Ngư dân Sầm Sơn: Chúng tôi chỉ cần... 1km bờ biển

“Dân chúng tôi bức xúc với mấy ông tỉnh, làm việc thì phải cho dân ý kiến đằng này chúng tôi không được biết. Chúng tôi mong muốn bờ biển đẹp tuy nhiên chúng tôi chỉ mong muốn cho chúng tôi 1km để neo đậu bến thuyền”.

Ngư dân Sầm Sơn: Chúng tôi chỉ cần... 1km bờ biển - 1

Hội trường buổi đối thoại trực chật cứng ngư dân. Ảnh: Đ. Trung

Đó là một trong những ý kiến của người dân địa phương tại buổi đối thoại trực tiếp giữa ngư dân với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chính cùng với nhiều lãnh đạo, các ngành sáng nay (7-3), tại Trung tâm văn hóa Thanh niên TX Sầm Sơn.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền cho biết, dự án phía Đông Hồ Xuân Hương làm nhằm cải thiện, tạo ra môi trường du lịch thân thiện, xây dựng mục tiêu đô thị Sầm Sơn trở thành địa điểm du lịch biển trọng điểm quốc gia có các công trình phục vụ du khách tắm biển, quán bar, giải khát, khu vui chơi giải trí công viên cây xanh, vườn hoa bốn mùa, khu du lịch thể thao...

Dự án có tổng mức đầu tư là 316 tỷ đồng, tỉnh có chủ trương xã hội hóa đầu tư, kêu gọi đầu tư theo dự án BOT, dự kiến hoàn thành vào ngày 30-3.

UBND TX Sầm Sơn quản lý toàn bộ công trình công cộng, người dân Sầm Sơn đăng ký hoạt động kinh doanh hoạt động.

Ông Nguyễn Đức Quyền nhấn mạnh, biển Sầm Sơn là sở hữu chung của người dân Sầm Sơn, kể cả ngư dân và du khách Sầm Sơn. Các công trình công cộng được sự quản lý của nhà nước.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Quyền, đối với các bè mảng, công suất từ 8-9 đến 20CV là chủ yếu và để thực hiện sắp xếp lại nghề cá của Sầm Sơn. Đối với các xã Quảng Cư, Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn bị ảnh hưởng của dự án phía đông đường Hồ Xuân Hương thì đây là chính sách riêng ban hành trong phạm vi thị xã Sầm Sơn.

Chính sách có hai nội dung cụ thể là giải tỏa tàu thuyền máy dưới 20CV, tiến tới là không còn phương tiện lắp máy dưới 20V. Ngư dân sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng, đối với mủng là 50 triệu/1 mủng. Hỗ trợ hộ gia đình theo khẩu trong thời gian 6 tháng tính bằng tiền tương đương 30kg gạo tẻ/ người/tháng. Ngoài ra đối với những hộ dân liên quan đến thuyền bè còn được hỗ trợ học nghề...

Tuy nhiên, sau phát biểu của ông Nguyễn Đức Quyền người dân TX Sầm Sơn đã có những phản ứng không đồng tình.

Ông Đỗ Trọng Hưng Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa yêu cầu bà con giữ trật tự, từng người dân một đứng lên phát biểu đề xuất yêu cầu của mình.

Ngư dân Sầm Sơn: Chúng tôi chỉ cần... 1km bờ biển - 2

Ngư dân yêu cầu lãnh đạo tỉnh để lại một phần nhỏ bờ biển để mưu sinh.Ảnh: Đ. Trung

Một ngư dân cho biết: “Thuyền to, thuyền lớn là có những lúc rủi ro, xảy ra mạng chết ở ngoài khơi. Trong khi chúng tôi đi thuyền bé vẫn xây được nhà hai tầng, chúng tôi không phải là hộ cận nghèo, hộ nghèo. Nếu dưới bỏ dưới 9CV chúng tôi biết làm gì. Bản thân nhân dân chúng tôi nhường bãi sạch cho du khách, nhà nước có chủ trương chúng tôi hoàn đồng ý. Nhà chúng tôi đi ra biển, vợ phụ chồng từ sáng rồi về tranh thủ thời gian để chăm lo cho gia đình và các con. Chúng tôi mong muốn được nhà nước để dành cho 200m bờ biển để làm bến bờ để thuyền”.

Những ý kiến của người dân tham gia phát biểu đều mong muốn giữ lại nghề của cha ông, đồng thời khẳng định lãnh đạo tỉnh “Phải bảo vệ, thương lấy nhân dân, lấy nhân dân làm gốc. Nghề truyền thống của nhân dân lưới chài trên biển, trên sông phải giữ lại nghề của ông cha và để người dân mưu sinh”.

Sau phát biểu, hàng trăm người dân trong hội trường ồ lên vỗ tay làm cho buổi đối thoại càng trở nên nóng hơn.

Ngư dân Sầm Sơn: Chúng tôi chỉ cần... 1km bờ biển - 2

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của ngư dân  tại buổi đối thoại trực tiếp . Ảnh: Đ. Trung

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tỵ đại diện cho ngư dân phường Trung Sơn bức xúc: “Dân chúng tôi bức xúc với mấy ông tỉnh, làm việc thì phải cho dân ý kiến đằng này chúng tôi không được biết. Nghề cá ngư dân của chúng tôi là hàng đầu, chúng tôi mong muốn bờ biển đẹp tuy nhiên chúng tôi chỉ mong muốn cho chúng tôi 1km bờ biển. Dân chúng tôi sống nhờ nghề cá, làm việc là giải quyết cho người dân thuyền bè thúng mủng”.

“Quan điểm của người dân tha thiết lãnh đạo tỉnh để lại cho ngư dân chúng tôi từ 500m đến 1km để người dân mưu sinh, phát triển làng nghề biển. Tại sao nơi khác được quy hoạch trong khi Sầm Sơn lại không được quy hoạch như các tỉnh khác”, một ngư dân đặt câu hỏi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trung (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN