"Ngành giáo dục không đủ kinh phí dạy trẻ tập bơi"?

“Trẻ bị đuối nước nhiều như vậy, lúc này các trường, các địa phương không thể chần chừ với trách nhiệm, nên tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội cho học sinh”.

"Ngành giáo dục không đủ kinh phí dạy trẻ tập bơi"? - 1Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB và XH)

Nên phổ cập bơi lội cho trẻ

Trong vòng 1 tháng qua, trên cả nước đã xảy ra hơn chục vụ đuối nước khiến gần 50 học sinh thiệt mạng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB và XH) cho biết, ông cũng giật mình về số lượng trẻ đuối nước tăng vọt trong thời gian gần đây.

“Trẻ bị đuối nước nhiều như vậy, lúc này các trường, các địa phương không thể chần chừ với trách nhiệm, nên tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội cho học sinh”, ông An nói.

Theo ông Nguyễn Trọng An, trẻ bị đuối nước không chỉ quanh gia đình, cạnh nhà trường mà xảy ra ở cả khu du lịch. Đặc biệt, quãng thời gian nghỉ, trẻ thường kéo nhau ra hồ, sông suối tắm và chơi đùa nên nguy cơ bị chết đuối rất cao.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em cũng cho biết, nguyên nhân chính gây ra đuối nước ở trẻ chính là sự bất cẩn của phụ huynh.

Ông An lý giải, hơn 60% vụ trẻ em bị tai nạn thương tích là xảy ra quanh gia đình và trong gia đình. Theo thống kê, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường chỉ tử vong trong gia đình, trẻ có thể gặp nạn ngay tại các loại xô, chậu, chum vại chứa nước ở trong gia đình và giếng khơi… Những trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước. Chính vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ là cực kỳ quan trọng.

“Những tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ cũng chính là do sự bất cẩn, lơ là thiếu quan tâm tới trẻ của gia đình và các bậc phụ huynh”, ông An nhấn mạnh.

Ngoài ra, môi trường quanh trẻ chưa an toàn. Những đoạn sông sâu, hồ sâu thường không cắm biển báo.Tại những khu vực ven sông, trẻ thường xuyên ra các bãi cát chơi rồi sụt cát dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, tại các khu du lịch, công viên có nhiều hồ nước không có cảnh báo, không có bảo vệ cũng gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc đối với trẻ. Điều đó cho thấy môi trường thiếu an toàn vẫn đang rình rập tới sự an toàn của trẻ.

Ngành giáo dục làm không xuể

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT cho biết, tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do số lượng trường học được đầu tư bể bơi rất ít; Đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu. Hơn nữa, trường không có bể bơi hay trường cũng không có cơ sở vật chất để dạy.

"Ngành giáo dục không đủ kinh phí dạy trẻ tập bơi"? - 2

Dạy trẻ biết bơi là biện pháp hữu hiệu giảm thiểu chết đuối

Do đó, phòng tránh tai nạn đuối nước trong nhà trường mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, giáo dục hành vi. Hàng năm, Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao về kỹ năng dạy bơi và cứu đuối nước cho các giáo viên dạy bơi…

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, thời gian tới ngành giáo dục sẽ tạo điều kiện xã hội hóa trường học, thu hút các tổ chức, cá nhân vào xây bể bơi để dạy bơi cho học sinh. Ngoài ra, cần vận động phụ huynh, các tổ chức xã hội chung tay cùng nhà trường, phối hợp với các đơn vị, tổ chức có bể bơi, bố trí thời gian dạy bơi hợp lý cho học sinh.

Tuy nhiên, để làm được như vậy rất cần sự chung sức của toàn xã hội. Bởi nếu chỉ có ngành giáo dục cố gắng mà không được sự ủng hộ của phụ huynh và các tổ chức xã hội thì cũng khó.

“Tuy nhiên, theo tôi ngành giáo dục sẽ không có kinh phí và không đủ nguồn lực để thực hiện việc này”, ông Ngũ Duy Anh cho hay.

Lưu ý phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ

- Cha mẹ cần giám sát trẻ.

- Tạo môi trường an toàn cho trẻ: đậy nắp giếng nước, hố nước, rào chắn ao hồ, cắm biển báo nguy hiểm.

- Dạy trẻ biết bơi.

- Dạy trẻ kỹ năng cứu người bị đuối nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN