ cuộc và cuối cùng cũng thành công. Cầm được viết, được nhận vào lớp 1 nhưng Khanh Rong lại tiếp tục đối mặt với thử thách khác khó hơn nhiều là tập viết chữ.

Người chồng lý tưởng

Cuối những năm 1980, khi đang học trung cấp mỹ thuật, Khanh Rong đi ký họa tại Nhà máy thuốc lá Ô Môn (TP Cần Thơ). Một tháng ra vào nhà máy làm quen, tìm hiểu, ký họa về hoạt động sản xuất của nhà máy, Khanh Rong đã quen với cô công nhân Bùi Thị Cẩm (dân tộc Mường, từ Thanh Hóa vào lập nghiệp) và dần dần nảy sinh tình cảm. Hết thời gian thực tập, Khanh Rong trở về Sóc Trăng. Những lá thư tình yêu là cầu nối giữa hai người trong gần một năm. Bà Cẩm nhớ lại: “Khi biết tôi quen với anh Rong, gia đình không đồng ý”.

Nhưng dần dà, tấm lòng cùng nghị lực sống đáng nể của ông đã thuyết phục được mọi người, và thế là họ nên vợ nên chồng. Bà Cẩm tâm sự: “Dù anh ấy khuyết tật nhưng là trụ cột của gia đình. Anh Rong lo toan mọi việc, đối xử với vợ con bằng tình yêu thương”. Trong mắt bà, người thầy giáo khuyết tật này là một người chồng lý tưởng.

Ngoài giờ học ở trường, Khanh Rong phải mượn tập bạn bè về nhà để nhìn vào chữ trong đó mà tập viết lại. Viết đến hai cùi tay rướm máu. Viết đến tê dại cả hai cùi tay và cứ như vậy sau khoảng hai tháng thì Khanh Rong viết được chữ như bạn bè.

Học đến năm lớp 8 thì Khanh Rong bắt đầu tham gia cầm cọ vẽ trang trí lớp, làm báo tường trong những dịp lễ. Ông trời thật trớ trêu khi lấy đi của Rong đôi bàn tay và con mắt nhưng bù lại cho Rong khiếu vẽ! Cả trường đều réo “Rong ơi, Rong hỡi” mỗi lúc cần vẽ vời trang trí.

Tấm gương của học sinh

Sau khi học hết cấp III năm 1985, Khanh Rong dự thi vào Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hậu Giang (cũ). Dù đậu nhưng nhà trường không nhận vào học khi biết Khanh Rong cụt hai tay. Không nản chí, đến năm sau Rong lại nộp hồ sơ thi tiếp và phải trải qua bốn môn thi gồm trang trí, hình họa, văn học, lịch sử. Rồi Rong lại đậu! Thấy vậy nhà trường cho học thử bốn tháng lớp sơ cấp họa, nếu vượt qua được mới nhận học chính thức. Và Rong đã vượt qua thử thách.

Được nhận vào học lớp trung cấp, từ năm 2 ông bắt đầu xách giỏ đi vẽ kiếm tiền để trang trải việc học ở miệt Phụng Hiệp, Long Mỹ (Hậu Giang). Ai mướn gì ông vẽ nấy, từ tranh chân dung đến tranh phong cảnh với giá 20.000-30.000 đồng/bức. Đầu thập niên 1990, Rong hợp đồng dạy học ở Trường cấp I-II Thạnh Trị, và nghiệp “gõ đầu trẻ” đã gắn bó với thầy giáo Khanh Rong tới tận hôm nay.

Chúng tôi đến Trường THCS Thạnh Trị đúng lúc thầy Khanh Rong dạy môn vẽ cho hai lớp 61 và 63. Các động tác như kẹp phấn, giở giáo án, kẹp viết để hướng dẫn học sinh vẽ được thầy Khanh Rong thực hiện nhẹ nhàng như người bình thường. Quan sát tiết dạy của ông thấy học sinh rất thích thú bởi người thầy không tay giảng dạy rất nhiệt tình.

Người thầy dạy vẽ không tay - 2

Họa sĩ Khanh Rong bên tác phẩm của mình - Ảnh: C.Q

Thầy Trịnh Văn Trường - phó hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Trị - cho biết ông từng là học trò của thầy Khanh Rong những năm 1994, 1995. Lúc ấy lần đầu tiên thấy một người cụt tay mà dạy vẽ như vậy nên ông có chút nghi ngờ. Thế nhưng thầy giáo cụt tay ấy viết chữ rất đẹp, dạy rất nhiệt tình nên những nghi ngờ ban đầu nhanh chóng biến mất. Theo ông Trường, những buổi sinh hoạt dưới cờ với học sinh, lãnh đạo nhà trường thường lấy tấm gương của thầy Khanh Rong để khuyên bảo học sinh toàn trường noi theo. “Vừa rồi có em học sinh bị sốt bại liệt khiến đôi chân dị tật, chúng tôi cũng lấy tấm gương thầy Khanh Rong để động viên em ấy. Những năm học ở đây em ấy học rất khá và giờ đây đang học lớp 10 ở Trường THPT Trần Văn Bảy” - ông Trường kể thêm.

Những ngày này, thầy Khanh Rong tranh thủ hai ngày cuối tuần đón xe buýt đi học lớp đại học liên thông ở TP Bạc Liêu cách nhà hơn 25km. Khi được hỏi vì sao cực nhọc như thế, thầy Khanh Rong bày tỏ: “Học để biết thêm cái mới, mục đích của tôi là biết thêm cái mới vì nếu không thì mình sẽ đứng một chỗ. Có đi học mới thấy bút pháp của bạn bè cũng hay lắm”.

Trong mắt mọi người

Luôn nằm trong tốp 10

Thời đó học sinh vừa học vừa phải lao động, ban giám hiệu thấy anh Rong khuyết tật nên không nhận. Anh Rong quyết tâm yêu nghề, năm sau thi lại. Thấy vậy, thầy hiệu trưởng đặc cách cho anh Rong vô học. Kết quả học tập của anh Rong luôn nằm trong tốp 10 của lớp năng khiếu. Học ở đâu anh cũng được bạn bè, thầy cô quý mến.

(họa sĩ Ngô Thanh Phong, bạn học cùng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hậu Giang với Khanh Rong)

* Tôi ngưỡng mộ anh ấy

Anh Rong sống hòa đồng với anh em, thường giúp đỡ người khác. Dù cơ thể có khiếm khuyết nhưng anh tự lập hầu hết trong mọi sinh hoạt, học tập, kẹt lắm mới nhờ người khác. Tôi thật sự ngưỡng mộ anh vì ý chí phi thường và tinh thần tự lập.

(chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, bạn học lớp đại học liên thông với Khanh Rong)

* Kỳ diệu

Tôi chưa từng thấy người nào tài như vậy. Thật kỳ diệu!

(ông Nguyễn Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bạc Liêu)

* Bài học về sự phấn đấu

Lúc đầu tôi thấy hơi ngại vì trong lớp có một người như Khanh Rong. Sau khi tiếp xúc và qua quá trình học của anh Rong, tôi thấy khâm phục. Anh học chăm chỉ, vẽ bài bằng tất cả niềm đam mê. Anh Rong dù đã lớn tuổi nhưng vẫn thường dùng sắc màu tươi trẻ như một người trẻ tuổi yêu cuộc sống. Anh ấy đã cho tôi bài học về sự phấn đấu.

(bà Nguyễn Thị Bích Thuấn, Giảng viên khoa nghệ thuật Trường ĐH Đồng Tháp)

* Người thầy nhiệt tình

Anh Rong là người dễ gần gũi, dạy nhiệt tình. Trong quá trình dạy, con tôi có gì là ảnh giúp đỡ, báo tin liền. Tôi tin tưởng gửi con mình cho anh Rong dạy từ nhiều năm nay. Anh Rong ít khi la rầy học trò. Em nào không biết thì anh động viên. Được anh Rong dạy, mấy đứa nhỏ tiến bộ nhiều.

(ông Huỳnh Việt Khoa, phụ huynh em Phong Nhã, lớp 91 Trường THCS Thạnh Trị)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chí Quốc - Minh Quốc (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN