Sự thật về người cha "Gà trống nuôi con"

Anh Đặng Hữu Nghị - người một mình nuôi 2 con bị bại não, nổi tiếng qua clip "Gà trống nuôi con" - đã xin lỗi mạnh thường quân và vợ cũ về những thông tin không chính xác.

Sáng 18-5, ô tô, xe máy liên tục ra vào nhà anh Đặng Hữu Nghị ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM. Nhiều người mang tiền, quần áo, gạo đến hỗ trợ anh nuôi con sau khi xem clip anh hát ca khúc "Gà trống nuôi con" trong game show "Hát mãi ước mơ".

"Tôi không bỏ con!"

Tại đây, chị Đoàn Thị Huyền, vợ cũ anh Nghị và là mẹ của 2 đứa con tật nguyền, cũng có mặt. Khi chị nhận mình là mẹ của 2 cháu, rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ, đòi đánh khiến chị phải lánh đi.

Theo chị Huyền, chị và anh Nghị đã ly hôn; hiện chị buôn bán trái cây và nuôi đứa con thứ ba của 2 người tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mỗi năm, chị từ Khánh Hòa vào TP HCM thăm con khoảng 1-2 lần và đều liên lạc với anh Nghị. Do mắc bệnh nên chị thống nhất với anh Nghị vài năm tới, khi bảo đảm kinh tế, bệnh tình đỡ, chị sẽ mang con về nuôi. Giữa năm 2016, nhiều báo đưa tin chị bỏ con để tìm cuộc sống riêng. Bức xúc, chị gọi điện cho chồng cũ thì: "Anh Nghị mong tôi thông cảm vì cuộc sống mưu sinh nuôi 2 con nên phải nói không đúng sự thật".

Sự thật về người cha "Gà trống nuôi con" - 1

Anh Đặng Hữu Nghị và vợ con

Cái tiếng bỏ chồng, bỏ con khiến thời gian qua, chị và gia đình phải đối mặt với áp lực rất lớn từ dư luận. Do đó, lần này đến TP HCM, chị quyết đề nghị anh Nghị phải thông tin rõ ràng để lấy lại danh dự cho mình.

Trước các phóng viên và vợ cũ, anh Nghị đính chính: "Lâu nay, tôi không nói là vợ bỏ, mà chỉ nói là vợ ly dị chồng, do truyền hình, báo chí nêu sai". Khi phóng viên đưa ảnh chụp cách đây không lâu, anh đẩy xe bán kẹo kéo treo tấm bảng "Vợ bỏ 2 con tật nguyền" thì anh thừa nhận thông tin lập lờ khiến nhiều người hiểu không chính xác. "Mong dư luận có cái nhìn lại về vợ tôi, người không hề bỏ con. Tôi xin lỗi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm" - anh Nghị nói.

Sao để con phơi nắng, dầm mưa?

Nhiều năm nay, đã có hàng chục tờ báo viết bài về hoàn cảnh khó khăn của cha con anh Nghị. Anh cũng nhận được tiền hỗ trợ của các báo và các mạnh thường quân. Thế nhưng ngày ngày, người cha này vẫn đẩy xe chở 2 con đi bán kẹo mặc cho trời khuya, đường xa. Sau khi lý giải do 2 con thích ra đường để thoải mái, anh Nghị nói thêm: "Từ ngày báo chí đưa tin, mạnh thường quân cho rất nhiều tiền. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là có núi vàng mà không chịu làm ăn cũng hết. Cho nên vừa nhận tiền từ thiện vừa phải mưu sinh để sau này an dưỡng tuổi già".

Về thông tin trên chương trình truyền hình anh nói rằng không có tiền mua áo để mặc, anh Nghị giải thích chỉ có áo mặc lao động, còn áo veston lên truyền hình thì không có. Lúc ghi hình đã được một người trong ê-kíp cởi áo cho anh mặc. Cách đây nhiều năm, anh đã chở 2 con đến nhiều bệnh viện điều trị bệnh teo não. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng bệnh không chữa trị được nên đến nay chưa đi điều trị tiếp.

Tối cùng ngày, dòng người đến nhà anh Nghị cho tiền vẫn nối dài... 

Đại diện CÔNG TY ĐIỀN QUÂN, đơn vị sản xuất chương trình "Hát mãi ước mơ":

Không kêu nghèo, kể khổ

Anh Đặng Hữu Nghị đến với chương trình bằng 1 bộ veston. Định dạng của chương trình mang tính thiện nguyện nên hình ảnh một bộ veston có thể không phù hợp. Tuy nhiên, khán giả thương cảm với hoàn cảnh của anh chứ không phải việc anh mặc áo sơ-mi mà ê-kíp sản xuất chương trình đưa hay bộ veston mà anh mang đến. Không ngoài khả năng ê-kíp sản xuất không trình bày rõ ràng và đủ ý nên gây hiểu lầm.

Nếu nói chương trình dàn dựng lên câu chuyện của anh Nghị là sai. Vì câu chuyện nuôi 2 bé bị bệnh bại não là sự thật và cuộc sống của anh cũng có muôn vàn khó khăn. Chúng tôi không kêu nghèo, kể khổ trong chương trình. Chuyện thương cảm tùy thuộc vào cảm xúc của người xem. Chúng tôi không có quyền hay khả năng để tạo nên điều ấy.

T.Trang ghi

Xúc động cảnh “gà trống” bán kẹo mút nuôi 2 con bại não

Một người cha “gà trống” nuôi con đã khó, nuôi đứa con tật nguyền lại cùng cực hơn gấp bội. Vậy mà trong suốt 4...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ PHONG (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN