Nghi ngờ có nhiều nguồn lây COVID-19 ở Đà Nẵng

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, có thể có nhiều nguồn lây trong cộng đồng và hiện còn nhiều người nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nhưng chưa phát hiện được.

UBND TP Đà Nẵng chiều 27-7 đã có văn bản yêu cầu cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu; riêng huyện Hòa Vang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19.

Tăng cường xét nghiệm

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ vào trưa 27-7, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết trong những ca mắc COVID-19 tại địa phương này thì ca 416, 418 và 420 đều chưa truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm. Vấn đề lo lắng hiện nay là có thể có nhiều nguồn lây trong cộng đồng và hiện còn nhiều người nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh mà chưa phát hiện được.

Ông Huỳnh Đức Thơ đề nghị Chính phủ hỗ trợ trong việc rà soát, cách ly các trường hợp F1, F2 trên địa bàn vì số người này rất lớn. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng đã là 8.000 trường hợp và dự kiến có khoảng 10.000 đối tượng F1, F2 trên toàn TP. Những khu vực có nguy cơ cao, khu vực có người nước ngoài, người Trung Quốc và các hoạt động mà những bệnh nhân đã đến cũng rất nhiều. Chính vì thế Đà Nẵng phải khẩn trương tăng cường việc xét nghiệm để phát hiện những người có bệnh.

UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các trung tâm y tế lớn hỗ trợ Đà Nẵng trong việc xét nghiệm COVID-19. Xét nghiệm trên diện rộng là cách tốt nhất, đánh giá tổng thể bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng. "Việc xét nghiệm vừa để tìm kháng nguyên vừa tìm kháng thể để có đánh giá chung về tình hình dịch. Hiện nay việc xét nghiệm còn rất khiêm tốn, mới được 3.000 người" - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Bộ Y tế nhận định việc xét nghiệm trên diện rộng ở Đà Nẵng là cần thiết nhưng bên cạnh đó phải truy tìm những người đã đến Đà Nẵng trong 1 tuần qua để xét nghiệm, cách ly tại nhà. Bộ Y tế cũng nhận định ổ dịch lớn nhất tại Đà Nẵng là ở 3 bệnh viện nằm cạnh nhau, tương tự như kịch bản tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết hiện địa phương đang cùng Bộ Y tế lên phương án chuẩn bị khu điều trị đặc biệt cho bệnh nhân mắc COVID-19. Dự kiến khu điều trị này là Bệnh viện Phổi (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Hiện các chuyên gia đang lên phương án, di dời trang thiết bị, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ điều trị. Việc này nhằm giải tỏa cho Bệnh viện Đà Nẵng để làm nơi khám chữa bệnh cho các bệnh nhân khác.

Hành khách làm thủ tục rời khỏi TP Đà Nẵng tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Quang Luật

Hành khách làm thủ tục rời khỏi TP Đà Nẵng tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Quang Luật

Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP HCM cấp tốc ngăn ngừa

Tại tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện 2 ca nghi mắc COVID-19. Hiện ngành y tế tỉnh này đã gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm để có kết luận cuối cùng. Tính tới chiều 27-7, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu xét nghiệm 200 trường hợp có liên quan đến các ca bệnh 416, 418, 420. Trong số này, 170 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, số còn lại đang chờ kết quả. Đáng chú ý, 3 trường hợp ở tỉnh Quảng Nam đi thăm bệnh nhân 420 ở TP Đà Nẵng, có tiếp xúc gần với bệnh nhân trên đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành y tế đã giám sát 133 người liên quan đến ca bệnh 416, 418. Trong 5 trường hợp liên quan đến ca bệnh 420 tại TP Đà Nẵng, có 2 người ở Tam Kỳ, 1 người TP Hội An từng đến thăm bệnh, tiếp xúc trực tiếp và 3 cán bộ y tế ở tỉnh Quảng Nam được cử ra thực tập tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có 1 người trực tiếp đặt ống nội khí quản, khám cho ca 418. Do bệnh nhân 420 thường xuyên đi lại giữa Quảng Nam - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lịch trình di chuyển phức tạp trước khi cách ly nên nguy cơ bệnh xâm nhập vào Quảng Nam là rất cao.

Còn tại Quảng Ngãi, chiều 27-7, UBND tỉnh này đã cho cách ly y tế tại chỗ đối với khu dân cư tổ 9 (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi - nơi có ca nhiễm 419) và Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành khử trùng khu vực này. Cũng liên quan đến bệnh nhân 419, ngành y tế Quảng Ngãi xác định số trường hợp F1 có tiếp xúc gần với bệnh nhân là 127 người và 121 bệnh nhân đến khám cùng khung giờ của bệnh nhân 419 tại Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi. Tất cả trường hợp F1 và hơn 100 trường hợp F2 cũng đã được các cơ quan chức năng cách ly, theo dõi sức khỏe.

Chiều 27-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) phát thông tin về việc TP HCM triển khai khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm những người về từ Đà Nẵng. Theo đó, tất cả những người đang sinh sống tại TP rời Đà Nẵng từ ngày 1-7 thực hiện khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. HCDC đang triển khai quy trình khai báo y tế, điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm tại 24 quận, huyện để bảo đảm an toàn trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đúng quy định.

Do đó, trước mắt, đề nghị người dân thuộc diện nêu trên thực hiện theo hướng dẫn: các trường hợp có triệu chứng đường hô hấp, nghi mắc bệnh COVID-19 phải lập tức mang khẩu trang và đến bệnh viện (BV) quận, huyện khai báo y tế, để được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 và điều trị. Khuyến cáo không di chuyển bằng phương tiện công cộng. Có thể chủ động liên hệ trước với BV quận, huyện qua đường dây nóng của BV. 

Nguồn: [Link nguồn]

Nóng trong tuần: Đà Nẵng xuất hiện 4 ca nhiễm COVID-19 chưa xác định nguồn lây

Đà Nẵng xuất hiện 4 ca nhiễm COVID-19 chưa xác định nguồn lây; Xe khách đấu đầu xe tải ở Bình Thuận, xe du lịch tự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Vân ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN