Ngày đầu thượng đỉnh Mỹ-Triều: 2 điều mới hiếm thấy

Xem ra, Mỹ và Triều Tiên dường như đã đạt được một số thoả thuận với nhau từ trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un gặp nhau, đủ để cho họ dẫu không đạt được với nhau thoả thuận gì hơn nữa khi gặp lại nhau thì vẫn có thể tuyên cáo với bên ngoài là cuộc gặp lại này thành công.

Ngày đầu thượng đỉnh Mỹ-Triều: 2 điều mới hiếm thấy - 1

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh AP

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump đều đã tới Hà Nội để tiến hành cuộc gặp lại nhau. Có hai điều mới mẻ hiện tại giúp cho thế giới bên ngoài có thể lạc quan nhiều về triển vọng thành công tốt đẹp của sự kiện lớn này. Thứ nhất, cả phía Mỹ lẫn phía Triều Tiên đều rất kiềm chế với phát biểu công khai trước sự kiện liên quan trực tiếp đến sự kiện cũng như không đưa ra điều kiện tiên quyết nào nữa. Thứ hai, chương trình của cuộc gặp của hai người này ở Hà Nội khác biệt cơ bản so với lần họ gặp nhau ở Singapore.

Theo xác nhận của phía Mỹ, ông Trump và ông Kim Jong un sẽ gặp nhau cả thảy 5 lần với 3 lần trao đổi và 2 lần dùng bữa với nhau. Như thế là nhiều chứ không phải ít, là thân thiện chứ không khoảng cách, là hài hoà chứ không bất đồng. Xem ra, hai phía dường như đã đạt được một số thoả thuận với nhau từ trước khi hai người kia gặp nhau, đủ để cho họ dẫu không đạt được với nhau thoả thuận gì hơn nữa khi gặp lại nhau thì vẫn có thể tuyên cáo với bên ngoài là cuộc gặp lại này thành công.

Đối với Mỹ và Triều Tiên, cuộc cấp cao song phương này ở Hà Nội có ý nghĩa quan trọng quyết định trên ba phương diện.

Thứ nhất, nó đưa hai bên, đặc biệt ông Trump và ông Kim Jong Un, đến nhận thức là có thể tin cậy lẫn nhau hay không. Cho tới nay, bên này không thật sự tin là bên kia sẽ thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ những gì đã long trọng cam kết với nhau và với thế giới bên ngoài. Công bằng và khách quan mà nói thì bên nào cũng có lý do cụ thể và xác đáng để nghi ngờ bên kia. Không bắt đầu tin cậy lẫn nhau thì ông Trump và ông Kim Jong Un rồi đây có gặp lại nhau nhiều lần nữa thì cũng không thể thúc đẩy tiến trình hoà bình và hìa giải giữa Mỹ và Triều Tiên đi xa được hơn, hoặc nếu có thể thì sẽ mất thêm rất nhiều thời gian. Muốn gây dựng sự tin cậy lẫn nhau thì ở Hà Nội lần này, cả hai phía đều phải có nhượng bộ nhau cụ thể hơn, thực chất hơn và liên quan nhiều hơn đến bản chất mối bất hoà giữa hai bên.

Thứ hai, cuộc gặp này phải làm rõ hơn quan điểm của hai bên về định hướng của tiến trình cho thời gian tới. Nó động chạm đến triển vọng về hoà bình và an ninh cũng như cục diện quan hệ ở khu vực Đông Bắc Á và trên bán đảo Triều Tiên. Đối với Mỹ và Triều Tiên, nó liên quan trước hết đến 3 phương diện là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên (vấn đề phi hạt nhân hoá), chính sách của Mỹ trừng phạt Triều Tiên, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và hoạt động quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc (vấn đề Mỹ đảm bảo an ninh như thế nào cho Triều Tiên) và khuôn khổ hay mô hình nào cho quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai (vấn đề định hình mối quan hệ song phương).

Thứ ba, hai bên phải đưa ra được lộ trình cụ thể cho những bước đi cụ thể trong thời gian tới có thể kiểm chứng được về lượng cũng như chất để thể hiện là tiến trình tiếp tục tiến triển và sự tin cậy lẫn nhau bắt đầu được gây dựng.

Sau 5 lần gặp nhau theo chương trình nghị sự đã được công bố nói trên, chắc chắn ông Trump và ông Kim Jong Un sẽ có tuyên bố chung bao hàm những nội dung là khẳng định những cam kết và thoả thuận ở Singapore cùng với một số thoả thuận mới. Sẽ rất thú vụ nếu qua đó có thể xác định được là hai bên thiên lệch về cách tiếp cận nào cho giải pháp, đa phương hay song phương, xử lý mọi chuyện riêng với nhau hay để cho bên thứ ba nào khác cùng tham gia.

Hai người này sẽ đánh giá tích cực diễn biến trong thời gian qua và sẽ cam kết thúc đẩy tiến trình cho thời gian tới, cho biết rồi sẽ gặp lại nhau. Hai bên duy trì đối thoại và tiếp tục hợp tác giải quyết vẫn đề hồi hương hài cốt nhân viên quân sự Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên. Mỹ chắc sẽ chưa nới lỏng những biện pháp trừng phạt Triều Tiên nhưng sẽ có động thái mới để giảm thiểu lo ngại của Triều Tiên về bị đe doạ an ninh như không tập trận nữa hay không tăng cường vũ trang nữa ở Hàn Quốc.

Triều Tiên chắc sẽ công bố đóng cửa thêm một vài cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm hạt nhân, khẳng định tiếp tục ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, cũng như rất có thể để cho Mỹ hay quốc tế xác thực những bước đi này. Triều Tiên có thể thay đổi ở mức độ nhất định chương trình hạt nhân và tên lửa nhưng sẽ không để động chạm đến kho vũ khí hạt nhân và tên lửa hiện có. Cuộc gặp của hai người ở Hà Nội này chưa phải là lúc họ chơi bài ngửa với nhau, chưa phải là khi giải quyết tất tần tật mọi vấn đề mà chỉ một vài trong số ấy. Số này tuy có thể nhỏ và ít nhưng lại quyết định tiến trình tiếp tục tiến triển hay trì trệ, sự tin cậy lẫn nhau được gây dựng hay vẫn hoàn toàn không có cũng như bao lâu nữa thì hai người này sẽ lại có thể hay phải tái hội ngộ nhau.

Đại sứ Trần Đức Mậu 

Trước giờ G, khách sạn tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều dày đặc lực lượng an ninh

An ninh được thắt chặt tại khu vực khách sạn Sofitel Legend Metropole, nơi dự kiến sẽ diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PV ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN