Ngôi mộ bí ẩn dưới chân đường cao tốc

Sự kiện: Đồng Nai

Ngôi mộ cổ ở Long Thành, còn gọi là mộ cổ Cầu Xéo, chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Trên con đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã đi qua, rất nhiều ngôi nhà, mồ mả đã phải di dời giải tỏa. Ở khu vực gần trục lộ cũ số 769, hướng sông Đồng Môn, cách Biên Hòa 22 km theo đường chim bay, có hai ngôi mộ cổ bằng hợp chất không có thân nhân thừa nhận.

Khi người xưa “không cho” hậu sinh phá mộ…

Lẽ thường, mộ 100 năm trở lên được xem là mộ cổ và được quản lý nhưng hai mộ cổ này không hiểu vì lý do gì lại không có trong danh sách của cơ quan văn hóa địa phương. Năm 2011 đơn vị thi công đã thuê bốn thanh niên chuyên khoan cắt bê tông đến phá bỏ những ngôi mộ này để giải tỏa. Sau khi phá tanh bành ngôi mộ nhỏ, họ đến ngôi mộ lớn hơn gần bên để phá tiếp.

Kỳ lạ thay, máy cắt, máy khoan phá… vốn dùng để phá bê tông cốt thép dễ như chẻ tre nay đều vô dụng trước ngôi mộ cũ kỹ. Sau mấy ngày cố gắng, máy móc hỏng hết còn ngôi mộ vẫn trơ trơ, chỉ sứt mẻ đôi chút. Nhóm thanh niên lúc này giật mình, cho rằng người nằm trong ngôi mộ không cho phá, họ hoảng sợ bỏ của chạy lấy người, tin tức từ đây lan ra gây hoang mang trong cộng đồng dân cư.

Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai biết tin tìm đến, xác định đây là mộ cổ lâu năm, vội báo cáo về tỉnh rồi liên hệ lên TP.HCM. Đoàn khảo cổ do PGS-TS Phạm Đức Mạnh xuống nghiên cứu, xác nhận ban đầu đây là ngôi mộ cổ ít nhất 200 năm, mộ rất có giá trị. Tỉnh Đồng Nai quyết định khai quật và di dời mộ về Văn miếu Trấn Biên để phục dựng.

Lúc này thông tin về bốn thanh niên phá mộ đã có ba người đột nhiên chết bất đắc kỳ tử khiến lan truyền tin đồn ngôi mộ linh thiêng, trừng phạt người phá mộ dẫn đến rất nhiều người hiếu kỳ ùn ùn đến xem và tìm cách… xin số đề khiến tình hình an ninh tại nơi này rất phức tạp.

Họa sĩ Đỗ Đình Chiến, chuyên gia di dời các ngôi mộ cổ, kể lại: “Bản thân tôi đã di dời rất nhiều ngôi mộ nhưng chưa có ngôi mộ nào kỳ lạ như vậy. Toàn bộ khu mộ có tổng khối lượng 50 tấn, chúng tôi bóc tách và di dời khu vực bao quanh mộ không có vấn đề gì. Cuối cùng đến phần mộ, xác định khối hợp chất này chỉ nặng khoảng 5-7 tấn, tôi cho xe cẩu 15 tấn đến, yên tâm là dư sức vậy mà không ngờ không thể cẩu lên được, cứ như chủ nhân không cho mang đi. Dù rất tiếc nhưng tôi đành cho cắt ngôi mộ ra làm đôi mới cẩu đi được, khi mang về phục dựng sẽ phục chế vết cắt để mộ liền lại như cũ”.

Ngôi mộ bí ẩn dưới chân đường cao tốc - 1

Ngôi mộ bị phá nhưng chỉ mẻ một ít phần phía trên. Ảnh: PGS-TS PHẠM ĐỨC MẠNH

Ngôi mộ có giá trị rất cao

Có rất nhiều ngôi mộ vài trăm năm tuổi ở miền Nam nhưng không phải mộ nào cũng di dời, phục chế vì rất tốn kém, chỉ những ngôi mộ có giá trị mới được di dời, phục chế.

Điểm đầu tiên là ngôi mộ vẫn còn nguyên thủy lớp hợp chất, chưa bị sơn phết lên như nhiều mộ cổ khác (có rất nhiều mộ cổ vô chủ nhưng do được đồn linh thiêng nên người ta đến cầu xin xong tạ ơn bằng cách quét vôi hay sơn mộ, vô tình làm mất giá trị ngôi mộ). Khu di tích mộ hợp chất nằm trên khoảnh đất rộng cỡ 40 m² với kiến trúc có tường thành bao quanh gần như nguyên vẹn và cửa mộ hướng Bắc.

Bình phong tiền hai đầu trên chặt vát góc, khung hình chữ nhật chính giữa trang trí dạng phù điêu tạo hình các môtíp như: cặp nai dưới gốc đa ở mặt hướng ra cửa trước và “tứ linh” phối trí đối xứng theo đường chéo (long - lân - quy - phụng) ở mặt sau. Gắn hai bên bình phong hậu là cặp tượng phù điêu phối trí đối xứng thể hiện môtíp “lưỡng long triều dương” hoặc “lưỡng long chầu phúc”.

Đáng chú ý nhất ở khu mộ hợp chất Cầu Xéo là người thợ xưa kiến tạo thêm một cặp ban thờ quy cách của “miếu thờ Thổ Địa” gắn ngay trên bờ bao đối xứng nhau ngang với ban thờ bia. Mỗi ban gồm đế đỡ chân quỳ, khán thờ rộng và cặp tượng linh thú (nghê hay lân cái) đối xứng hai bên.

Phía trong lớp quách là quan tài bằng gỗ sao còn rất tốt, bên trong là lớp nước ướp xác màu nâu sền sệt. Thi hài còn gần như nguyên vẹn, xương cốt ngả màu nâu đen, còn đầy đủ cốt sọ nguyên búi tóc và các bộ phận xương thân hình. Chủ nhân ngôi mộ là một phụ nữ tuổi 50-60, cao xấp xỉ 1,5 m, được đặt nằm trên chiếu cói phủ một lớp tro dày khoảng 15-20 cm cuối tấm địa. Đáng chú ý là dưới đầu người đã khuất có một lớp thủy ngân màu ánh sáng và phần chân rải đầy lớp quả lạ khoảng 1,5-2 kg. Theo TS Nguyễn Văn Long và các lão nông Đồng Nai, có thể đây là quả nguyệt quế, có rất nhiều ở rừng Trường Sơn phía Nam Việt Nam.

Ai là người nằm trong ngôi mộ?

Việc khai quật chưa thể xác định được danh tính vì bia mộ bằng đá gan gà tuy còn nhưng đã bị đục phá, tẩy xóa hết các phần chữ ghi tên tuổi, địa vị người chết…, chỉ còn lại bốn chữ “Phu nhân chi mộ” là đọc được.

Chưa bàn tới kết cấu mỹ thuật, chỉ riêng việc ngôi mộ được làm bằng loại hợp chất kiên cố đủ cho thấy chủ nhân là một người giàu có hoặc quyền quý. Thi hài người phụ nữ được mặc theo người hơn 10 bộ quần áo bằng gấm vóc màu hồng tía và nõn chuối, vải lụa và the màu nâu sẫm in hoa và dây lá nổi, có cả vải mắt to thưa và giống vải sô. Các trang phục gấm vóc có đính nút áo bằng vàng Tây tập trung gần cổ và bụng. Chân đi đôi hài gấm có thêu chỉ vàng rất đẹp... Đây là những trang phục của một người rất giàu có thời đó.

Với PGS-TS Phạm Đức Mạnh, ngôi mộ này còn nhiều điểm rất khác lạ “của riêng Nam bộ” mà đến tận hôm nay ông chưa giải mã hết. Ví như, nấm mộ nữ không bé nhỏ như các mui luyện mu rùa thường thấy mà lại bề thế đồ sộ như hình voi phục của các ngôi mộ quý ông Nam bộ. Cặp tượng linh thú (nghê hay kỳ lân cái) chầu ban thờ Thổ Địa Cầu Xéo phối trí trên bờ bao hướng vào ban thờ bia mộ khác với các tượng linh thú thường thấy ở Nam bộ.

Đặc biệt, cặp tượng phù điêu gắn bên hông bình phong hậu mang môtíp trang trí không phải hình phượng (như mộ bà chánh thất tham tri Bộ Hộ Võ Thục Nhân) mà lại là hình rồng - theo các môtíp quen thuộc “lưỡng long triều dương”, “lưỡng long triều nhật”, “lưỡng long chầu phúc” của nghệ thuật trang trí cung đình lăng tẩm Nguyễn.

Ông Mạnh đã so sánh bộ cối giã trầu và que ngoáy có cán hình nậm rượu bằng bạc mạ vàng được chôn theo người chết có hình dáng rất gần gũi với các đồ ngoáy trầu ngự dụng của triều Nguyễn đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế và đặc biệt giống với cối và chìa ngoáy trầu bằng ngọc kim sa và vàng lưu giữ ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.

Đặc biệt ấn tượng là ở chân bia mộ nữ quý tộc này còn khắc chữ “Hoàng” 𦤃, bởi trong các lăng tẩm quý tộc Nguyễn ở cả Việt Nam, vật liệu kiến thiết có khắc chữ “Hoàng” chỉ xuất hiện trong gạch xây lăng ông nội và thân phụ đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (cha đẻ “mẫu nghi thiên hạ” thái hậu Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức) trong lăng Hoàng Gia (Gò Công, Tiền Giang).

Với tất cả đặc điểm “phá cách” từ kiến trúc đến điêu khắc trang trí, đồ kiểu ngự dụng trong quan tài xác thực khả năng thân phận mộ chủ chính người hoàng tộc Nguyễn, từ đó tìm hiểu về những người trong hoàng tộc đến sống và chết ở đất Đồng Nai thời điểm đó khiến ông Mạnh suy đoán chủ nhân ngôi mộ là hoàng nữ thứ ba của vua Gia Long, tức công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh, mất ở chùa Đại Giác, đến nay vẫn chưa xác định được mộ.

đấy vẫn chỉ là giả thiết mà ông đặt ra, những tư liệu hiện có chưa đủ sức chứng minh. Chủ nhân ngôi mộ Cầu Xéo là ai đến nay vẫn là sự bí ẩn.

Hành trình đi tìm mộ cổ: Dấu vết của ”thần cơ” Hồ Nguyên Trừng

Sau khi bị quân Minh bắt, Hồ Quý Ly bị bắt giam, còn lại hai con trai ông đều được nhà Minh tha bổng. Hồ Hán Thương được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Pháp luật TP.HCM
Đồng Nai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN